Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi Tổng Bí thư gợi ý một chuyến đi cho cả triệu người

Lịch sử luôn trao cho chúng ta những chìa khóa để mở cánh cửa, mở con đường đi tới, đó là điều đi ra từ tinh thần một đề xuất mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Báo Công thươngBáo Công thương22/04/2025

Ngày 21/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại cuộc buổi gặp mặt với các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách khu vực miền Nam đã gợi ý, Bộ Quốc phòng nên có kế hoạch tổ chức cho tất cả các cựu chiến binh, những người thuộc lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân, du kích từng tham gia đánh Mỹ thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong năm nay, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Nước.

Trong bối cảnh cả nước kỷ niệm tròn nửa thế kỷ những ngày tháng Tư hào hùng của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đề xuất của người đứng đầu Đảng ta rất có ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn từ một tư duy chính trị sâu sắc gắn liền với chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc, góp phần gắn kết lịch sử trong mỗi con người Việt Nam, củng cố sự đoàn kết toàn dân tộc cho một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên cả dân tộc vươn mình.

Ở đây còn sáng lên một tư tưởng lớn. Đó là việc tri ân quá khứ để kiến tạo tương lai, khơi dậy sức mạnh mềm của dân tộc bằng chính những khúc ca, ký ức đầy bi tráng mà vô cùng hào sảng đã kết tinh thành giá trị tinh thần bất diệt.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam: “Địa chỉ đỏ” gắn kết thế hệ

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (mới) được mở cửa từ tháng 11/2024, có địa chỉ tại Km 6+500, đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Thời gian mở cửa tuy chưa đầy nửa năm nhưng Bảo tàng không chỉ thu hút lượng lớn khách tham quan mà còn thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” gìn giữ và tôn vinh lịch sử dân tộc ta, nơi gắn kết các thế hệ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trung bình mỗi ngày có đến hàng nghìn khách tham quan, cá biệt có ngày Bảo tàng đón đến trên 40.000 lượt khách. Đó thực sự là con số biết nói. Hay lớn hơn, ý nghĩa hơn khi có thể nói rằng, lịch sử vẫn là nguồn cảm hứng với hàng triệu người Việt Nam.

Khi Tổng Bí thư gợi ý một chuyến đi cho cả triệu người
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện lưu giữ trên 140.000 hiện vật. Ảnh: qdnd.vn

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài học về ý chí, kỷ luật, tinh thần vượt khó, lòng trung thành với Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị trong thời bình.

Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức mới - từ chuyển đổi kinh tế đến giữ gìn chủ quyền, từ ổn định chính trị đến phát triển bền vững, tinh thần chiến đấu năm xưa lại càng cần được khơi dậy như một “vốn quý” mang tính nội sinh của dân tộc.

Đó chính là hiện thực hoá lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Những buổi gặp gỡ, giao lưu tại Bảo tàng không chỉ là dịp để tri ân, mà còn là lớp học sống động cho thế hệ trẻ.

Khi các em học sinh, sinh viên chứng kiến những người đi qua bom đạn kể lại câu chuyện của chính mình trước các hiện vật lịch sử, đó là lúc lịch sử không còn là những con chữ khô khan, hay đóng cứng trong từng hiện vật, mà trở thành dòng máu chảy trong huyết mạch dân tộc, tiếp nối qua từng thế hệ.

Tư tưởng vì dân, gắn dân, chăm lo tinh thần dân tộc

Đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện rõ một phẩm chất cao quý của người đứng đầu Đảng ta: Không quên những người lính già nơi làng quê, thôn xóm; không chỉ chăm lo kinh tế mà còn chăm lo từ ký ức, cảm xúc đến niềm tự hào dân tộc - những thứ không đo đếm được bằng GDP, nhưng thực sự lại là trụ cột tinh thần của quốc gia.

Chính trị, ở cấp độ cao nhất, không chỉ là quản trị quyền lực, mà còn là nghệ thuật giữ gìn linh hồn dân tộc. Bằng việc đề xuất tổ chức một hành trình trở về ký ức cho những người từng cầm súng giữ nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cho thấy sự thống nhất giữa đạo lý và tư duy lãnh đạo, giữa truyền thống và tầm nhìn hiện đại.

Đức vua Trần Nhân Tông hơn 7 thế kỷ trước cũng từ tinh thần ấy mà cảm khái viết những dòng thơ: “Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong). Nguyên Phong là niên hiệu của vua Trần Thái Tông, gắn với võ công hiển hách chiến thắng vó ngựa giặc Nguyên Mông hung bạo.

Một lời nhắc nhớ sâu sắc về đạo lý dân tộc

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể thấy, trong dòng chảy hiện đại đầy biến động, khi những giá trị vật chất ngày càng lấn át đời sống tinh thần, lời kêu gọi tri ân những người đã ngã xuống và những người còn sống trở về từ chiến tranh là lời nhắc nhở chúng ta trở về với cội nguồn.

Những cựu chiến binh, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến - họ không chỉ là nhân chứng, mà là biểu tượng sống động của một thời đại, nơi lòng yêu nước và ý chí độc lập đạp bằng và vượt lên trên mọi gian khổ, hy sinh.

Tổ chức cho họ trở lại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là tạo điều kiện để lịch sử không chỉ là hồi cố mà còn được sống lại, để những ký ức không phai nhòa, để lòng biết ơn được khắc sâu trong trái tim cả dân tộc.

Bởi lẽ, không có tương lai nào bền vững nếu quên lãng quá khứ, và không có phát triển nào có chiều sâu nếu không đặt nền tảng từ những giá trị truyền thống. Những bài học lịch sử Đông Tây đã nói với chúng ta điều đó.

Chỉ đạo này còn có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Bằng việc quan tâm đến đời sống tinh thần của những người đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, Nhà nước ta khẳng định: "Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên".

Hơn nữa, hoạt động này còn tạo sự gắn kết giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, giữ lửa yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hy sinh, mất mát của hàng triệu người con đất Việt vẫn mãi là bài học quý giá về lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao của những người đã viết nên trang sử vàng dân tộc.

Việc đưa các nhân chứng lịch sử hay tôn quý hơn, đưa những người làm nên lịch sử trở lại không gian bảo tàng không chỉ giúp họ sống lại ký ức hào hùng mà còn là dịp để thế hệ sau trực tiếp lắng nghe, cảm nhận sự thiêng liêng, giá trị của của độc lập, tự do.

Hiểu quá khứ để bước tới tương lai

Nhìn ra thế giới, việc hiểu rõ sợi dây thời gian giữa quá khứ - hiện tại và tương lai được không ít các chính trị gia, khoa học gia lỗi lạc chia sẻ.

Thi sĩ Rasul Gamzatov nói với chúng ta bằng câu nằm lòng: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".

Năm nay - 80 năm thành lập Nước - là thời điểm lý tưởng để toàn dân cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về những gì đã đạt được và tiếp thêm sức mạnh cho hành trình phía trước. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là món quà tinh thần với những người lính năm xưa, mà còn là lời nhắc nhở: Lịch sử dân tộc là hành trang không thể thiếu để Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Để chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thành hiện thực, Bộ Quốc phòng cần phối hợp với các địa phương rà soát danh sách, tổ chức chu đáo từ khâu hậu cần đến y tế, bảo đảm an toàn cho các cựu chiến binh lớn tuổi. Cần biến chuyến đi thành dịp giao lưu, ghi lại những câu chuyện lịch sử sống động làm tư liệu quý.
Quang Lộc

Nguồn: https://congthuong.vn/khi-tong-bi-thu-goi-y-mot-chuyen-di-cho-ca-trieu-nguoi-384399.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm