Từ nhiều năm nay, cứ vào buổi tối thì lớp học xóa mù chữ của đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại (Đồn Biên phòng Nậm Lạnh - Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) lại sáng đèn. Học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có độ tuổi 15 - 60.
"Có cái chữ nên bà con rất vui"
Đến tham quan lớp học xóa mù chữ của đại úy Lò Văn Thoại ở bản Pá Khoang, xã Mường Và mới thấy không khí học tập vô cùng nghiêm túc, nền nếp như một lớp học chính khóa. Mọi người đến đây không chỉ được học con chữ, mà thầy Thoại còn truyền cảm hứng về ý nghĩa của con chữ, của học tập nên ai cũng hiểu việc học là tốt cho mình, cho chính công việc hằng ngày của bản thân.
Đại úy Thoại sinh năm 1981, là người dân tộc Lào. Sinh ra tại xã Mường Và nên đại úy Thoại thấu hiểu lối sống và văn hóa của đồng bào nơi đây. Đại úy Thoại vào quân ngũ từ tháng 2-2002, hiện công tác tại Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Nậm Lạnh. Từ tháng 3-2019, đại úy Thoại bắt đầu công việc xóa mù chữ tại bản Pá Kạch, xã Mường Lạn. Từ năm 2022, lớp học này nhân rộng tại nhiều bản khác của 2 xã Nậm Lạnh và xã Mường Và của huyện Sốp Cộp.
Lớp học xóa mù chữ do thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại đứng lớp
"Nậm Lạnh và Mường Và là những địa phương vùng biên giới, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn, trình độ dân trí của bà con còn thấp, kinh tế chưa phát triển, đặc biệt là các bản giáp biên giới. Trong một lần công tác vào năm 2022 tại xã Mường Và, chúng tôi đến bản Pá Khoang cách trung tâm xã khoảng 20 km. Nơi đây, tỉ lệ mù chữ của bà con rất cao, hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn còn phổ biến. Tôi muốn dạy cho bà con biết chữ, biết viết tên của mình, biết đọc báo, biết phương pháp làm kinh tế hộ gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học vào lao động sản xuất" - đại úy Thoại nói về lý do mở lớp học xóa mù chữ đang được duy trì ở bản Pá Khoang.
Từ những trăn trở ấy, đại úy Thoại làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để có được danh sách những người chưa biết chữ và tái mù chữ trong bản, sau đó tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo huyện mở lớp học đặc biệt này.
Đại úy Thoại nhớ lại: "Lúc đầu, việc vận động bà con đến lớp rất khó khăn vì họ là lao động chính, phải lo nương rẫy, quanh năm đầu tắt mặt tối. Mất một thời gian tuyên truyền, đến từng nhà vận động, bà con mới chịu đến lớp. Từ 8 học viên, nay thì nhiều người tự nguyện xin vào lớp. Có cái chữ nên bà con rất vui".
Nâng cao ý thức người dân
Chia sẻ kinh nghiệm xóa mù chữ, đại úy Thoại cho biết đã áp dụng phương châm 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc để có phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả. Từ chỗ không biết con chữ, con số, sau một thời gian, họ có thể tự đọc, viết, lưu tên người thân trong điện thoại. Nhiều người ý thức được việc học chữ không chỉ giúp đọc hiểu sách vở mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày như: quan tâm đến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp... Nhờ có kiến thức, hiểu biết mà ý thức bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới của người dân cũng ngày càng được nâng cao.
Đại úy Lò Văn Thoại (mặc quân phục, hàng đầu) được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gắn với xóa mù chữ, đại úy Thoại còn được xem như một chiến sĩ văn hóa, tích cực tuyên truyền về pháp luật, như Luật Hôn nhân và Gia đình cho người dân vùng biên. Theo đại úy Thoại, ở các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ lên 13 - 14 tuổi đều lập gia đình và sinh nhiều con dù kinh tế rất khó khăn. Không những vậy, tình trạng hôn nhân cận huyết cũng diễn ra phổ biến khiến nhiều trẻ sinh ra không có được thể chất tốt nhất.
"Khi đến lớp học, bà con được tiếp xúc với kiến thức hôn nhân - gia đình, sức khỏe, y tế nên đã dần dần thay đổi nhận thức. Họ không giục con lập gia đình sớm, nhờ đó tỉ lệ tảo hôn đã giảm, chỉ còn khoảng 1% - 2%; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết, bà con quan tâm đến sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần nhiều hơn" - đại úy Thoại khoe.
Cũng chính từ những lớp học xóa mù chữ này, nhờ biết đọc, biết viết, nhiều người dân tìm kiếm tài liệu kỹ thuật nông nghiệp trên mạng internet để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như trường hợp chị Giàng Thị Pạ Dê - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Pá Khoang.
Chị Giàng Thị Pạ Dê chia sẻ: "Lúc trước, do không biết chữ nên tôi đều phải nhờ người khác viết đơn, nay thì có thể tự làm được. Ngoài tích cực tham gia công tác xã hội, tôi cũng biết bán hàng trên mạng, nhờ đó có thêm thu nhập để lo cho các con. Ở đây ai cũng yêu mến thầy giáo Thoại vì thầy đã giúp hàng chục người biết chữ".
23 năm mang quân hàm xanh bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại được xem là gương sáng biên phòng, giúp người dân diệt "giặc dốt", xây dựng cuộc sống mới.
Với những đóng góp của mình, đại úy Lò Văn Thoại được nhận 2 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; là 1 trong 60 tấm gương thầy cô giáo được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2017 và năm 2024 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Đại úy Lò Văn Thoại bày tỏ: "Tôi rất cảm động khi được bà con gọi bằng cái tên trìu mến "thầy giáo Thoại" hay "thầy giáo quân hàm xanh". Điều này tiếp thêm cho tôi động lực trong giảng dạy cũng như hướng dẫn bà con làm kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ bản làng vùng biên giới".
Nguồn: https://nld.com.vn/gieo-chu-o-vung-cao-196250412213405874.htm
Bình luận (0)