Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu tại hội nghị hội nghị trực tuyến giữa Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua, cả nước nói chung, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang nói riêng tích cực xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, việc sắp xếp của 2 tỉnh cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, đúng với yêu cầu của Trung ương. Đồng thời, quan tâm tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân trên địa bàn về chủ trương, sự cần thiết thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, để tạo đột phá, động lực cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, các địa phương nói riêng trong thời đại mới. Qua đó, tạo sự đồng thuận rất cao trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân khi thực hiện sắp xếp.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Qua rà soát, nghiên cứu kỹ phương án sắp xếp trên cơ sở tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, tỉnh An Giang và Kiên Giang có vị trí liền kề, nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, gắn liền với lịch sử cách mạng miền Tây Nam bộ, lịch sử kháng chiến của Khu 9 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; giao thoa tương đồng về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và dân tộc; có quy mô nền kinh tế tương đương và tương hỗ lẫn nhau trong định hướng phát triển chung của vùng; hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa 2 tỉnh. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập 2 tỉnh sẽ hình thành tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam bộ, với sự kết hợp giữa kinh tế biển, thương mại biên giới, nông nghiệp và du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất gắn với lợi thế về giao thương biên giới, cảng biển và du lịch".
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại hội nghị
Theo dự thảo đề án hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 3.536km2, quy mô dân số 2,7 triệu người của tỉnh An Giang, toàn bộ diện tích tự nhiên 6.352km2, quy mô dân số 2,2 triệu người của tỉnh Kiên Giang. Sau hợp nhất, tỉnh An Giang mới có gần 9.900km2 (đạt 197,8% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 4,9 triệu người (đạt 353,7%), 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc (gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu). Nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh An Giang mới tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng bộ mới của tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và Đảng bộ tỉnh An Giang. Đồng thời, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo quy định. Nhiệm kỳ kế tiếp, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư; Ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện đúng theo quy định của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương.
Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 của tỉnh An Giang mới thực hiện theo Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị (hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới). Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy và các đơn vị sự nghiệp của Đảng theo quy định. MTTQVN, đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, hợp nhất theo hướng dẫn của Đảng ủy UBMTTQVN.
Tổ chức chính quyền địa phương cơ bản giữ nguyên như mô hình cấp tỉnh hiện nay, gồm HĐND và UBND. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9) và quy định của cơ quan có thẩm quyền. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh An Giang sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang trước sắp xếp. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương tỉnh An Giang đi vào hoạt động, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh, xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế…
Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải khẳng định: Dự thảo đề án hợp nhất 2 tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuân thủ theo hướng dẫn Trung ương. Việc xác định tên đơn vị hành chính và trung tâm chính trị - hành chính đã bám sát vào nguyên tắc, điều kiện theo chỉ đạo của Trung ương. Qua đó đề nghị, các cơ quan chuyên môn 2 tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu tại hội nghị, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đề án kịp thời gian tiến độ, trình Chính phủ theo quy định.
KHÁNH MY
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/huong-den-xay-dung-tinh-an-giang-nang-dong-sang-tao-phat-trien-ben-vung-a419475.html
Bình luận (0)