Hình thành các vùng phát thải thấp giúp cải thiện chất lượng sống
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chính sách liên quan đến phương tiện xanh. Trong đó, hành lang pháp lý về hoạt động của phương tiện ít phát thải đã được ban hành, mở đường cho việc phân vùng giao thông thân thiện môi trường tại các đô thị lớn.
Tại Hà Nội, vùng phát thải thấp đang được thí điểm tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình. Về cơ sở pháp lý, Luật Thủ đô năm 2024 đã có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Nghị quyết 47/NQ-HĐND của HĐND thành phố đã quy định sẽ cấm xe tải hạng nặng chạy dầu diesel và hạn chế ô tô không đạt chuẩn khí thải mức 4, xe máy không đạt chuẩn mức 2 hoạt động trong vùng phát thải thấp theo khung giờ và khu vực nhất định. Lộ trình thực hiện được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 thí điểm vùng phát thải thấp tại một số khu vực trung tâm kể trên; sau đó sẽ mở rộng đến các khu vực đáp ứng tiêu chí quy định. Đây là nghị quyết đầu tiên trong cả nước xác lập rõ tiêu chí, điều kiện và trình tự triển khai vùng phát thải thấp, có giá trị tham khảo cao đối với các đô thị khác trên cả nước.
Cùng với quy định pháp lý, thành phố cũng đang triển khai đồng bộ các biện pháp như tăng cường quan trắc không khí, kiểm soát bụi mịn từ giao thông, công trình xây dựng, công nghiệp và sinh hoạt đô thị. Trong đó, hệ thống giao thông công cộng đang từng bước hiện đại hóa với việc đưa vào hoạt động xe buýt điện, mở rộng làn xe đạp, tuyến đường sắt đô thị và các khu vực đi bộ. Việc Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp thể hiện rõ xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi mô hình đô thị - từ phát triển dựa trên tiêu dùng năng lượng hóa thạch sang phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là phản ứng trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng mà còn là bước đi chiến lược để tái cấu trúc hệ thống giao thông, nâng cao chất lượng sống đô thị.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, sự chuyển dịch sang giao thông xanh đang dần rõ nét. Các tuyến xe buýt điện nội đô đi vào vận hành, kết nối với hệ thống metro tương lai, giúp người dân có thêm lựa chọn tiện lợi. Một số doanh nghiệp vận tải và dịch vụ công cộng cũng bắt đầu chuyển đổi phương tiện theo hướng điện hóa.
Cần sự chuyển biến trong nhận thức
Mặc dù đã có những tín hiệu cho thấy xu hướng chuyển dịch sang mô hình đô thị ít phát thải đang dần hiện diện, nhưng chặng đường phía trước còn dài và không ít thách thức. Minh chứng rõ nét là Hà Nội đã đưa vào vận hành các tuyến buýt điện Vinbus, xe buýt xanh, phát triển hệ thống đường sắt đô thị... nhưng tỷ lệ người dân sử dụng giao thông công cộng vẫn chỉ chiếm khoảng 20%, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của đô thị hơn 8 triệu dân. Đặc biệt, các tuyến đường sắt đô thị hiện chưa kết nối trực tiếp đến hai quận thí điểm vùng phát thải thấp, cũng như từ sân bay Nội Bài đến các điểm du lịch trọng yếu trong nội đô. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư mạnh vào vận tải công cộng, tổ chức kiểm định khí thải bắt buộc và triển khai dán tem nhận diện khí thải cho các phương tiện, nhất là xe máy.
Như vậy, việc phát triển vùng phát thải thấp không chỉ dừng lại ở quy hoạch, mà đòi hỏi giải pháp tổng thể từ hạ tầng, công nghệ đến truyền thông. Một trong những yếu tố then chốt là xây dựng mạng lưới trạm sạc đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện khung chính sách giá điện cho trạm sạc, còn Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng đang triển khai xây dựng tiêu chuẩn hạ tầng cho trạm sạc tại các bến xe, trạm nghỉ và khu dân cư. Đây là những điều kiện cần thiết để khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Bên cạnh hạ tầng và chính sách, yếu tố con người cũng đóng vai trò then chốt. Việc chuyển đổi hành vi - từ sử dụng xe cá nhân phát thải cao sang phương tiện xanh - cần được dẫn dắt bằng truyền thông hiệu quả, giáo dục cộng đồng và cam kết lâu dài từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác về lợi ích của xe điện cũng như được giải đáp thỏa đáng những lo ngại về chất lượng, độ bền và chi phí sử dụng.
Kinh nghiệm quốc tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu... đã cho thấy, một hệ sinh thái giao thông xanh chỉ có thể hình thành khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi phương tiện xanh trở nên tiện lợi, tiết kiệm và đáng tin cậy, người dân mới sẵn sàng thay đổi hành vi, cùng chung tay xây dựng một tương lai đô thị xanh, sạch và đáng sống.
Nguồn: https://baophapluat.vn/hinh-thanh-khu-do-thi-phat-thai-thap-can-tim-giai-phap-dot-pha-post546150.html
Bình luận (0)