Theo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố, các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2025 phải hoàn thành việc đăng ký tại cơ sở giáo dục đại học trước ngày 21.4.
Đến ngày 15.5 là hạn cuối các Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi hồ sơ thành lập hội đồng, bao gồm quyết định thành lập, kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng, lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng, danh sách ứng viên đăng ký và lịch xét duyệt của hội đồng gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Từ ngày 30.5 đến 12.6 là thời gian tập huấn công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Ngày 30.6 là hạn cuối để ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt tại Hội đồng Giáo sư cơ sở và gửi bản đăng ký xét đạt tiêu chuẩn lên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ứng viên của cơ sở giáo dục đại học không thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở cần đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở có ngành ứng viên đăng ký.
Từ ngày 1.7 đến 22.7, các Hội đồng Giáo sư cơ sở sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ.
Từ ngày 29.8 đến 26.9, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tiếp tục xét duyệt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Từ ngày 20.10 đến 31.10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước họp để xét duyệt và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025.
Theo quy định hiện hành, công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta hiện nay được thực hiện qua ba cấp hội đồng: Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Trong đó, Hội đồng Giáo sư cơ sở là cấp đầu tiên, được thành lập hàng năm tại các cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Hội đồng này có từ 9-15 thành viên là các giáo sư, phó giáo sư đang công tác, có uy tín chuyên môn, do người đứng đầu nhà trường quyết định thành lập. Để có đủ số lượng thành viên, cơ sở giáo dục đại học có thể mời giáo sư, phó giáo sư ở trong và ngoài nước tham gia hoặc có thể liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Nhiệm vụ chính là tiếp nhận, rà soát và thẩm định hồ sơ ứng viên. Trong đó, mỗi thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; các văn bản sao chụp; thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và viết phiếu thẩm định có ký tên, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng hồ sơ.
Căn cứ phiếu thẩm định, Hội đồng Giáo sư cơ sở quyết định danh sách những ứng viên đủ điều kiện để trình bày báo cáo khoa học tổng quan. Đồng thời, Hội đồng Giáo sư cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên.
Sau đó, Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để chọn ra ứng viên đủ điều kiện trình lên cấp trên. Hồ sơ chỉ được thông qua nếu đạt ít nhất 2/3 số phiếu đồng thuận.
Kết quả sau đó được công khai trên website của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 15 ngày trước khi chuyển lên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Năm trước, cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập, với tổng số ứng viên đăng ký 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên giáo sư, 940 ứng viên phó giáo sư.
Sau đó, có 725 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Đến vòng xét của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, số ứng viên được đề nghị xét công nhận giáo sư, phó giáo sư giảm xuống còn 630 người. Ở vòng xét cuối cùng - cấp Hội đồng Giáo sư nhà nước, có 615 ứng viên được Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua (đạt 98%). Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hom-nay-214-han-cuoi-dang-ky-xet-cong-nhan-giao-su-pho-giao-su-nam-2025-post410924.html
Bình luận (0)