Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai thác tiềm năng, lợi thế khoáng sản để phát triển

Quảng Trị có nhiều tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đắp nhưng chưa được khai thác hết lợi thế. Chính vì vậy, cần có giải pháp khai thác hiệu quả nhằm tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị08/05/2025

Khai thác tiềm năng, lợi thế khoáng sản để phát triển

Hoạt động nạo vét lòng hồ, tận dụng khoáng sản là vật liệu đất đắp tại hồ Trung Chỉ, TP. Đông Hà -Ảnh: LÊ MINH

Nhu cầu thị trường tăng mạnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Quảng Trị sở hữu nguồn khoáng sản đa dạng với các nguyên liệu chủ lực phục vụ ngành xây dựng thông thường như đá vôi, sét xi măng, đá ba dan, cát và sỏi, đất làm vật liệu san lấp, tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp nội địa. Điểm thuận lợi của các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp đó là có sự phân bố đồng đều trên toàn tỉnh giúp dễ dàng huy động và khai thác. Thời gian qua, hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách tỉnh.

Hiện nay Quảng Trị đang là một trong những địa phương triển khai nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không Quảng Trị, Khu cảng biển Mỹ Thủy, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, đường nối Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và nhánh Đông; đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, Khu công nghiệp Quảng Trị... nhu cầu về khoáng sản là vật liệu san lấp, xây dựng thông thường như cát sỏi là rất lớn.

Về đất làm vật liệu san lấp nhu cầu hằng năm khoảng 1,9 triệu m3/năm; đối với cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 0,734 triệu m3/năm. Với nhu cầu đó, nguồn cung ứng cơ bản có thể đáp ứng đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp khoảng 2,05 triệu m3/ năm; đối với cát, sỏi làm vật liệu xây dựng có thể đáp ứng 0,78 triệu m3/năm. Nguồn cung chủ yếu từ các mỏ đã được cấp phép và nguồn tận thu từ sản phẩm nạo vét các sông, lòng hồ thủy điện.

Tuy nhiên, trong thời gian tới khi triển khai các công trình trọng điểm quốc gia như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và cùng với các dự án lớn khác trên địa bàn đang chuẩn bị triển khai như cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D... thì nhu cầu về đất san lấp, cát, sỏi là rất lớn, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản như quy hoạch, đấu giá mỏ... nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh phục vụ các công trình trọng điểm

Đẩy mạnh công tác quy hoạch mỏ

Theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 và Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 50 điểm mỏ (71 khu vực) cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, có tổng diện tích 579,26 ha, tài nguyên dự báo 17,93 triệu m3; đất làm vật liệu san lấp có 72 điểm mỏ với tổng diện tích 1.044,54 ha, tài nguyên dự báo 59,153 triệu m3.

Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh đã tiến hành cấp 14 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, với diện tích 129,48 ha, trữ lượng 2.997.448 m3, công suất 310.000 m3/năm; đối với đất làm vật liệu san lấp, cấp 10 giấy phép, diện tích 198,27 ha, trữ lượng 13.292.046 m3, công suất 1.483.333 m3/năm.

Trong tổng số 24 giấy phép được cấp, có 21 giấy phép đang hoạt động, bao gồm 12 điểm mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng diện tích 108,97 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 2.299.373 m3, công suất khai thác 250.000 m3/năm; đất làm vật liệu san lấp là 9 điểm mỏ, tổng diện tích 194,75 ha, tổng trữ lượng được cấp phép: 13.022.046 m3, công suất khai thác 1.393.333 m3/năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã cấp phép đối với hoạt động thu hồi khoáng sản từ dự án nạo vét, tận dụng khoáng sản trong khu vực đầu tư xây dựng công trình như 14 giấy phép nạo vét lòng hồ, tại 27 hồ thủy lợi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh với khối lượng tương đương 14,44 triệu m3 đất; 11 giấy phép nạo vét sông, suối, bàu với khối lượng tận thu 2.060.336 m3 cát san lấp và 723.045 m3 cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 4 giấy phép nạo vét thủy điện với tổng khối lượng 1.416.481 m3 cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 4 giấy phép khai thác đất san lấp trong diện tích xây dựng công trình, với khối lượng 351.286 m3 đất san lấp, 29.677 m3 cát làm vật liệu xây dựng thông thường.

Cùng với đó, có 3 mỏ đá được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp đi kèm gồm mỏ đá Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp là 1.548.069 m3; mỏ đá ba dan Khe Đá (Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh) có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp là 477.700 m3; mỏ đá Nam Khối A (Cam Thành, Cam Lộ) có trữ lượng đất là 405.000 m3; tổng trữ lượng được cấp phép là 2.430.769 m3, công suất khai thác 210.857 m3/năm.

Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, vướng mắc hiện nay trong việc khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguồn đất đắp chính là một số điểm mỏ khoáng sản đã được phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương gây khó khăn trong công tác đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp thiếu sự chủ động, tích cực để lập, hoàn chỉnh các loại hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Một số đơn vị đến giai đoạn trình thẩm định tiền trúng đấu giá thì dừng lại do chủ đầu tư khó khăn về nguồn tài chính. Các chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình lập hồ sơ mời thầu để xác định các mỏ vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án.

Đặc biệt, việc thực hiện quy định lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt trữ lượng, thậm chí khai thác bán trái phép gây thất thoát tài nguyên.

Để tháo gỡ những bất cập, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện việc rà soát bổ sung các điểm mỏ khoáng sản vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng đảm bảo cho việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ, trình cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2025 và tổ chức thực hiện. Đồng thời tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện hồ sơ, thủ tục lĩnh vực khoáng sản.

Lê Minh

Nguồn: https://baoquangtri.vn/khai-thac-tiem-nang-loi-the-khoang-san-de-phat-trien-193500.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm