Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân tăng cường luyện tập, diễn tập, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc, Nhân dân giao phó

Mở điện thoại tìm những cái tên đã trở thành thân thương, được lưu lại từ chuyến cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra Quần đảo Trường Sa thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân vào đầu năm 2024, tôi bấm gọi Thiếu tá Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông. Cứ sợ sóng điện thoại ở đảo chập chờn, nhưng thật mừng khi cuộc gọi đã kết nối được. Đất liền và Trường Sa xa xôi, trở nên thật gần, khi giữa âm thanh của gió và sóng biển vọng vào, giọng Thiếu tá Phúc trầm ấm, chắc nịch. Anh nói: Tháng 5/2024, anh rời đảo Đá Đông, đến đảo An Bang nhận nhiệm vụ với cương vị Chỉ huy trưởng, đến nay vừa tròn năm.

Tôi bất chợt “giật mình” khi nghe tên hòn đảo nằm trên thềm san hô; cấu trúc san hô dựng đứng và quanh năm bốn bề sóng dữ, nổi tiếng nguy hiểm khó khăn trong công tác ra vào đảo. An Bang là hòn đảo duy nhất trong Quần đảo Trường Sa, xuồng phải tiếp cận doi cát. Năm đó, từ tàu 561 Vùng 4 Hải quân neo giữa biển, vào đảo bằng xuồng nhỏ, trải qua vô số lần “tim rơi ra ngoài lồng ngực” lúc chiếc xuồng bị sóng nhấn xuống, ai nấy vỡ òa mừng vui xen lẫn khâm phục, khi “đội cảm tử” của đảo - những chiến sĩ can trường lao xuống sóng, dầm mình lựa sóng, lựa gió bắt dây (từ xuồng tung xuống), hợp lực gồng mình kéo xuồng thẳng lên doi cát.

 Cán bộ, chiến sĩ nhà dàn DK1 chào cờ Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Điều kiện khắc nghiệt, gian nan, hiểm nguy là vậy, nhưng mỗi khi có ngư dân ốm đau, tai nạn, cần vào đảo để được khám, cấp thuốc, cấp cứu, hỗ trợ, “đội cảm tử” luôn sẵn sàng. “Nhận nhiệm vụ tại An Bang, ban đầu tôi không khỏi có chút lo lắng. Nhưng tự dặn lòng phải quyết tâm, cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị rèn luyện nên một tập thể đoàn kết, ý chí kiên cường, nối bước các thế hệ cha ông, cầm chắc tay súng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Nhân dân giao phó, canh giữ biển trời”,  Thiếu tá Thân Minh Phúc bộc bạch.

Trong tâm trí tôi hiển hiện gương mặt sạm đen bởi gió muối, nắng cháy, gian lao, nhưng nụ cười ấm áp. Người lính hải quân ấy đã mười năm xa gia đình, xa đất liền, quê hương, để cùng đồng đội kiên định, vững vàng nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hôm trên đảo Đá Đông, khi đêm xuống, thủy triều lên, sóng vây ầm ào, bên thềm sóng, chúng tôi được “theo chân” Thiếu tá Thân Minh Phúc ngược về mười năm trước, lần đầu tiên anh Phúc đến đảo Phan Vinh vào năm 2015. Rồi tiếp nối là Sinh Tồn Đông, Đá Lát, Đá Đông..., kề vai cùng đồng đội, thực hiện nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Hành trang người lính hải quân ấy, đầy thêm những câu chuyện với biết bao cung bậc cảm xúc, mà dù cung bậc nào cũng lắng đọng tình yêu nặng sâu dành cho biển, đảo; trách nhiệm lớn lao đối với Nhân dân, Tổ quốc.

Đó là câu chuyện làm điểm tựa cho ngư dân bám biển. Mỗi năm, hàng trăm lượt tàu cá gặp nạn trên biển, được lực lượng hải quân cứu hộ, cứu nạn kịp thời, “trả lại” sinh mạng cho ngư dân từ lằn ranh sinh tử; hoặc ngư dân đau ốm, bị tai nạn trong quá trình đánh bắt, đã được tận tình cứu chữa. Trong năm 2023, bản thân Thiếu tá Thân Minh Phúc cùng đồng đội đã dốc lòng, dốc sức cấp cứu, cứu chữa ban đầu; phối hợp kịp thời đưa ngư dân Tạ Văn Lộc, Nguyễn Hữu Đạt (ngư dân tàu cá tỉnh Bình Thuận, có dấu hiệu giảm áp nặng khi thực hiện lặn đêm tại độ sâu 15 mét), từ đảo Đá Đông đến Trung tâm Y tế đảo Trường Sa, giành lại được mạng sống.

Tàu Vùng 3 Hải quân cứu hộ, cứu nạn hai tàu cá ngư dân 

Làm nên hành trình giữ biển hào hùng

Nhớ lại khoảnh khắc các ngư dân được cứu sống, ánh mắt Thiếu tá Thân Minh Phúc lấp lánh niềm hạnh phúc không thể tả bằng lời. Cũng đong đầy cảm xúc ấy, khi anh Phúc hồi ức thời gian đảm nhiệm cương vị Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, đã cùng đồng đội ươm trồng một mầm xanh trên đá.

“Trong ca trực, cán bộ, chiến sĩ quan sát thấy một quả dừa trôi vào cầu cảng của đảo. Có thể đây là quả dừa từ tàu chở hàng hoặc tàu cá của ngư dân. Nhặt quả dừa, bồi hồi như thể đang được nâng niu trong tay mình hơi thở từ đất liền, anh em quyết định sẽ ươm, trồng, chăm sóc, minh chứng cho quyết tâm, dù trên đá san hô, và khắc nghiệt thời tiết, màu xanh, nhựa sống vẫn kiên cường vươn lên. Cũng như người lính hải quân, dù bao gian nan, hiểm nguy nơi đầu sóng, vẫn kiên cường vượt qua, bền lòng, vững tay súng bảo vệ bình yên biển, đảo”, Thiếu tá Phúc bày tỏ.

Đá Lát là đảo san hô. Gom góp từng chút đất để ươm, đồng thời nhờ đồng đội mang đất từ đất liền ra. Khi trái dừa nảy mầm, cũng là lúc những bao đất mỡ màu, gửi gắm yêu thương của đất liền, theo tàu công tác, vượt hàng trăm hải lý, vượt sóng gió, ra đảo. Có lẽ mỗi ngày được chăm chút bằng những gáo nước ngọt tận dụng sau khi rửa mặt, bằng lời thủ thỉ yêu thương, mong đợi của cán bộ, chiến sĩ, mà cây dừa lớn nhanh như thổi, trở thành “đồng đội” thân thương trên đảo đá.

 Vùng 3 Hải quân huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ

Để từ đó, cây dừa là “nhân vật” tham gia các sự kiện ý nghĩa, mỗi khi đảo đón đoàn công tác từ đất liền; là nơi được trang trí đèn hoa, để đoàn công tác tác giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, bên gốc dừa ấy, cán bộ chiến sĩ thường ngồi bập bùng tiếng đàn ghi ta, chuyện trò tâm tình sau ca gác, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó, tạo sức mạnh đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Trưởng đoàn công tác (lúc đó Thượng tá Nguyện là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) xúc động: Có hàng trăm, hàng ngàn “Thân Minh Phúc” như thế trên biển đảo Trường Sa nói riêng, biển đảo Việt Nam nói chung, đã, đang và sẽ tiếp tục sẵn sàng chịu thiệt thòi về hạnh phúc riêng tư, xa gia đình, quê hương, kiên cường nơi đầu sóng. Mười năm, hai mươi năm, cả tuổi trẻ, cả cuộc đời quân ngũ của họ gắn bó, trở thành một phần biển, đảo. Đặc biệt, đã biết bao người lính hải quân, trải qua bao thế hệ, anh dũng ngã xuống hy sinh cả trong thời chiến lẫn thời bình, để lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ghi vô vàn chiến công hiển hách trong suốt hành trình bảy mươi năm giữ biển hào hùng; gieo trồng màu xanh đầy sức sống trên những hòn đảo của Tổ quốc.

Trong chuyến cùng Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, vinh dự đặt chân lên những hòn đảo mà cái tên trở thành thiêng liêng trong trái tim người dân Việt: Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Đá Tây…, điện thoại đã lưu lại hàng chục cái tên, là chỉ huy hoặc chiến sĩ trên mỗi đảo. Và có một điều, được lưu lại mãi mãi vào ký ức, niềm tự hào và biết ơn, đó là sự hy sinh và đóng góp to lớn của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, để biển mênh mông yên bình với những đoàn tàu đánh cá, cánh chim tự do chao liệng trên sóng và Quốc kỳ tung bay hào hùng trên biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng biển đảo Việt Nam.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/kien-cuong-giu-bien-153321.html