Với một chiến lược bài bản và sự hỗ trợ đúng hướng, kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ trở thành trụ cột vững chắc và động lực quan trọng hàng đầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển, nằm trong nhóm nước có thu nhập cao vào năm 2045. |
Vì một nền kinh tế cường thịnh |
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế do thiếu vốn, thiếu nhân lực trình độ cao và chưa có chiến lược số hóa bài bản. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, VinFast… đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào quản trị và sản xuất, nhưng với đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chuyển đổi số vẫn là bài toán khó. Để quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải đi vào thực chất. Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này và đang triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ. Tinh thần chung là các chính sách phải “khả thi, đột phá, đi vào cuộc sống”, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công nghệ, nguồn lực tài chính và cơ hội thị trường. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và thương mại điện tử là những trụ cột của nền kinh tế số, giúp tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. “Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định. |
Hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững |
Bên cạnh đó, dù khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn tham gia các chuỗi cung ứng dưới dạng gia công hoặc xuất khẩu thô, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, cần có một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Điều này không chỉ dừng lại ở việc mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chủ động tham gia sâu trong chuỗi cung ứng để có được giá trị gia tăng cao hơn và tăng cường liên kết quốc tế. Rất nhiều ngành có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu như công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, nông sản… Tuy nhiên, để thực sự vươn xa, khu vực tư nhân cần chú trọng chất lượng, tính bền vững và sự đổi mới trong sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào giá cả. Một ví dụ điển hình là ngành chế biến nông sản của Việt Nam. Dù xuất khẩu nông sản đạt giá trị hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn xuất khẩu thô, giá trị gia tăng còn thấp. Nếu doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghệ chế biến, thương hiệu và mở rộng mạng lưới phân phối quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản chất lượng cao.
Một số doanh nghiệp lớn trong thời gian qua đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, giảm khí thải carbon và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, với các DNNVV, việc đầu tư vào sản xuất bền vững vẫn gặp khó khăn, chủ yếu do chi phí cao. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính, ưu đãi thuế và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, xác định phát triển bền vững không phải là một gánh nặng, mà là cơ hội để nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh. Nhiều quốc gia, khu vực hiện nay đang áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, do đó, doanh nghiệp Việt Nam nếu không nhanh chóng thích nghi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu (Ảnh: sưu tầm) Một khu kinh tế tư nhân mạnh không chỉ dựa vào nội lực của doanh nghiệp mà còn cần một môi trường chính sách phù hợp, thuận lợi. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, giữ vai trò chủ đạo trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và đóng góp vào phát triển kinh tế -xã hội. Để thực hiện tầm nhìn này, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế. Cùng với đó, cần “quán triệt lại” định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân, xem kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng hàng đầu. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. |
“Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân cần khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân, phải tạo ra một động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. |
Đỗ Lê Đồ họa: Lâm.TV |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-tu-nhan-huong-di-nao-cho-su-but-pha-161986-161986.html
Bình luận (0)