Tại buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, gói tín dụng ưu đãi này sẽ là cú hích cho tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển kinh tế nhanh trong kỷ nguyên mới.
Nhận thức được điều này, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất nhanh chóng. Các ngân hàng thương mại đã đăng ký và sẵn sàng thu xếp đủ 500.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Thống đốc, gói tín dụng này sẽ có nhiều ưu đãi dành cho các dự án vay như về lãi suất, về việc cho vay trung, dài hạn, thủ tục vay… Tuy vậy, kèm theo đó, các ngân hàng vẫn phải đối mặt với áp lực khi tham gia gói tín dụng này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc |
Chung quan điểm với Phó Thống đốc, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng là một con số rất lớn, với thời hạn cho vay của một số dự án có thể kéo dài lên tới 20, 30 năm, đồng nghĩa với việc rủi ro đi kèm đối với các ngân hàng. Bởi lẽ, ngân hàng là một lĩnh vực đặc thù, chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn, vì vậy cần cẩn trọng trong việc cho vay trung và dài hạn.
Đối với gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tin rằng cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc ban hành chiến lược, quy hoạch dự án của từng giai đoạn cụ thể để ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc cho vay. Về phía NHNN, các vụ, cục chuyên môn sẽ có sự điều chỉnh đối với các quy định theo hướng hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia dự án này.
“Điều này sẽ được cụ thể hóa trong các thông tư, hướng dẫn của NHNN trong thời gian tới”, ông Quang cho biết.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đóng góp ý kiến |
Cùng làm rõ về việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp công nghệ, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết, cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng có những rủi ro nhất định. Đơn cử như trong công tác thẩm định, việc này cũng rất khó khăn khi công nghệ thay đổi rất nhanh, trong khi ngân hàng không có đủ nguồn lực về con người có khả năng để thẩm định các dự án này.
Chưa kể về tài sản đảm bảo, dự án công nghệ thường có tài sản đảm bảo là mã nguồn, bằng sáng chế… có giá trị giảm nhanh, công nghệ nhanh lỗi thời nên sẽ là rủi ro khi cho vay.
Vòng đời của nhiều dự án cũng ngắn, nhiều dự án có thể hấp dẫn trong giai đoạn đầu, nhưng về sau giảm sức hút do công nghệ thay đổi… Ngoài ra, pháp lý cũng chưa hoàn thiện, như về tiền mã hóa, gây rủi ro cho cả chủ đầu tư và ngân hàng.
Ông Tô Huy Vũ, Chủ tịch HĐQT Agribank đưa ra một số giải pháp để triển khai gói tín dụng |
Đại diện các ngân hàng thương mại cũng đưa ra những kiến nghị tại buổi làm việc để góp phần giúp gói tín dụng đi vào đời sống một cách hiệu quả. Ông Tô Huy Vũ, Chủ tịch HĐQT Agribank đề xuất một số giải pháp để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Đơn cử như cần có kế hoạch vốn trong từng giai đoạn để các ngân hàng cân đối cho vay. Việc xác định lãi suất ưu đãi của gói vay cũng cần cân nhắc đến một số yếu tố như lạm phát tăng cao tạo áp lực lãi suất, tỷ giá tăng.
Ông Lê Quang Vinh - Tổng Giám đốc Vietcombank cũng góp ý. Để triển khai hiệu quả gói vay ưu đãi này, theo ông Vinh, các bộ, ngành cần cấp phép cho các nhà đầu tư thật sự chất lượng để đảm bảo tiến độ dự án, tránh ảnh hưởng chung đến việc hỗ trợ nền kinh tế, thanh khoản của ngân hàng nếu nợ xấu xảy ra.
Đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc |
Trong khi đó, ông Lê Duy Hải - Phó Tổng Giám đốc VietinBank kiến nghị cần hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất. Đặc biệt là sớm xử lý dứt điểm khó khăn liên quan đến dự án BOT giao thông để tạo điều kiện cho các ngân hàng tự tin tham gia cho vay.
Đối với lĩnh vực phát triển công nghệ, ông Hải cho rằng phải ban hành chính sách thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn nước ngoài, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ… Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với lĩnh vực công nghệ số.
Đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc cũng nhất trí với quan điểm của Chính phủ, của NHNN về sự cần thiết của gói tín dụng 500.000 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các đại diện cũng cho biết sẽ sớm báo cáo lại với các cấp lãnh đạo để sớm đưa ra kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… để phối hợp tốt với ngành Ngân hàng trong việc chủ động chuẩn bị nguồn vốn để cho vay.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-chinh-sach-giai-quyet-ton-tai-de-trien-khai-hieu-qua-goi-tin-dung-500000-ty-163327.html
Bình luận (0)