Hồi sinh sau những mùa hoa mận
Mường Lống là một xã nằm sâu giữa đại ngàn của huyện Kỳ Sơn, với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, sương mù bao phủ hầu như quanh năm. Để có thể di chuyển từ trung tâm huyện Kỳ Sơn vào Mường Lống thì phải vượt hơn 50km đường đèo dốc ngoằn ngoèo, cua tay áo gắt như rút thẳng lên trời. Không ít người từng nói đùa: “Muốn đến Mường Lống phải đủ gan, đủ xe, và cả… sức khỏe”.
Mường Lống nằm sâu trong đại ngàn, với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, sương mù bao phủ hầu như quanh năm. Ảnh: Thiên Ý |
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hiếm ai đặt chân đến đây ngoài cán bộ địa phương, giáo viên vùng cao hay các chiến sĩ biên phòng. Cũng chính vì địa thế hiểm trở ấy mà trong suốt một thời gian dài, Mường Lống trở thành nơi “ẩn mình” của cây thuốc phiện. Đỉnh điểm, toàn xã có tới hơn 500ha trồng loài cây chết người này. Cái nghèo, cái đói, và cả tội lỗi dường như đè nặng lên những căn nhà gỗ lụp xụp.
Mãi đến năm 1997, nhờ chính sách quyết liệt của Nhà nước và sự vào cuộc của chính quyền, Mường Lống mới chính thức xóa bỏ cây thuốc phiện. Thay vào đó, bà con chuyển sang trồng các loại cây như đào, mận tam hoa. Chỉ sau vài năm, cả thung lũng rực rỡ mỗi độ xuân về, hoa mận phủ trắng núi đồi, hoa đào hồng lên trong nắng ấm, vẻ đẹp này bắt đầu thu hút những ống kính máy ảnh đầu tiên của du khách dưới xuôi.
Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, xã có khoảng một nghìn hộ dân và hơn năm nghìn nhân khẩu, với 100% là người đồng bào dân tộc Mông.
“Do điều kiện tự nhiên đặc thù, người dân lâu nay chỉ trông đợi vào nương rẫy, ít con bò, con gà. Khó khăn chồng chất, nhưng nay nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mở đường vào bản, bà con có thêm điều kiện phát triển”, ông Và Chá Xà chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch xã Mường Lống, từ khi có đường ô tô lên bản, du khách dưới xuôi bắt đầu tìm đến nhiều. Riêng năm 2023-2024, Mường Lống đón khoảng 2- 3 nghìn lượt khách, đặc biệt vào mùa xuân, thời điểm hoa mận nở trắng một vùng, cũng như lễ hội hái mận được tổ chức.
Mường Lống hồi sinh. Ảnh: Thiên Ý |
Bà Lê Thị Vân, cán bộ xã Mường Lống cho biết, nhận thấy nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, năm 2022, địa phương đã chủ động thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Mường Lống.
Với 67 thành viên, trong đó có 10 thành viên thuộc tổ homestay, hợp tác xã bước đầu giúp người dân làm quen với các kỹ năng phục vụ du lịch, học cách bảo tồn bản sắc văn hóa mà vẫn tạo ra thu nhập.
“Người dân bây giờ không chỉ biết lên rẫy, mà đã học cách đón khách, nấu ăn, giữ nhà cửa sạch sẽ, giới thiệu văn hóa dân tộc. Làm du lịch giúp đồng bào Mông tự tin hơn, bớt phụ thuộc vào rẫy và cũng có thêm động lực gìn giữ bản sắc”, bà Vân nói.
Khi người Mông mở cửa đón “bình minh”
Trong bản Mường Lống 1, có một người Mông được xem như “người mở đường” cho mô hình homestay của địa phương, ông là Vừ Tồng Pó (55 tuổi).
Trước đây, ông Pó chỉ biết trồng ngô, chăn bò. Rồi một ngày, có vài người khách từ dưới xuôi lên hỏi: “Ở đây có chỗ nào nghỉ không?”. Câu hỏi ấy gợi cho ông một ý nghĩ chưa từng có rằng: “Tại sao không để họ ở lại, ăn cơm với mình, nghe mình kể chuyện bản làng?”
Từ ý tưởng đơn sơ ấy, năm 2021, ông Vừ Tồng Pó quyết định cải tạo, cất mới ngôi nhà bằng gỗ truyền thống của người Mông để làm nơi đón khách. Đồng thời, tham gia lớp tập huấn của chính quyền địa phương, học hỏi thêm qua mạng, ông bắt đầu hành trình học làm du lịch từ lời chào, cách bắt tay, đến việc dọn dẹp, bày biện phòng nghỉ.
Hiện homestay của ông có 3 phòng với sức chứa khoảng 20 người. Vào mùa cao điểm, mỗi tháng nơi đây đón từ 120 - 150 lượt khách, một con số mà ông chưa từng nghĩ tới trong quá khứ.
Để phát triển du lịch cộng đồng, nhiều người Mông đã vay mượn tiền làm nhà lưu trú. Ảnh: Thiên Ý |
Tấm gương của ông Pó nhanh chóng lan tỏa đến mọi người, nhiều hộ dân khác trong bản bắt đầu làm theo. Chị Lầu Y Dếnh, một trong những người mạnh dạn đi vay tiền, cải tạo nhà mình để làm du lịch.
“Trước đây không ai tin chuyện làm du lịch có thể sống được. Nhưng ông Pó nói một câu khiến tôi suy nghĩ mãi: Nhà mình thì mình ở, nhưng giờ có người ở cùng lại còn được thu tiền”, chị Dếnh cười nói.
Cũng theo chị Dếnh, do chưa có kinh nghiệm nên ban đầu làm du lịch còn gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Tuy nhiên, được chính quyền địa phương tạo điều kiện đi tham quan các mô hình ở tỉnh khác, học tập cách làm, rồi về áp dụng dần dần.
Hiện homestay của chị Dếnh có thể đón từ 40 - 50 khách. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình thu nhập mỗi tháng của gia đình chị khoảng 5 - 7 triệu đồng. Không chỉ phục vụ ăn, nghỉ, chị Dếnh còn hướng dẫn du khách trải nghiệm: tự tay thêu, dệt những họa tiết thổ cẩm, chơi những trò chơi của người Mông, thưởng thức những món ăn đặc trưng của người bản địa,...
Tương tự, gia đình chị Lỳ Y Sềnh cũng chuyển sang đầu tư làm du lịch cộng đồng sau khi thấy du khách ngày càng tìm đến Mường Lống.
“Vợ chồng tôi đầu tư gần 300 triệu đồng để hoàn thiện 3 phòng nghỉ với sức chứa khoảng 12 - 13 người, phục vụ cả ăn uống lẫn lưu trú. Vợ chồng chia nhau làm, người nấu, người tiếp khách, mỗi tháng cũng kiếm được tầm 4 - 5 triệu đồng”, chị Sềnh chia sẻ.
Gia đình chị Lỳ Y Sềnh bỏ gần 300 triệu đồng để đầu tư du lịch cộng đồng. Ảnh: Thiên Ý |
Chung tay “đánh thức” những bản làng “ngủ quên”
Dù thành công bước đầu, nhưng du lịch cộng đồng ở Mường Lống vẫn còn rất non trẻ.
Ông Xã Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhìn nhận: “Do tư duy người dân còn hạn chế, nên số lượng hộ làm du lịch hiện nay chưa nhiều. Huyện đang hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch, tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác. Đồng thời, đề xuất tỉnh Nghệ An công nhận Mường Lống là điểm đến du lịch để được hỗ trợ bài bản hơn”.
Theo bà Lê Thị Vân, cán bộ xã Mường Lống, khó khăn lớn nhất là Mường Lống chưa có hệ thống dịch vụ đi kèm: không bãi đậu xe, không có xe trung chuyển khách giữa các điểm du lịch và chưa có sự kết nối vùng.
“Làm sao để khách đến một lần rồi muốn quay lại, thậm chí giới thiệu bạn bè, đó mới là bài toán lâu dài”, bà Vân trăn trở.
Thế nhưng, điều đáng quý là trong từng căn nhà gỗ, mỗi người Mông nơi đây đều đang lặng lẽ học hỏi, thay đổi từng chút một. Không còn đơn thuần là “làm rẫy, nuôi bò", người dân giờ đã biết quảng bá, biết giữ gìn không gian sống, biết kể chuyện bằng tiếng của chính mình.
Nhiều người Mông đang viết lại câu chuyện về chính mình bằng lời kể, bằng ngôi nhà, bằng món ăn và bằng cả ánh mắt tự hào. Ảnh: Thiên Ý |
Mường Lống hôm nay không chỉ là “cổng trời” Tây Nghệ, mà còn là nơi những người Mông đang viết lại câu chuyện về chính mình bằng lời kể, bằng ngôi nhà, bằng món ăn và bằng cả ánh mắt tự hào.
Từ những bước đi chậm rãi đầu tiên, họ đang biến “bản làng” thành “điểm đến”, biến “người ở lại” thành “người dẫn đường”. Trong hành trình gìn giữ bản sắc giữa núi rừng, làm du lịch không chỉ là lối thoát khỏi cái nghèo, mà còn là cách để người đồng bào tự đứng lên bằng nội lực, bằng tình yêu với mảnh đất đã nuôi họ lớn lên.
Thiên Ý
Nguồn: https://baophapluat.vn/khi-nguoi-mong-lam-du-lich-post545714.html
Bình luận (0)