Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy ôn tập

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/02/2025

Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đang đề nghị các cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng việc ôn tập cho học sinh.


Trao đổi với báo chí liên quan đến việc thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm.

Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy ôn tập- Ảnh 1.

Sở GD-ĐT Hà Nội nêu nhiều giải pháp để thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm

"Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm", ông Cương khẳng định.

Cũng theo ông Cương, Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Trước ý kiến lo lắng cho rằng quy định mới về dạy thêm sẽ khiến các trường dừng ôn tập, ôn thi cho học sinh, ông Cương cho biết: "Hầu hết giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực hỗ trợ học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi. Minh chứng là từ năm 2022 đến năm 2024, Hà Nội đã tăng 16 bậc về thứ hạng so với các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Đáng chú ý, ông Cương thông tin, Sở GD-ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho việc ôn tập, ôn thi trong nhà trường.

Nâng tự trọng của giáo viên, tăng giám sát của phụ huynh

Để thông tư mới đi vào thực tiễn và có hiệu quả, theo ông Trần Thế Cương, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó điều quan trọng là thay đổi về nhận thức. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác có liên quan cần tăng cường.

"Việc này nhằm nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để họ "nói không" với dạy thêm sai quy định; đồng thời, cũng giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm để thực hiện đúng. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ quan tâm các chính sách bảo đảm đời sống giáo viên, giúp họ chuyên tâm với nghề", ông Cương chia sẻ.

Để triển khai các nhiệm vụ của ngành giáo dục nói chung và quản lý dạy thêm học thêm nói riêng, ông Cương cho rằng, nỗ lực của ngành là chưa đủ, còn rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, chung sức vào cuộc, giám sát của phụ huynh học sinh.

"Nếu phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm vì con không đi học thêm, còn nặng nề về điểm số… thì dù có nỗ lực, ngành giáo dục cũng khó thể giải quyết căn cơ những bất cập về dạy thêm, học thêm. Tôi kêu gọi phụ huynh học sinh hãy tin tưởng và cùng ngành giáo dục thực hiện và giám sát việc thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm, để các em được phát triển toàn diện", ông Cương nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh.



Nguồn: https://thanhnien.vn/ha-noi-de-xuat-ho-tro-kinh-phi-cho-giao-vien-day-on-tap-185250218150300419.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available