Đầu làng tôi có một cây đa già. Không ai biết nó đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng, từ thuở tôi còn bé xíu, nó đã sừng sững ở đó, tán lá xanh mát che rợp cả một khoảng trời. Ngày còn nhỏ, tôi từng tưởng tượng cây đa ấy là một người khổng lồ hiền lành, lặng lẽ đứng đó, dang tay ôm lấy làng quê, chở che bao phận người nổi nênh qua những mùa mưa nắng.
Cha tôi kể, ngày ông còn bé, cây đa này đã cắm rễ ở đầu làng, vững vàng như một chứng nhân của thời gian. Bao thế hệ đi qua, những lớp người sinh ra rồi khuất bóng nhưng cây đa vẫn đứng đó, tán lá vẫn rì rào trong gió, vẫn trầm mặc nhìn dòng đời biến chuyển. Gốc đa lớn đến mức hai, ba đứa trẻ ôm không xuể. Những chùm rễ tua tủa bò dài xuống đất, bện vào nhau, cắm sâu vào lòng đất. Ngày hè nắng cháy, lũ trẻ con chúng tôi thường tụ tập dưới gốc cây chơi đùa, bày đủ trò nghịch ngợm. Còn người già, mỗi buổi chiều lại ra đây, tựa lưng vào thân cây xù xì, nhẩn nha kể nhau nghe chuyện xưa cũ.
Nhưng rồi mùa mưa năm ấy, một cơn bão lớn quét qua làng. Đêm mưa bão, gió gào rít trên mái nhà, giông sấm đì đùng đánh thức cả vùng quê. Sáng hôm sau, cả làng bàng hoàng nhận ra cây đa đã trơ trụi. Lá bị quật rụng. Những cành lớn gãy lìa. Thân cây chỉ còn lại một dáng vẻ cằn cỗi, khẳng khiu giữa đất trời. Ánh mắt những người già buồn bã. Lũ trẻ con cũng đứng lặng, như thể vừa đánh mất một điều gì thân thuộc đến nao lòng.
Vậy mà khi mùa xuân trở lại, phép màu lặng lẽ diễn ra. Từ những nhánh cây khô khốc, những chồi non bỗng bất ngờ vươn lên. Ban đầu chỉ là vài chiếc lá mỏng manh nhưng rồi, từng chút một, cả tán cây bừng tỉnh. Cây đa lại hồi sinh, tán lá xanh non trải dài, che mát con đường làng như chưa từng trải qua mưa bão. Những người trong làng lại nở nụ cười, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt.
Ngày đó, mỗi khi ra gốc đa đầu làng, cha thường bảo tôi rằng, ngay cả khi mọi thứ tưởng chừng đã lụi tàn, khi thân cây đã xác xơ sau những cơn cuồng phong, thì sự sống vẫn âm thầm chảy bên trong, chỉ chờ thời khắc để hồi sinh. Và con người cũng vậy, có thể đau thương, có thể gục ngã nhưng chỉ cần còn niềm tin, ta vẫn có thể mạnh mẽ đứng lên, như cây đa già sau giông bão.
Một ngày, trong lúc vô tình lướt qua một bài viết trên mạng xã hội, tôi bỗng khựng lại trước bức ảnh một người bác sĩ đứng lặng bên thi thể mẹ, đôi mắt anh chất chứa nỗi đau đớn xen lẫn tự hào. Người mẹ nằm đó, lặng lẽ đi vào giấc ngủ vĩnh hằng. Bàn tay gầy guộc, chai sạn vì những tháng năm tảo tần đã khẽ buông xuống. Người con trai nắm lấy bàn tay ấy, cúi đầu, như muốn giữ chặt lấy một điều gì đó đã vuột khỏi tầm tay.
Anh là một bác sĩ chuyên khoa mắt, người đã từng chứng kiến bao bệnh nhân mù lòa khao khát được nhìn thấy ánh sáng. Và anh hiểu, một đôi mắt còn lành lặn có thể mang đến điều kỳ diệu cho những con người đã quen sống trong bóng tối. Giữa nỗi đau mất mát, anh vẫn đủ mạnh mẽ để làm một điều phi thường: Hiến tặng giác mạc của mẹ cho những người chưa từng một lần nhìn thấy ánh sáng. Từ hôm nay, họ sẽ được được thấy ánh ban mai, thấy những con đường ngập nắng, thấy những nụ cười ấm áp. Và đâu đó, ánh mắt của mẹ anh vẫn còn hiện hữu, dõi theo cuộc sống theo một cách khác, trong một hành trình khác.
Với tôi, hiến tặng mô tạng là sự tiếp nối của sự sống. Khi một ngọn lửa nhỏ tắt đi, nó có thể nhóm lên ánh sáng ở một nơi khác. Tôi đã từng gặp những con người may mắn được sống tiếp nhờ những bộ phận cơ thể được hiến tặng từ người đã khuất. Họ bước ra khỏi lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, tiếp tục viết tiếp những chương đời dang dở. Sự sống, bằng cách này hay cách khác, vẫn luôn tiếp diễn. Và những người ra đi, đôi khi không thật sự rời xa, mà chỉ đang hiện hữu theo một cách khác, trong một hình hài khác, trong những nhịp đập khác giữa cuộc đời này.
Dòng sông Kiến Giang chảy ngang qua quê tôi, hiền hòa như một dải lụa mềm vắt qua những cánh đồng xanh ngát. Mùa nước lớn, Kiến Giang cuồn cuộn chảy, mang theo phù sa đắp bồi cho những ruộng vườn hai bên bờ. Những người nông dân quê tôi biết ơn dòng sông, bởi chính nó đã dưỡng nuôi những cánh đồng, đã mang đến tôm cá cho bao thế hệ.
Nhưng có những năm lũ về, sông mất đi vẻ hiền hòa vốn có. Dòng nước dâng cao, nhấn chìm cả làng mạc. Người dân quê tôi oằn mình trong những cơn lũ dữ. Sau mỗi trận lũ, sông Kiến Giang trở về dáng vẻ dịu dàng, nước rút đi để lại những bãi bồi màu mỡ. Cơn lũ đi qua, để lại những vết thương hằn sâu trên đất, trên những mái nhà xơ xác. Nhưng cũng từ đó, mầm lộc lại đâm chồi, những cánh đồng lại hồi sinh.
Đời sông cũng giống đời người, có lúc bình yên, có khi giông bão. Và sự sống là vòng tuần hoàn bất tận của tái sinh, của tiếp nối. Một cái cây sau cơn bão vẫn đâm chồi. Một đôi mắt đã khép lại nhưng ánh sáng từ nó vẫn tiếp tục soi đường, dẫn lối. Một dòng sông tưởng như biến mất nhưng lại hồi sinh sau những cơn mưa.
Như cha tôi vẫn thường bảo rằng, chúng ta có thể sợ hãi sự chia ly nhưng nếu nhìn theo một cách khác, đó chỉ là sự chuyển tiếp. Mọi điều yêu thương sẽ không bao giờ mất đi, mà chỉ đang tồn tại theo một cách khác, ở một nơi khác, trong một nhịp đập khác. Và dù trong bất cứ hình thức nào, sự sống vẫn luôn đẹp đẽ, tròn đầy và bất tận.
Diệu Hương
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202503/vong-tuan-hoan-dep-de-2225297/
Bình luận (0)