Việt Nam quyết tâm hướng tới phát triển bền vững
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế bằng những cam kết táo bạo và quyết tâm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ và huy động các nguồn tài chính quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Không những vậy, từ năm 2020, Thông tư 96 của Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố Báo cáo Phát triển Bền vững trên trang chính thức nhằm tăng cường tính minh bạch.
Đồng thời, Quyết định 167 của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2022 phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" và Thông tư 13 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành năm 2023 cung cấp các hướng dẫn cụ thể về kinh doanh bền vững.
Những cam kết này không chỉ thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu mà còn khẳng định vai trò của đất nước trong nỗ lực toàn cầu vì một tương lai xanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26 (Ảnh: TTXVN).
Tại phiên chất vấn sáng 11/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá bảo vệ môi trường là vấn đề rất quan trọng trong phát triển bền vững và được các nước trên thế giới quan tâm.
Đối với NHNN, Thống đốc cho biết đã ban hành các chỉ thị, văn bản để khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng xanh. Đồng thời triển khai các giải pháp quản lý rủi ro về môi trường khi các tổ chức tín dụng cấp tín dụng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
"NHNN cũng đã ban hành các kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tăng trưởng xanh như phối hợp với ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu 1 triệu ha lúa phát thải thấp", lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết.
Thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh
Chia sẻ tại một sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, TS.Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nền tảng pháp lý cho tăng trưởng xanh của Việt Nam hiện tương đối đầy đủ.
Cụ thể, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 882 Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành địa phương đã chủ động bám sát kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh để ban hành kế hoạch hành động trong ngành và địa phương của mình cũng như giám sát đôn đốc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh.
Ông Việt Anh cũng chia sẻ về 3 trọng tâm quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Nền tảng pháp lý cho tăng trưởng xanh của Việt Nam hiện tương đối đầy đủ (Ảnh: Shutterstock).
Thứ nhất là hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về tăng trưởng xanh, trong đó quan trọng hàng đầu là mang lại bộ tiêu chí về phân loại xanh, hệ thống ngành kinh tế xanh. Hệ thống phân loại này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có định hướng tăng trưởng xanh.
"Nếu chúng ta không xác định được hành vi nào, hoạt động nào, ngành kinh tế nào được gọi là xanh thì tất cả các cơ chế chính sách đều không thể có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng áp dụng", Vụ trưởng Lê Việt Anh nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình lên Chính phủ đề xuất về việc cho phép xây dựng ngành kinh tế xanh theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống ngành kinh tế xanh này được xây dựng trên cơ sở tham khảo hướng dẫn xanh của Châu Âu, Singapore, Trung Quốc...
Hệ thống ngành này cần bám sát các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho toàn cầu. Ví dụ, châu Âu đã áp dụng quy tắc về quản lý carbon xuyên biên giới và cái này có giá trị phổ quát, buộc tất cả các bên phải tuân theo. Hàng hóa Việt Nam muốn vào Liên minh châu Âu thì tiêu chuẩn xanh cũng phải như vậy. Hệ thống phân loại xanh phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời phải phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh Việt Nam.
Thứ 2 là thí điểm cơ chế ưu đãi cho các dự án xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi cụ thể cho các dự án xanh kèm theo đề xuất các dự án thí điểm xanh. Điều này là hết sức cần thiết bởi khi chưa có khuôn khổ chung về tăng trưởng xanh thì các cơ quan quản lý cần phải can thiệp theo hướng có thí điểm để đánh giá rút kinh nghiệm.
Hiện nay, cơ quan quản lý này đã tổng hợp được danh mục sơ bộ một số dự án do các Bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư đề xuất kèm theo đó là cơ chế chính sách ưu đãi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị cơ chế trợ cấp nhất định cho dự án thí điểm để vượt qua các rào cản hành chính và vốn. Trên cơ sở tổng kết các dự án thí điểm, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách áp dụng thí điểm trở nên đại trà.
Thứ 3 là tăng cường nhận thức, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân. Một trong những mục tiêu quan trọng là xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Làm sao để mỗi hành vi của mỗi người dân, doanh nghiệp hướng tới giảm thiểu phát thải nhà kính tối đa. Đại diện Bộ Kế hoạch cho biết được giao phối hợp với các Bộ ngành triển khai, giám sát, đánh giá, nhân rộng những mô hình hay trong thực hiện lối sống xanh và bền vững.
"Tất nhiên với lối sống này, người tiêu dùng cần trả mức phí cao hơn một chút so với hàng hóa bình thường nhưng đây là một phần trong trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp", ông Việt Anh chia sẻ. Ông cũng cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ trợ cấp cho những hàng hóa, dịch vụ hướng tới tăng trưởng xanh.
Doanh nghiệp phải xem ESG như một kim chỉ nam
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, ông Phan Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu đan TPHCM, cho rằng hiện nay doanh nghiệp phải xem ESG như một kim chỉ nam của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Bởi hiện nay, đây là yêu cầu của cả thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Với các doanh nghiệp dệt may, họ đã bắt đầu thực hiện các tiêu chí ESG về môi trường, xã hội và quản trị từ khi kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA)", ông nói.
Theo vị này, trong các hiệp định thương mại quốc tế, nhiều quốc gia yêu cầu tiêu chí ESG rất cao. Chẳng hạn, khi thiết kế một sản phẩm, doanh nghiệp phải chọn lựa nguyên liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế...
Tương tự, TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture và Quỹ vì tương lai xanh, cũng cho rằng doanh nghiệp cần thực hiện ESG nghiêm túc vì đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố sống còn trong phát triển bền vững.
"Khi thực hiện ESG đúng cách, doanh nghiệp không chỉ tăng uy tín, thu hút và giữ chân nhân tài cũng như khách hàng tiềm năng, mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để ứng phó với những rủi ro trong tương lai", vị chuyên gia khẳng định.

TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngược lại, bà Hà cho rằng nếu làm qua loa, không chỉ làm mất đi những lợi ích này mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, hình ảnh và hiệu quả kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch Gelex - nói hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, không thể tách rời khỏi các yếu tố môi trường - xã hội - cộng đồng. Doanh nghiệp hiểu và tin rằng chiến lược ESG giúp Gelex xây dựng giá trị dài hạn và niềm tin từ công chúng để đi xa hơn, vươn cao hơn.
Khi mọi doanh nghiệp đều đặt mục tiêu ESG, Gelex không coi đó là một cuộc đua. Tập đoàn sống cùng ESG mỗi ngày, để từ từ vun đắp nền móng vững chắc cho doanh nghiệp. Qua đó, Gelex phát huy giá trị cốt lõi và thực hiện sứ mệnh của mình đối với cổ đông, đối tác, khách hàng, người lao động và cộng đồng.
Trong đó, mục tiêu của Gelex là không chỉ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng thị trường, mở rộng quy mô mà còn đảm bảo tối ưu hóa lợi nhuận, sử dụng tài nguyên hợp lý và phát triển bền vững. Công ty tập trung vào các ngành nghề cốt lõi như thiết bị điện, vật liệu xây dựng, năng lượng và nước sạch, khu công nghiệp và bất động sản.
Bên cạnh đó, với chế độ phúc lợi toàn diện, môi trường làm việc văn minh và an toàn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Gelex cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các cá nhân và tổ chức.
Gelex cam kết không ngừng đổi mới trong quản trị doanh nghiệp, quản trị công ty theo chuẩn mực để duy trì sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Công ty không ngừng cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ vào việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng tăng cường công tác quản trị rủi ro, công bố thông tin minh bạch, quản trị dữ liệu và an toàn, bảo mật.
Trong khi đó tại các ngân hàng, đơn cử Agribank xây dựng Kế hoạch hành động ESG với định hướng ưu tiên tài trợ dự án xanh, loại trừ ngành nghề gây hại môi trường. Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn bền vững, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Tại Eximbank, đơn vị này chú trọng quản trị minh bạch, phát triển nhân sự chất lượng cao và áp dụng công nghệ vào quản lý - kinh doanh. Ngân hàng tích cực phát triển tín dụng xanh, kiểm soát rủi ro môi trường trong cấp tín dụng, đồng thời khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng số thân thiện với môi trường và xây dựng văn phòng xanh trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Việt nhìn nhận thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn đang lúng túng trong các hoạch định từng bước thực thi ESG.
"Trong khi đó, các giải pháp thực thi phải đồng bộ về đầu tư môi trường, công nghệ, con người. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán thâm hụt công nghệ, không có vốn đầu tư", ông Việt nêu thực trạng.

Mức độ nhận thức và thực hành ESG của các doanh nghiệp (Đồ thị: USAID).
Theo Báo cáo đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững của doanh nghiệp Việt Nam theo khung môi trường, xã hội, quản trị (ESG) năm 2024 của Cục Phát triển Doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động phát triển bền vững và công bố báo cáo ESG đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp niêm yết lớn, nhưng chưa lan tỏa rộng rãi đến mọi quy mô doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện ESG do thiếu hụt kiến thức và nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, vốn chiếm 97% nền kinh tế nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt dữ liệu toàn diện do các nghiên cứu gần đây chủ yếu tập trung vào các tập đoàn lớn đã hạn chế khả năng thấu hiểu tình hình thực tế và xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp cho việc áp dụng ESG ở quy mô toàn quốc.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với sự gia tăng không ngừng của dòng vốn FDI, nhưng các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tình trạng dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiếu chính sách ESG toàn diện vẫn là những mối đe dọa đối với chiến lược phát triển lâu dài của quốc gia.
Việc thực thi chưa đồng bộ không chỉ làm gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khiến quốc gia mất đi cơ hội thu hút các nguồn vốn chiến lược và các đối tác thương mại tiềm năng.
Tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh là hướng đi cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam vừa nâng cao hình ảnh thương hiệu, vừa xây dựng cơ cấu quản trị vững chắc, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu rủi ro. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho nền kinh tế - xã hội.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/huong-toi-mot-tuong-lai-ben-vung-viet-nam-quyet-tam-hanh-dong-20241123100504631.htm
Bình luận (0)