Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hướng đến nuôi biển hiện đại, bền vững

Nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực số hóa phân vùng biển, xây dựng giải pháp quản lý nuôi biển công nghệ cao (CNC) và bộ tiêu chí vùng nuôi CNC để làm cơ sở kêu gọi và giao khu vực biển cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nuôi biển CNC.

Báo Ninh ThuậnBáo Ninh Thuận26/04/2025

 Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ninh Thuận có bờ biển dài, độ mặn cao và ổn định, kết hợp nền đáy rạn san hô có khả năng làm sạch nước nên chất lượng nước biển thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh trong các năm vừa qua chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế hiện có; hoạt động sản xuất chủ yếu theo kinh tế hộ gia đình, chưa thu hút đầu tư, chưa tạo động lực phát triển.

Trên cơ sở Quyết định số 1664/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hóa mục tiêu “Phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển” tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1752/2024/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án quản lý và phát triển vùng nuôi biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể: Đề án xác định phạm vi khu vực biển được quản lý và phát triển nuôi thủy sản CNC thuộc vùng biển xã Nhơn Hải (Ninh Hải), có diện tích 2.043ha và cấp mặt nước nuôi biển theo phân cụm.

Mô hình nuôi mực bán tự nhiên bằng công nghệ HDPE của Công ty Mực nhảy Biển Đông ở xã Thanh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Kha Hân

Theo đó, vùng nuôi thủy sản C1 diện tích 742ha có 5 mảnh bản đồ và chia làm 238 phân cụm, có diện tích từ 0,91ha đến 4,25ha (trong đó, có 26 phân cụm có rạn san hô phải bảo tồn). Vùng nuôi thủy sản C2 diện tích 1.301ha có 8 mảnh bản đồ và chia làm 61 phân cụm, có diện tích từ 7,26ha đến 25,85ha. Đề án cũng quy định rõ lồng nuôi biển, sử dụng lồng nuôi HDPE, trong đó, thiết kế từ 10-20 lồng/cụm đối với lồng vuông HDPE (ở vùng nuôi biển chuyên cạnh C1) có kích thước mỗi lồng từ 4x4m hoặc 3x4m; thiết kế từ 2-10 lồng/cụm đối với lồng tròn HDPE có chu vi 50m; có khoảng cách giữa các lồng nuôi để phù hợp với từng phân cụm và từng đối tượng nuôi. Đối tượng nuôi biển, tập trung vào nhóm có giá trị kinh tế cao như: Cá bóp, cá mú, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá bè vẫu, cá hồng,...; tôm hùm sao, tôm hùm bông,... Thức ăn phục vụ nuôi biển, khuyến khích các cơ sở nuôi biển hướng đến sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế và loại bỏ dần việc sử dụng nguồn cá tạp từ khai thác thủy sản nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường an toàn sinh học...

Đồng chí Đặng Kim Cương cho biết thêm: Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư; huyện Ninh Hải thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Đối với mức thu sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, dự kiến là 4 triệu đồng/ha/năm (bằng với mức giá tối thiểu của khung giá quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 34 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP), thấp hơn mức thu tiền của 17/28 tỉnh, thành phố có biển. Đây được xem là pháp lý khuyến khích đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa tiên phong đầu tư vào nuôi biển CNC tại tỉnh Ninh Thuận. Hiện đã có 5 nhà đầu tư đăng ký dự án nuôi biển với tổng diện tích gần 300ha, tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cá chẽm, mực, tôm hùm...; các dự án nuôi biển đăng ký cơ bản phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất của huyện Ninh Hải và đề án quản lý và phát triển vùng nuôi biển tỉnh.

Để sớm triển khai có hiệu quả các mục tiêu của đề án cũng như thúc đẩy hơn nữa hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, ngành nông nghiệp đang khẩn trương xây dựng kế hoạch để quản lý, sắp xếp, giao mặt biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản theo phân khu chức năng đã được quy hoạch. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và các quy hoạch ngành quốc gia; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc nuôi biển.

Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152794p25c151/huong-den-nuoi-bien-hien-dai-ben-vung.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm