Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khát vọng tỏa sáng!

(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn - với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào - đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất của xứ Thanh. Về với Sầm Sơn không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, thăm thú đơn thuần mà du khách còn được khám phá văn hóa, lịch sử vùng đất này.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/04/2025

Khát vọng tỏa sáng!

Sầm Sơn - thành phố của những sắc màu rực rỡ.

Sầm Sơn có bãi biển dài, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là điều kiện lý tưởng để nghỉ dưỡng. Cho nên, từ năm 1904, Toàn quyền Đông Dương Jean-Emest Moulié đã cho xây dựng các đài quan sát, trạm y tế và trung tâm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe tại khu vực bãi biển và ven núi Trường Lệ. Trong cuốn “Thanh Hóa đẹp tươi” có đoạn miêu tả chi tiết về Sầm Sơn lúc bấy giờ: "Đại lộ của bãi bể kéo dài gần 3km (...). Bên đại lộ là những tư thất riêng và có tòa nhà của Ái Hữu Nhà Dây Thép, Lục bộ, nhà Đoan, biệt thự của công sứ Ninh Bình và của phủ toàn quyền. Biệt thự của Tòa sứ Thanh Hóa với những cột gỗ lim tuyệt đẹp, xây gần đền Độc Cước trên núi Mũi Chao - giữa tòa nhà ấy và tọa độ 79 có biệt thự Des Rochers (trên núi), xây trên một mõm dựng đứng dưới chân sóng vỗ và dành cho các quan chức nghỉ mát”.

Sầm Sơn có sự đan xen giữa các loại địa hình sông, núi, biển; giữa các bãi biển với núi Trường Lệ và cảnh quan sông nước, hồ, đầm... tạo nên sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch. Đó là bờ biển dài gần 15km, từ Cửa Hới đến Quảng Đại, với các bãi biển bằng phẳng, độ dốc thoải, bãi cát trắng mịn và khá sạch, nước biển ấm và trong xanh, có nồng độ muối trên dưới 0,3%... Theo một số nghiên cứu của người Pháp về các bãi biển tốt nhất ở Việt Nam, thì bãi biển Sầm Sơn được xếp thứ nhất với những tiêu chí như: cảnh quan đẹp; bãi cát mịn, sạch; bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển phù hợp cho tắm biển; nồng độ muối (độ mặn) rất tốt cho sức khỏe con người...

Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho nơi đây nhiều di tích, thắng cảnh lung linh sắc màu huyền thoại. Núi Trường Lệ cao 76m nằm sát biển, được coi là hòn ngọc của Sầm Sơn. Các vách đá dốc đứng về phía biển đã tạo nên sự hùng vĩ của núi Trường Lệ và rất thích hợp cho loại hình du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm. Những sườn núi thoải và các đồi được cấu tạo từ đá granit cổ sinh (điển hình là khối hoa cương Độc Cước), phù hợp cho du lịch cắm trại và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Trên núi Trường Lệ còn có các di tích như đền Độc Cước, Cô Tiên, Tô Hiến Thành có giá trị du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Đặc biệt, Hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ là cảnh quan tự nhiên độc đáo của Sầm Sơn. Theo thống kê, trên địa bàn có 50 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh gắn với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, như lễ hội cầu phúc, lễ hội bánh chưng - bánh giầy, lễ hội cầu ngư - bơi trải...

Chưa hết, cảnh quan tự nhiên dọc hai bờ sông Mã, sông Đơ cũng là điều kiện lý tưởng để Sầm Sơn phát triển các tuyến du lịch sinh thái trên sông. Từ Cửa Hới ở phía Bắc, du khách có thể đi thuyền đến Hòn Mê và xa hơn về phía Nam hoặc ngược dòng sông Mã đi thăm các di tích Hàm Rồng, Lam Sơn và nhiều di tích, danh thắng khác trong tỉnh. Đặc biệt, sông Đơ chảy dọc thành phố (từ sông Mã ở phía Bắc đến Trường Lệ ở phía Nam) có cảnh quan tự nhiên khá hấp dẫn, với các đầm sen ở phía Nam đền An Dương Vương, là nguồn tài nguyên tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Mặc dù có tiềm năng du lịch phong phú, song du lịch Sầm Sơn cũng đã trải qua không ít thăng trầm do yếu tố lịch sử, biến động xã hội và nhất là cách làm du lịch. Tháng 2/1989, thực hiện chủ trương của tỉnh, Sầm Sơn đã tổ chức Hội chợ kinh tế - du lịch Sầm Sơn với chủ đề “Hè Sầm Sơn 1989: Sức khỏe - kinh tế - bạn bè”. Đặc biệt, với việc tổ chức thành công lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, với nhiều dấu ấn nổi bật, đã tạo tiền đề cho sự khởi sắc của du lịch Sầm Sơn. Từ đó đến nay, Sầm Sơn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Đồng thời, cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, nhất là việc ép giá, ép khách, văn hóa trong giao tiếp ứng xử đối với du khách. Thành phố đã thu hút nhiều dự án lớn, tạo điểm nhấn về cảnh quan du lịch như Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC, không gian bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương...

Để tạo tiền đề cho việc kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, thành phố đã lập và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Sầm Sơn đến năm 2040. Đồng thời, phối hợp triển khai lập các quy hoạch phân khu theo quy định; phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500... Khánh thành và đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội, khu đô thị quảng trường biển, công viên nước Sunword... Qua đó, góp phần đổi mới căn bản bộ mặt đô thị, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan và tạo ra sản phẩm du lịch mới cho thành phố. Năm 2024, du lịch Sầm Sơn tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của tỉnh, với việc thu hút được 8,86 triệu lượt khách, phục vụ 17,27 triệu ngày khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,1 nghìn tỷ đồng.

Ngày nay, Sầm Sơn đã và đang khẳng định được vị thế của một trung tâm du lịch hấp dẫn, sôi động. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, năm 2025, thành phố phấn đấu đón được 9,68 triệu lượt khách, phục vụ 19,9 triệu ngày khách, doanh thu đạt 21 nghìn tỷ đồng. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt hơn, cùng với các địa phương trong tỉnh, Sầm Sơn đang tiến hành khẩn trương “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sự thay đổi lớn này đang và sẽ đặt Sầm Sơn trước nhiều thách thức và cả những cơ hội lớn cho phát triển. Song, hy vọng rằng với những thành quả đã đạt được từ lịch sử hơn 1 thế kỷ khai thác, du lịch Sầm Sơn không chỉ đạt được các mục tiêu đã đề ra, mà ngày càng tỏa sáng để tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm du lịch trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khat-vong-toa-sang-246828.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm