Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoa hòa bình trên đất lửa Quảng Trị

Ngày 1/5/2025 đánh dấu tròn 50 năm kể từ ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng (1/5/1975 - 1/5/2025). Nửa thế kỷ đã trôi qua, từ một vùng đất bom đạn cày xới, Quảng Trị hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, khoác lên mình diện mạo mới của hòa bình và phát triển.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân28/04/2025

Những bản hùng ca bất tử

Quảng Trị - mảnh đất nhỏ bé nhưng đã ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở thành biểu tượng hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, Cồn Tiên - Dốc Miếu… không chỉ là những trang sử hào hùng mà còn là bản hùng ca bất tử về lòng yêu nước, ý chí kiên cường của quân và dân ta.

hoa-binh2.jpg -0
Ngày hội Thống nhất non sông 30/4 ở Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Nằm trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn, Khe Sanh trở thành cứ điểm quan trọng của Mỹ nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Đầu năm 1968, ta mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh với quy mô lớn, bao vây và tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của Mỹ. Trận đánh kéo dài suốt 170 ngày đêm, với những trận địa pháo rung chuyển mặt đất, những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Giải phóng và lính thủy đánh bộ Mỹ. Trước sức ép của ta, Mỹ buộc phải rút khỏi Khe Sanh vào tháng 7/1968, đánh dấu một thất bại chiến lược lớn. Sự kiện này được giới quân sự quốc tế ví như một "Điện Biên Phủ thứ hai", làm lung lay ý chí chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Mùa hè năm 1972, quân ta mở Chiến dịch Trị -Thiên, giải phóng Quảng Trị và tiến sát cố đô Huế. Trước sự phản kích dữ dội của Mỹ - ngụy, Thành cổ Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất với 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường của quân ta. Mỗi ngày, hàng trăm lượt máy bay B-52 rải bom hủy diệt, biến khu vực Thành cổ thành biển lửa. Quân ta chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng vẫn kiên trì bám trụ, làm tiêu hao sinh lực địch. Sau 81 ngày đêm, ta chủ động rút quân về phía Nam sông Thạch Hãn, hoàn thành nhiệm vụ ghìm chân địch, tạo điều kiện cho Hội nghị Paris đi đến ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị ngày nay là một "nghĩa trang không bia mộ", nơi hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, trở thành biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước.

Những trận đánh tại Quảng Trị không chỉ là những chiến thắng quân sự mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường, sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh. Mảnh đất Quảng Trị ngày nay vẫn còn đó những chứng tích chiến tranh, những nghĩa trang liệt sĩ, những dòng sông lịch sử như sông Thạch Hãn - nơi bao lớp chiến sĩ đã nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ quê hương. Dù chiến tranh đã lùi xa, những trận đánh hào hùng ấy vẫn còn vang vọng trong lòng dân tộc, trở thành những bản hùng ca bất tử, nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc.

Vì những mùa hoa hòa bình...

Không chỉ là một chứng tích lịch sử, Quảng Trị hôm nay đang bừng sáng với những bước tiến trong kinh tế, văn hóa và du lịch. Hạ tầng phát triển vượt bậc, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối Đông - Tây, Bắc - Nam, tuyến quốc lộ 9 nối Quảng Trị với Lào và các nước Đông Nam Á đã và đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Năm 2024, tỉnh Quảng Trị thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,97% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,37%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,12%; khu vực dịch vụ tăng 7,04%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với việc tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỉ trọng nông nghiệp. Quy mô nền kinh tế ước đạt 53.508 tỉ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,2 triệu đồng, tăng 9,14% so với năm 2023.

hoa-binh1.jpg -0
Cựu chiến binh Trung đoàn 27 thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị 1972.

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau một thời gian dài nỗ lực, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch tỉnh Quảng Trị sau khi được phê duyệt sẽ thay thế cho hơn 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; loại bỏ hoàn toàn các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển; giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

"Để hiện thực hóa Quy hoạch đã được phê duyệt, trước hết, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của người dân trong tỉnh, từ đó tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó, cần triển khai các nhiệm vụ để từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh trong thực tiễn, đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh", ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh lợi thế về đầu mối giao thông khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung và trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây nối các nước trong khu vực Đông Nam Á, dư địa cả 3 miền gồm núi, biển và đồng bằng ở Quảng Trị vẫn còn rất rộng lớn, là lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển các ngành năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Quảng Trị có một hệ thống di tích lịch sử đồ sộ với 500 di tích, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh, là lợi thế lớn để đầu tư phát triển du lịch tâm linh và tham quan, giáo dục thế hệ trẻ. Trong đó, tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt như đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh…

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, tu bổ di tích gắn với công tác quản lý và khai thác, phát huy giá trị di tích. Nhờ đó, đã quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút được hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương…

Quảng Trị hôm nay không còn chỉ là mảnh đất của quá khứ đau thương, mà đã trở thành biểu tượng của sự hồi sinh. Những cây bồ đề xanh mướt, những bông hoa rực rỡ trong khuôn viên Thành cổ là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của vùng đất anh hùng. Sự đổi thay ấy không chỉ là thành quả của những người đang sống, mà còn là sự tri ân với những người đã ngã xuống. Quảng Trị đã, đang và sẽ luôn là nơi nhắc nhở các thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình - một hòa bình được đổi bằng máu xương, nhưng cũng là một hòa bình đang đơm hoa trên mảnh đất kiên cường này.

Nguồn: https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/hoa-hoa-binh-tren-dat-lua-quang-tri-i766633/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm