Dưới mắt bao người, cụ quả là sướng. Đến ba bữa cơm, cô giúp việc cũng bê lên tận phòng; đến bộ đồ lót cụ thay ra khi tắm, cô ấy cũng giành giặt. Lần đầu nghe tiếng nhạc ò e của xe lấy rác dừng nơi cổng, cụ lật đật xuống tầng trệt, xách giỏ rác ra xe. Lần sau, bỏ mặc chảo dầu sôi xèo xèo trên bếp, cô giúp việc chạy lại đỡ giỏ rác trên tay cụ, xuýt xoa như người có lỗi: “Cụ làm thế, ông bà chủ la con chết”. Con trai cụ thì ngăn cha xách nước tưới mấy chậu cây cảnh trước sân: “Cha nghỉ cho khỏe, cứ xách ỳ ạch, không khéo té thì khổ”. Cản không được, người con đem thùng tưới giấu biệt. Cô giúp việc tranh với cụ bằng hai lần tưới cây mỗi ngày.
Hôm con trai đưa đi mua trướng viếng người bà con, cụ biết ở phố vẫn còn người yêu thích chữ Nho. Rụt rè cũng không cản được cụ góp ý cho chủ hàng những chữ viết sai. Người bán chỉ “tâm phục khẩu phục” khi cụ dẫn ra chữ ấy được lấy từ câu nào, tích nào của người xưa. Như Bá Nha gặp Tử Kỳ, ông bán trướng tìm đến nhà, đàm đạo cả buổi rồi đề nghị cụ hợp tác. Khách bảo, công sức tất nhiên sẽ tính nhưng cái chính là để cùng ôn lại thư pháp, chữ nghĩa. Chủ nhà tươi cười nắm chặt tay thay cho lời hứa hẹn với khách.
“Việc đó, cặm cụi suốt ngày, mệt lắm! Vả lại, xe cộ trên phố bát nháo, không nên, cha ạ!”. Lời con trai dập tắt niềm vui của cụ. Lúc đầu cụ quyết làm theo ý mình nhưng đường đi lối lại không rành, lại không muốn phiền cháu con đưa đón nên thôi trong nuối tiếc.
Đôi chân quen với đất cày, gốc rạ, giờ quanh quẩn trong nhà; “lộ trình” vào ra chỉ từ phòng ngủ tới cổng. Ngủ ít, xem ti vi hoài cũng mỏi mắt, cụ thường nằm dài trên giường, lắng nghe tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường.
Sau giờ ở cơ quan, con trai lại lên phòng cha thăm hỏi, tâm tình: “Cha cần gì, cứ nói”. Kết thúc buổi chuyện trò, người con nhắc lại câu quen thuộc ấy. Nhắc nhưng chưa đợi cha có lời, con đã rinh về bao thứ. Này là máy nhét vào tai để nghe cho rõ, kia là máy chạy bộ, ghế massage, máy xoa bóp cầm tay. Để cha khỏi lên xuống cầu thang, con mua ti-vi đặt trong phòng, lại lắp chuông để cụ chỉ ấn tay là người nhà có mặt ngay. Con mang về cho cha cuốn sách coi ngày bằng chữ Nho, bảo xem cho vui. Cụ cười buồn: “Ngày tốt xấu để làm gì khi mưa không đến mặt nắng không đến đầu”. Đồ ăn thức uống được con dâu xếp đầy tủ lạnh ở góc phòng nhưng cụ ít dùng. Mỗi tuần, con lại thay thức mới và không quên nhắc cha chịu khó ăn uống.
Khi cụ bà còn sống, nghĩa là lúc cụ ông chưa lên phố ở với con, tuần nào con cũng về thăm. Thấy cha bận bịu lăng xăng việc làng việc xóm, con không ưng, khuyên mãi không được, bực mình nói thẳng: “Cha già rồi, lại chẳng lương bổng, ôm chi cho mệt!?”. Cụ cải chính bằng giọng hồ hởi “sao lại mệt” rồi bộc bạch, tổng thống người ta còn thay xoành xoạch huống chi mấy cái chức ất ơ ở xóm nhưng có việc để lo, còn ai đó cần mình, cũng vui.
Ngày rời quê, cụ day dứt không thôi: “Lên phố, cha biết làm gì hả con? Không lẽ, suốt ngày ăn chơi chờ chết?”. Nỗi niềm ấy như nhân lên khiến cụ buồn mãi với những ngày dài; không đừng được, đành san sẻ với con: “Ngày nào cũng chỉ ăn ngủ, uống thuốc rồi bóc từng tờ lịch... Thật vô dụng!”. Con tươi cười động viên: “Ai rồi cũng già, cha đã đến lúc nghỉ ngơi, đến lúc cho chúng con được phụng dưỡng”. Cụ nhìn con bằng ánh mắt yêu thương nhưng đượm buồn. Cũng rất buồn là những khi cụ đứng trên ban công nhìn mãi về quê nhà trong những buổi chiều tà.
“Cha về để còn hương khói cho tổ tiên. Cha định cùng các cụ dịch ra Quốc ngữ và bổ sung gia phả của tộc, bởi càng về sau người đọc được chữ Nho sẽ ít đi. Nếu trời cho khỏe, cha bán hết tre trong vườn và mướn người đào gốc rồi trồng rau màu và cây trái lâu niên. Đời cha chẳng còn mấy ngày nhưng muốn cho con cháu…”. Ấy là mấy dòng cụ ghi vội trên tờ lịch để nơi bàn, lấy cái thước đè ngang, trước khi đón xe về quê.
Về quê, cụ lại khoác đồ bảo hộ, mang ủng, cầm rựa, cầm cuốc ra vườn. Mảnh vườn um tùm cỏ dại sau mấy tháng vắng bàn tay chăm sóc. Cụ mải miết phát, phơi, đốt rồi quay lại cuốc, xới. Đã vào thu, tiết trời mát dịu với những cơn mưa về đêm khiến vườn rau xanh tươi từng ngày. Cụ không ngơi tay từ sáng đến tối, lắm lúc chỉ đứng nhìn rau quả, mắt đã ánh lên niềm vui. Đàn gà trong chuồng, bầy vịt dưới ao cũng phổng phao ngó thấy.
Những người mua bán dạo thường ghé, xuýt xoa khen vườn rau rồi thăm dò “bán không”, nhưng cụ tươi cười lắc đầu: “Để cho con”. Cứ thứ Bảy, cụ lại hái rau quả, mỗi thứ cho vào bịch riêng rồi dồn cả vào bao lát lớn; gà vịt thì nhốt sẵn trong chuồng; trứng được cho vào bịch lẫn với trấu để khỏi vỡ. Chiếc xe máy của con treo lủng lẳng đồ “tiếp tế” từ quê, cứ như đi buôn nhưng cha vẫn nài chở thêm. Lắm lúc nhìn theo chiếc xe mang rau quả về thành phố, cụ vui với nụ cười lặng lẽ.
Dáng nhanh nhẹn cùng đôi tay thoăn thoắt khi cầm cuốc cho thấy cụ đang khỏe nhưng các con cứ lo. Con gái ở gần bảo thằng con qua nhà ngoại học bài rồi ngủ lại hàng đêm. Con trai mắc camera dõi theo cha từ xa; mỗi lần về, liền đảo lại điệp khúc “cha cứ nghỉ cho khỏe”. Con tỏ vẻ xót xa khi thấy cha nhếch nhác, lem luốc cùng đất cát; lại so sánh, cha đâu túng thiếu nhưng trông khắc khổ hơn mấy cụ hộ nghèo trong xóm. Con gợi ý thú vui của tuổi già, từ đánh cờ uống trà đến những chuyến chơi xa hay lên phố cùng con cháu… Người cha đáp lại bằng vẻ hững hờ cùng những lời rời rạc: “Mỗi người có niềm vui, sở thích khác nhau, so bì làm gì”.
Sau mấy lần khuyên cha “đừng tự làm khổ mình” không được, con trai từ chối nhận rau quả, gà vịt. Cha buồn, ánh mắt nhìn xuống cùng những lời năn nỉ như đẫm nước. Con chiều theo lời cha và đưa ra điều kiện: “Hết mùa rau này thôi, đừng nuôi trồng gì nữa, cha ạ”. Nhìn mảnh vườn lại đầy cỏ dại, có người bảo cụ sao không trồng rau để bán. Đáp lại là cái lắc đầu ngao ngán: “Tôi làm vì muốn con cháu có rau sạch nhưng nay chúng không cần nữa…”. Lời cụ nghẹn lại.
Con trai về, vui khi thấy cha nhàn nhã ngả người trên chiếc xích đu, lơ đãng nhìn ra sân. Anh tươi cười: “Đấy, cha như này có phải vui sướng không”. Ông cụ bật dậy, nhìn thẳng mặt con, bất ngờ to tiếng: “Khi chẳng còn ai cần, kể cả người thân thì vui sướng cái nỗi gì!?”.
Cha vùng vằng bỏ đi, con nhìn theo ngơ ngác.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/khi-khong-ai-can-nua-152474.html
Bình luận (0)