Diễn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trình diễn trong chương trình “Ân nghĩa quê Dừa - Khát vọng vươn xa” tại TP. Hồ Chí Minh.
Những định hướng quan trọng
Trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hóa cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới. Cụ thể, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã xác định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thông qua như một bản chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này được làm sâu sắc hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã khẳng định mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Năm 2020, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị một lần nữa nhấn mạnh “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa và Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, cần phải phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú, hài hòa các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với môi trường văn hóa và thiên nhiên. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Phát biểu định hướng tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tiếp tục bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân và giúp đỡ của bạn bè quốc tế để thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa nước nhà. Phát huy tự chủ, tự lực tự cường, chủ động nắm vững, đánh giá đúng tình hình, phản ánh chính sách kịp thời, hiệu quả, phát huy sức mạnh nội sinh của ngành và kết hợp tổng hợp các ngành. Cần quốc tế hóa nền văn hóa và hệ giá trị Việt Nam thông qua hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới.
Trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã định hướng các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xem các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó phần lớn đều là các sản phẩm văn học, nghệ thuật như: kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh... phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa và gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân trong bối cảnh hiện đại, người làm văn hóa, văn nghệ cần hiểu được nguồn cội của mình, hiểu rõ văn hóa bản địa. Từ đó, mới thẩm thấu và đem các giá trị văn hóa đến với cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ hiện cũng không đứng ngoài lề của tiến trình chuyển đổi số. Người làm văn hóa cần thích nghi, xâm nhập và hòa mình vào tiến trình chung của xã hội.
“50 năm là một chặng đường để nói lên cả một giai đoạn phát triển đầy tự hào. Là người làm văn hóa, chúng tôi có một phương châm đầy tâm đắc đó là “Dám nghĩ dám làm”. Các thế hệ người Bến Tre đã dám làm nên những câu chuyện đi vào lịch sử thì từng hoạt động, sản phẩm của người làm văn hóa nghệ thuật Bến Tre luôn mang tinh thần dám nghĩ dám làm. Trong bối cảnh hiện tại, để thích nghi hơn, để truyền thống càng thấm sâu thì người làm văn học nghệ thuật ngày nay cũng phải dám nghĩ đến quá khứ, nghĩ đến tương lai và làm gì cho xứng với quá khứ, làm gì cho phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước trong thời gian sắp tới”. (Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh) |
Bài, ảnh: Thanh Đồng
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/khai-thac-gia-tri-van-hoc-nghe-thuat-trong-nganh-cong-nghiep-van-hoa-28032025-a144345.html
Bình luận (0)