Tham dự và chứng kiến buổi giao dịch của cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thuận Châu tại xã Chiềng Pha. Mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhiều hộ dân đã tập trung đầy đủ tại hội trường UBND xã.
Bà Lò Thị Hoàn, bản Huổi Quỳnh, xã Chiềng Pha, chia sẻ: Tháng 11/2024, thông qua Hội phụ nữ, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư 2 ha cà phê. Thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH qua điểm giao dịch tại xã được thực hiện nhanh chóng, từ khâu đăng ký, thẩm định, hướng dẫn làm thủ tục tại tổ vay vốn, trả lãi hằng tháng rất thuận lợi, giúp tôi tiết giảm thời gian và công sức.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu đang mở 28 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Thời gian giao dịch công việc cụ thể tại các điểm giao dịch xã được ấn định diễn ra từ ngày 6 đến ngày 22 hằng tháng, kể cả những ngày thứ bảy, chủ nhật. Ngoài việc bố trí 1 cán bộ theo dõi địa bàn, vào các buổi giao dịch, cán bộ, nhân viên phòng Giao dịch Ngân hàng huyện về tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ; phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu, cho biết: Đơn vị đang thực hiện cho vay 17 chương trình tín dụng, tổng dư nợ 941,6 tỷ đồng, có 16.697 khách hàng vay vốn. Nhờ thực hiện giao dịch cố định tại xã đã giải đáp các vướng mắc, sai sót của người dân trong việc lập hồ sơ, thủ tục vay vốn, góp phần nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi của hộ vay, đặc biệt là nợ phân kỳ theo quy định, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn được hiệu quả hơn. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn toàn huyện chiếm 0,05%.
Tại huyện Bắc Yên, với đặc thù là huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, việc tổ chức giao dịch tại xã đã giúp bà con nhân dân không cần phải đến giao dịch tại Ngân hàng. Chị Mùa Thị Lan, Bí thư Đoàn xã Tà Xùa, cho biết: Đoàn xã đang quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, 166 hội viên, tổng dư nợ hơn 8,5 tỷ đồng. Việc tổ chức các phiên giao dịch tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn vốn.
Các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và có thói quen tích lũy tiết kiệm hằng tháng để dự phòng trả lãi, trả nợ gốc khi đến hạn. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Ngân hàng luôn đồng hành, bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, Chi nhánh đang bố trí các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, tiểu khu trên phạm vi toàn tỉnh. Chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch tuân thủ chặt chẽ quy trình giao dịch. Tại trụ sở UBND xã, tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng đều được công khai, niêm yết rõ ràng, nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, góp phần cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Từ năm 2024 đến nay, thành viên Ban đại diện các cấp đã thực hiện kiểm tra, giám sát 215 lượt cấp xã và 957 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn với 5.093 hộ vay. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động tại 20 lượt điểm giao dịch xã. Các phòng nghiệp vụ chi nhánh thường xuyên giám sát từ xa trên hệ thống, liên hệ đôn đốc các đơn vị kịp thời điều chỉnh những tồn tại phát sinh
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, chất lượng tín dụng đã nâng cao, hoạt động các điểm giao dịch xã hằng năm được xếp loại tốt. Đến nay, doanh số cho vay trên 966 tỷ đồng, với trên 7.500 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt trên 7.157 tỷ đồng, với trên 122.000 hộ còn dư nợ.
Hoạt động tại điểm giao dịch xã là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/giao-dich-tai-xa-giam-chi-phi-cho-nguoi-ngheo-vay-von-K5mkc8aNg.html
Bình luận (0)