Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồi hương làm du lịch

(QBĐT) - Sau những năm bôn ba kiếm sống nơi đất khách, nhiều người dân, nhất là thanh niên ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã trở về quê hương để làm du lịch. Sự trở về đó giúp họ được sống cùng gia đình và trở thành lực lượng lao động quan trọng để phát triển nông nghiệp, dịch vụ, thương mại... tại địa phương.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình29/03/2025

 
Ổn định cuộc sống nhờ du lịch
 
Năm 2015, vợ chồng anh Trương Ngọc Danh và chị Trần Thị Lam, ở thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa (Minh Hóa) vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Trong thời gian làm ăn xa, anh chị sinh 2 người con rồi gửi về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cuộc sống mưu sinh xa nhà khiến anh chị nhớ con da diết, trong khi bố mẹ hai bên ngày càng già đi, cần người phụng dưỡng.
 
Sau khi tích cóp được một số vốn, vợ chồng anh chị quyết định hồi hương để làm du lịch.
Đầu năm 2024, anh chị quyết định đầu tư 300 triệu đồng để mở một homestay và 1 quán cà phê bên cạnh sông Rào Nậy. Với mô hình này, mỗi tháng anh chị có doanh thu từ 15-20 triệu đồng. Chị Lam tâm sự: “Hàng ngày, tôi ở nhà đón khách du lịch, nấu ăn, bán cà phê còn chồng đi làm porter cho khách. Mỗi năm, cơ sở du lịch của vợ chồng tôi đón hàng trăm lượt khách du lịch đến nghỉ lại, uống cà phê, chụp ảnh… Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.
 
Anh Danh nói tiếp lời vợ: “Khi bắt tay vào làm du lịch, tôi còn được Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) tạo điều kiện cho học thêm tiếng Anh và các lớp tập huấn phục vụ khách du lịch. Điều quan trọng nữa là vợ chồng tôi được ở bên và chăm sóc cho con cái, cha mẹ già. Công việc đồng áng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt trong vườn cũng thuận lợi hơn. Trong thôn, xã có việc gì cần, tôi đều tham gia cả”…
Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người dân xã Tân Hóa (ảnh Oxalis).
Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người dân xã Tân Hóa (ảnh Oxalis).
Trước đây, vợ chồng anh Đinh Xuân Bôn và chị Trương Thị Thuận, ở thôn 5 Yên Thọ, xã Tân Hóa phải gửi con lại cho ông bà nội, ngoại để đi làm thuê kiếm sống. Cuộc sống mưu sinh xa nhà gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Từ khi quê hương phát triển du lịch, vợ chồng anh Bôn quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu, anh xin đi làm porter, vợ ở nhà chăn nuôi, trồng trọt để có thêm các sản phẩm bán cho các gia đình nấu ăn phục vụ khách du lịch.
 
Khi thấy khách du lịch đến xã Tân Hóa ngày càng đông, anh quyết định phát triển chăn nuôi hươu, nhím, cá, gà, trâu, bò để làm du lịch trải nghiệm. Tuy chưa đưa vào khai thác chính thức, nhưng mô hình của anh Bôn đã đón trên 10 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh đã phát triển lên được 7 con, thu hoạch được 4 cặp sừng lấy nhung. Đàn nhím cũng đang lớn, sắp cho thu nhập…
 
Anh Bôn chia sẻ: “Những năm làm ăn xa, tôi thấy nhiều nơi họ chăn nuôi, trồng trọt để phát triển du lịch trải nghiệm hiệu quả nên học tập làm theo. Hiện, mô hình của gia đình tôi cũng được Công ty Oxalis kết nối để dẫn khách du lịch. Nhờ đó, cuộc sống ngày càng ổn định, con cái có điều kiện học hành”.
 
Giải "bài toán" việc làm
 
Từ khi Oxalis khai thác, phát triển du lịch ở xã Tân Hóa, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế với các sản phẩm, như: Trải nghiệm mô hình du lịch thích ứng với thời tiết tại các homestay nhà nổi, Tú Làn Lodge, thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn và Hang Tiên, trải nghiệm lái xe ATV. Công ty cũng có dịch vụ cho khách đạp xe thăm xóm làng, tìm hiểu văn hóa, tham gia cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt cùng với những người dân bản địa.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Phát triển du lịch đã thu hút được nhiều lao động của địa phương làm ăn xa trở về quê làm việc. Từ đó, các ngành nghề ở nông thôn cũng hoạt động hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân. Riêng xã Tân Hóa, ngành du lịch còn giúp cho địa phương tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp tích cực cho xây dựng nông thôn mới”…
Từ năm 2024 đến nay, Tân Hóa đã đón trên 10.000 khách du lịch trong nước và quốc tế. Để phục vụ khách du lịch, hàng chục hộ dân xã Tân Hóa đã mở các hoạt động lưu trú, dịch vụ ăn uống... Du lịch phát triển đã tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động là người địa phương với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng; trong đó có khoảng 60 người trước đây từng đi làm ăn xa trở về. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân sản xuất nông nghiệp cũng đã có đầu ra ổn định cho các sản phẩm nhờ du lịch.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẩn cho biết: “Những năm qua, nhiều người dân trong xã đi làm ăn xa trở về quê làm du lịch, ổn định cuộc sống. Người dân hồi hương còn giúp cho địa phương duy trì và đưa nghề nông thành sản phẩm du lịch giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và các ngành nghề ngày càng hoạt động hiệu quả. Mọi việc trong xã cần huy động lực lượng lớn cũng trở nên thuận lợi. Thu ngân sách trên địa bàn xã được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể nhờ du lịch”…
 
UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với công ty, doanh nghiệp mở rộng liên kết với chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển du lịch theo hướng bền vững; đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con tham gia chuỗi liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng, mang dấu ấn riêng của vùng “rốn lũ” Tân Hóa.
Xuân Vương

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202503/hoi-huong-lam-du-lich-2225266/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm