Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kênh Thoại Hà - Khơi dòng chảy, mở cõi phồn vinh

Mùa xuân năm Mậu Dần (1818) khắc sâu vào lịch sử vùng đất phương Nam dấu ấn khai phá mang tầm chiến lược. Dưới sự điều động tài ba của Thoại Ngọc Hầu, kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, hay còn gọi là kênh Thoại Hà, đã được hình thành, không chỉ nối liền huyết mạch giao thương, mà còn khơi dậy tiềm năng trù phú của một vùng đất còn hoang sơ.

Báo An GiangBáo An Giang17/04/2025

Theo “Bia Thoại Sơn”, mùa xuân năm Mậu Dần (1818), việc đào kênh được tiến hành. Thoại Ngọc Hầu điều động khoảng 1.500 dân binh chặt cây, đào vét bùn lầy. Lương thực, thực phẩm của sưu dân trong thời gian đào kênh do Nhà nước đài thọ. Kênh đào theo lạch nước cũ, nên khá thuận lợi. Công việc tiến hành hơn 1 tháng là xong. Kênh nối liền Long Xuyên - Rạch Giá (đầu kênh tại vị trí Ba Bần, thuộc xã Vĩnh Trạch ngày nay), chiều dài 12.410 tầm (trên 31km). Kênh Đông Xuyên - Rạch Giá là kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Cũng từ đó, thuyền bè từ miền sông Hậu qua phía Tây Rạch Giá, Hà Tiên trở nên thuận lợi, không còn phải đi vòng ra biển. Kênh Thoại Hà còn có tác dụng tháo chua, rửa phèn để bắt đầu quá trình khai thác vùng đất này.

Năm 1822, để ghi dấu ấn công trình và khai mở vùng đất mới, Thoại Ngọc Hầu đã cho dựng bia và lập thôn Thoại Sơn (năm 1876 đổi thành làng). Cái tên Thoại Sơn không chỉ là địa danh, mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với người có công khai phá. Công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu và những người dân binh tham gia đào kênh đã được người đời sau ghi nhớ và tôn vinh. Trong tác phẩm “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (1909) của Nguyễn Liên Phong, hình ảnh con kênh Thoại Hà được khắc họa sinh động qua những vần thơ: “Đời Gia Long thập thất niên/ Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai/ Đào kênh Lạc Dục rất dài/ Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông/ Rồi vừa một tháng nhơn công/ Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ”.

Kênh Thoại Hà vẫn còn nguyên giá trị và tầm quan trọng

“Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, kênh Thoại Hà vẫn giữ vững vai trò và tầm quan trọng. Theo người dân địa phương, dù Thoại Sơn có phát triển thành đô thị sầm uất, giá trị của con kênh “sông Mẹ” này vẫn không hề suy giảm, mà ngược lại, còn gia tăng theo thời gian. Tầm nhìn chiến lược của Thoại Ngọc Hầu đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Thoại Sơn sau này. Các thế hệ lãnh đạo tiếp nối đã kế thừa và phát huy những di sản quý báu đó. Bằng sức người và cơ giới, hệ thống kênh mương chằng chịt đã được đào đắp, dẫn nước vào đồng ruộng, biến vùng đất chủ yếu sản xuất 1 vụ lúa trở thành vùng thâm canh 2 vụ (1988 - 1990), rồi 3 vụ (những năm 2000), góp phần phát triển nông nghiệp và đời sống của người dân” - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.

Ngày nay, Lễ hội văn hóa truyền thống được huyện Thoại Sơn tổ chức hàng năm (mùng 10/3 âm lịch) không chỉ là dịp để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc, mà còn thiết thực tôn vinh công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân đã có công khai mở. Thế hệ người dân Thoại Sơn hôm nay luôn tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông, noi gương tinh thần bất khuất, vượt mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kế thừa di sản vô giá trong công cuộc khẩn hoang và bảo vệ quê hương, người dân Thoại Sơn đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam với ý chí kiên trung, đoàn kết một lòng, lập nhiều chiến công oanh liệt. Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là trong gần 46 năm kể từ ngày tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2025), dù xuất phát điểm thấp và chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn đã đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tìm ra hướng đi riêng.

Bằng những chủ trương táo bạo và giải pháp đột phá qua từng thời kỳ, Thoại Sơn đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Những dấu son lịch sử này là minh chứng cho tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống khai phá của cha ông, bắt nguồn từ mùa xuân Mậu Dần năm xưa, khi dòng kênh Thoại Hà được khơi thông, mở ra trang sử mới cho vùng đất anh hùng.

PHƯƠNG LAN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/kenh-thoai-ha-khoi-dong-chay-mo-coi-phon-vinh-a419014.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm