Từ việc hóa thân vào nhân vật lịch sử, dựng phim tài liệu, vẽ tranh cổ động đến tổ chức mô phỏng phiên tòa lịch sử, tổ chức tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử đã cho thấy lớp lớp thế hệ học sinh Hà Nội đang "kể lại" lịch sử Việt Nam theo cách đầy mới mẻ, sáng tạo và giàu cảm xúc. Mỗi tiết học trở thành một chuyến hành trình khai phá, nơi quá khứ hiện lên sống động, gần gũi, chạm tới cảm xúc và hun đúc tinh thần dân tộc.
Lịch sử không chỉ để nhớ mà để sống
Em Nguyễn Đình Nhật An, học sinh lớp 12AB3, Trường Wellspring Hà Nội, tổng đạo diễn chương trình nhạc kịch "Hồi ức và khát vọng" chia sẻ: "Lịch sử mang nhiều câu chuyện chạm đến trái tim và nghệ thuật giúp những câu chuyện ấy lan tỏa mạnh mẽ hơn. Qua nhạc kịch, em mong người xem không chỉ tiếp nhận kiến thức mà còn thấu cảm lịch sử từ góc nhìn gần gũi".
Nhật An cho rằng, học sinh hôm nay chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Việc thể hiện lịch sử bằng hình thức sáng tạo như sân khấu, âm nhạc là cách để thế hệ trẻ lan tỏa tinh thần dân tộc một cách chủ động và hiện đại. Khoảnh khắc xúc động nhất với An là khi chỉnh sửa cảnh cuối tiết mục.
"Tác phẩm kịch 'Mẹ yêu con là nơi em đặt nhiều tâm huyết để chạm đến cảm xúc khán giả. Trong thời gian 3 tháng chuẩn bị tuy áp lực nhưng đầy kỷ niệm. Giây phút khán giả rơi nước mắt là phần thưởng lớn nhất với chúng em", Nhật An xúc động nói.
Trường Wellspring Hà Nội "trao quyền" để học sinh kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ của thế hệ mình. Ảnh: Văn Hiền/VGP
Cô Lan Phương, giáo viên Lịch sử Trường Wellspring Hà Nội cho biết, việc giảng dạy cho thế hệ Gen Z và Gen Alpha là những học sinh không lớn lên trong ký ức chiến tranh đã đặt ra thách thức làm sao để lịch sử không chỉ được học, mà còn được cảm và được sống.
Theo cô Phương, cảm xúc và tính cá nhân hóa là chìa khóa giúp học sinh kết nối với lịch sử. Dự án "Dưới lá cờ thống nhất" là minh chứng rõ nét: học sinh được hóa thân thành các nhân vật như tướng lĩnh, nhà báo, nghệ sĩ, kỹ thuật viên… để kể lại lịch sử bằng góc nhìn riêng.
"Khi các em được chủ động tiếp cận, lịch sử không còn là kiến thức kiểm tra, mà trở thành trải nghiệm sống", cô Phương nhấn mạnh.
Trong chương trình nghệ thuật "Hồi ức và khát vọng", học sinh đã tự nguyện kêu gọi quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam bằng chính sản phẩm sáng tạo của mình.
Nữ giáo viên xúc động chia sẻ: "Không ai yêu cầu, các em làm vì trái tim. Tôi tự hào khi thấy học sinh không chỉ hiểu lịch sử, mà còn biết sẻ chia và hành động – để quá khứ sống tiếp một cách nhân văn trong hiện tại".
Các bác cựu chiến binh cùng góp mặt trong Dự án lịch sử "Dưới lá cờ thống nhất". Ảnh: Văn Hiền/VGP
Học sinh kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ của thế hệ mình
"Lịch sử không chỉ để nhớ, mà để sống", thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, Tổng Hiệu trưởng Trường Wellspring Hanoi khẳng định. Và tại trường Wellspring Hà Nội, lịch sử được truyền cảm hứng qua phương pháp PPF (Hiểu quá khứ – Biết hiện tại – Tạo tương lai), với ba bước: Nhập cảnh (trải nghiệm di tích), nhập vai (hóa thân nhân vật), nhập tâm (phản tư, kết nối).
Không chỉ dạy trong tiết Lịch sử, lịch sử hiện diện trong mọi môn học – từ Toán, Âm nhạc đến Tin học – qua những câu chuyện, hình ảnh và trải nghiệm giàu cảm xúc. Mỗi giáo viên là một "người kể chuyện lịch sử", mỗi học sinh là một "người mang ký ức".
"Chúng tôi trao quyền để học sinh kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ của thế hệ mình: Viết, vẽ, làm phim, dựng podcast, thiết kế trò chơi hay triển lãm vật thể. Quan trọng không phải là đúng – sai, mà là chân thành và trách nhiệm với ký ức dân tộc", thầy Sơn nói.
Điều này cho thấy, học sinh trường quốc tế như Wellspring cũng xây dựng môi trường học tập không áp lực, khuyến khích tư duy phản biện, cá nhân hóa trải nghiệm, kết nối lịch sử với hiện tại và tương lai. Thầy Nguyễn Vĩnh Sơn chỉ rõ: "Lịch sử không chỉ được nhớ trong sách, mà sống tiếp qua lựa chọn đúng đắn hôm nay, qua lòng biết ơn, đồng cảm và hành động tích cực của mỗi học sinh".
Thế hệ học sinh Hà Nội đang "kể lại" lịch sử Việt Nam theo cách đầy mới mẻ, sáng tạo và giàu cảm xúc. Ảnh: Văn Hiền/VGP
Không chỉ tại các trường công lập, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục công lập và ngay cả các trường quốc tế và tư thục trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai các chương trình sáng tạo trong việc giảng dạy và lan tỏa tình yêu lịch sử dân tộc.
Tiêu biểu như cuộc thi "Sân khấu hóa Văn học – Lịch sử" liên cơ sở miền Bắc của hệ thống Phổ thông Cao đẳng FPT, nơi học sinh thể hiện tài năng qua các vở diễn lay động: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (FPT Polytechnic Vĩnh Phúc), "Nỗi buồn chiến tranh" (FPT Polytechnic Thái Nguyên) hay "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" (FPT Polytechnic Hà Nội).
Trường TH–THCS Pascal lại đều đặn ra mắt dự án "Theo dòng lịch sử" với các số chuyên đề hằng tháng. Ở số thứ 4, thầy và trò đã cùng nhau ôn lại trang sử hào hùng của Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa thiêng liêng của độc lập, tự do.
Các em học sinh đưa Robot chi viện cho miền Nam trên sa bàn 3D - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Trong khi đó, tại Trường Quốc tế Anh – Việt (BVIS Hà Nội), nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, học sinh khối Trung học đã tổ chức chương trình nghệ thuật và tìm hiểu lịch sử Việt Nam bằng chính sự sáng tạo và cảm nhận của các em. Đây là hoạt động thường niên nhằm lan tỏa tình yêu lịch sử, góp phần nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và khẳng định cam kết của nhà trường trong hành trình giáo dục toàn diện.
Những mô hình sáng tạo ấy cho thấy, khi lịch sử được kể bằng trái tim và trí tưởng tượng, nó không còn là những con chữ khô khan mà trở thành mạch sống chảy trong từng thế hệ trẻ. Và chính từ đó, tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc được khơi dậy một cách tự nhiên, sâu sắc và bền vững.
Theo chị Đinh Thị Thanh Chúc – Chủ nhiệm Dự án Công nghệ và Giáo dục Di sản (Trung tâm Nghiên cứu & Phát huy giá trị Di sản văn hóa), từ đầu năm 2025, đơn vị đã triển khai chương trình gameshow giáo dục di sản tại các trường học trên toàn quốc, với mục tiêu đưa lịch sử đến gần hơn với học sinh qua công nghệ và trải nghiệm liên môn.
Chương trình không chỉ xoay quanh hiện vật hay câu chuyện lịch sử, mà còn tích hợp kiến thức toán, lý, hóa, công nghệ... để truyền cảm hứng học tập. Các hoạt động được thiết kế sinh động như: Vượt sông Thạch Hãn, băng rừng lấy mật thư, quét QR trả lời câu hỏi, làm dép lốp trực tiếp... đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt tại các trường, tiêu biểu là trường Wellspring Hà Nội.
Tiếp nối thành công đó, dự án tiếp tục được triển khai tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với chủ đề "Non sông liền một dải", hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Đặc biệt, lần đầu tiên học sinh được sử dụng robot trên sa bàn 3D để mô phỏng chặng đường Nam tiến, vượt "hàng rào điện tử", đường Trường Sơn… tạo nên trải nghiệm lịch sử sống động, hấp dẫn.
Dự án hướng tới mục tiêu đưa công nghệ vào giáo dục di sản, lấy học sinh làm trung tâm, sân khấu hóa các trải nghiệm nhằm khơi dậy cảm xúc, niềm tự hào dân tộc và ý thức kế thừa lịch sử. Trong năm 2025, đơn vị dự kiến phát triển thêm các module về cổ phục, đời sống cung đình, làng nghề, văn hóa 54 dân tộc… để lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Có thể thấy, lịch sử dân tộc luôn cần được kể lại bằng nhiều cách khác nhau. Và khi học sinh Thủ đô chọn cách kể riêng mình bằng công nghệ, sáng tạo và sự nhập vai đầy cảm xúc, đó không chỉ là một cách học mới, mà còn là cách tiếp lửa truyền thống. Từ lớp học, sân chơi đến bảo tàng, những câu chuyện non sông đang tiếp tục vang lên trẻ trung hơn, gần gũi hơn, nhưng vẫn đầy tự hào và trách nhiệm.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/khi-lich-su-duoc-ke-lai-bang-trai-tim-20250413113745409.htm
Bình luận (0)