Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam trao chứng nhận công trình xanh LOTUS cho công trình điện Thái Hòa. Ảnh: Liên Minh |
Ngày 19/4/2025, tại quảng trường Ngọ Môn - trái tim của Đại Nội Huế, một chứng nhận tưởng chừng chỉ dành cho các tòa nhà hiện đại là tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS đã được trao cho một công trình hơn 200 năm tuổi là điện Thái Hòa. Ngôi điện này cũng là công trình di sản văn hóa thế giới đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS.
Sự kiện này không chỉ là dấu mốc kỹ thuật trong ngành bảo tồn, mà là một bước ngoặt về tư duy: Huế đang định nghĩa lại thế nào là một di sản sống - không chỉ là “bảo tàng ký ức”, mà là tài sản gắn với tầm nhìn tương lai bền vững.
Thực tế suốt nhiều năm nay cho thấy, việc bảo tồn di tích ở Việt Nam vẫn thường đồng nghĩa với “giữ nguyên trạng”. Nhưng nếu chỉ đóng băng một công trình trong khung thời gian của quá khứ, di sản sẽ dần mất vai trò sống động trong đời sống hiện đại.
Quy trình trùng tu điện Thái Hòa mà Huế vừa thực hiện là một cách tiếp cận mới, khi vừa giữ được hồn cốt di tích bằng vật liệu truyền thống và kỹ thuật chuẩn mực, nhưng đồng thời tích hợp các tiêu chí công trình xanh: tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tối ưu hóa ánh sáng và thông gió tự nhiên, đảm bảo khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính điều đó đã giúp điện Thái Hòa trở thành biểu tượng của một kiểu phát triển mới: kế thừa để phát triển, giữ gìn để dẫn dắt.
Chứng nhận LOTUS mà điện Thái Hòa nhận được là chuẩn công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam xây dựng, với tiêu chí khắt khe tương đương các hệ thống quốc tế như LEED (Hoa Kỳ) hay BREEAM (Anh). Không phải ngẫu nhiên mà chính Huế là nơi đầu tiên đưa di sản chạm tới chuẩn mực này.
Huế, với tư cách là Thành phố Văn hóa ASEAN, đang đi đầu trong một lộ trình táo bạo: Xanh hóa di sản, chuyển hóa không gian cổ kính thành nền tảng cho phát triển bền vững.
Bằng việc ứng dụng tư duy công trình xanh vào chính những di tích được gìn giữ khắt khe nhất, Huế đã khẳng định rằng, giá trị văn hóa và giá trị sinh thái hoàn toàn không mâu thuẫn, nếu có tư duy đúng.
Một thành phố du lịch không thể sống mãi bằng những cột gỗ cũ, mái ngói rêu phong hay những bức tường màu thời gian. Trải nghiệm của du khách hôm nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Và Huế đã rất đúng khi lồng ghép việc bảo tồn với cải tiến hạ tầng du lịch xanh.
Việc tiếp nhận 20 xe đạp điện GCOO thế hệ mới và đưa vào khai thác trong Đại Nội, cùng với hoạt động diễu hành bằng xe điện qua các tuyến phố di sản, là bước tiếp nối hợp lý. Những phương tiện này không chỉ thân thiện môi trường mà còn tạo ra trải nghiệm tham quan mềm mại, yên tĩnh, đúng với không khí trầm mặc vốn có của Huế. Đó là dấu hiệu cho thấy Huế đang kiến tạo một chuỗi giá trị mới, từ bảo tồn di sản đến trải nghiệm du lịch xanh và phát triển kinh tế bền vững.
Điều đáng nói là lâu nay không chỉ Huế mà những thành phố di sản khác, như: Hội An, Hà Nội, Đà Lạt hay khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình)... cũng đang đối mặt với bài toán phát triển bền vững trên nền tảng di sản truyền thống. Tất cả đều có những di tích quý giá, nhưng cũng đối diện áp lực đô thị hóa, du lịch đại trà, và biến đổi khí hậu.
Việc điện Thái Hòa trở thành công trình di sản văn hóa thế giới đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS cũng là bài học và gợi ý cho nhiều địa phương khác có cùng bước chuyển táo bạo, thay đổi từ tư duy bảo tồn tĩnh sang bảo tồn động, từ giữ hình ảnh sang kiến tạo trải nghiệm, từ đóng khung quá khứ sang mở lối cho tương lai. Đó không chỉ là cách giữ gìn di sản, mà còn là cách khiến di sản trở thành động lực sống, bền vững và truyền cảm hứng cho người dân và du khách.
Điện Thái Hòa xanh không chỉ là biểu tượng của thành tựu bảo tồn mà còn là tuyên ngôn phát triển có trách nhiệm. Huế - thành phố từng được biết đến với vẻ đẹp trầm lặng, giờ đây đang bước ra khỏi cái bóng “bảo tồn thụ động” để trở thành nơi thử nghiệm những mô hình phát triển hài hòa giữa lịch sử và hiện đại, giữa bản sắc và công nghệ, giữa con người và thiên nhiên.
Một điện Thái Hòa xanh hôm nay, có thể là khởi đầu cho một Huế xanh mai sau. Và rộng hơn nữa, là một lời nhắc nhở cho mọi đô thị có di sản tại Việt Nam: Hãy để những công trình của quá khứ kể tiếp câu chuyện của tương lai, bằng cách sống xanh!
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/khi-di-san-xanh-tro-thanh-tam-nhin-phat-trien-do-thi-153259.html
Bình luận (0)