Quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn” - xã Hòa Xá (nay là xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa) vẫn luôn sáng ngời tinh thần cách mạng, nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông để vững vàng đi lên.
Sáng kiến riêng có
Thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, các xã: Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam được sáp nhập và mang tên mới là xã Thái Hòa.
Với truyền thống của vùng chiêm trũng anh hùng cách mạng cùng câu chuyện “Chiếc gậy Trường Sơn”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa Đỗ Văn Tuyên tự hào cho biết, tại xã Hòa Xá cũ, tổ chức Đảng đã có từ đầu năm 1943. Nằm trong cái nôi kháng chiến, Hòa Xá luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng. Trong xây dựng lực lượng, tuyển chọn thanh niên lên đường đánh Mỹ, Hòa Xá nổi lên như một điển hình xuất sắc với sáng kiến xây dựng phân đội dự bị.
Sáng kiến này đã được nhân rộng tới nhiều xã trong huyện, trong tỉnh và miền Bắc thời kỳ đó. Đặc biệt hơn, sáng kiến này còn gắn liền với câu chuyện về phong trào của quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn" - là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau.
Là người con của Hòa Xá có nhiều năm trực tiếp công tác tại địa phương, ông Phùng Văn Mạnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá còn lưu giữ nhiều ký ức quý báu về quê hương. Đến giờ, dù nghỉ công tác đã lâu, nhưng những tháng ngày lịch sử vẫn như còn nguyên vẹn trong ký ức của ông, đặc biệt là bối cảnh ra đời của chiếc gậy Trường Sơn “huyền thoại”.
Ông Phùng Văn Mạnh kể: Trong những năm 1965-1966, lúc đó ông đang học cấp 2, phong trào chống Mỹ cứu nước lan rộng, sôi nổi khắp cả nước và Hòa Xá cũng sục sôi tinh thần chống Mỹ cứu nước. Phong trào tòng quân chi viện cho chiến trường miền Nam lên cao và là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Hòa Xá thời điểm đó chỉ có khoảng từ 2.500 đến 2.700 dân, nhưng có những năm có tới hơn 100 thanh niên nhập ngũ. Nhiều thanh niên mới chỉ 17, 18 tuổi, nặng chưa đến 40 cân nhưng vẫn hăng hái xung phong lên đường ra trận.
Là địa phương có phong trào cách mạng từ sớm, trong công tác tuyển quân, Hòa Xá đã có sáng kiến riêng, đặc biệt hiệu quả để sẵn sàng giao quân trong mọi tình huống. Cùng với các khẩu hiệu của cả nước như: “Tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”..., Hòa Xá đề ra khẩu hiệu: “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai”, “Thanh niên Hòa Xá đã đi là chiến thắng”...
Hòa Xá còn xây dựng phân đội dự bị nhằm tập trung tất cả thanh niên độ tuổi 16, 17 để rèn quân vào 2 buổi/tuần. Trong rèn luyện, những thanh niên này cũng phải trải qua những công việc nặng nhọc như một quân nhân thực thụ: Đeo ba lô nặng và hành quân liên tục ở nhiều địa hình khác nhau, tập đội ngũ, bơi vượt sông, luyện bắn súng, ném lựu đạn... Phân đội dự bị do hai đảng viên là bộ đội phục viên phụ trách, chỉ huy. Mỗi buổi tập, các bà, các mẹ phục vụ nước cho thanh niên; các cụ già chặt tre, chặt cây làm gậy, đan sọt đựng gạch, đá nặng thay ba lô... cung cấp cho phân đội dự bị rèn luyện. Với cách rèn quân này, khi vào quân đội, thanh niên Hòa Xá nhanh chóng hòa nhập, nắm bắt công việc và thực hiện tốt nhiệm vụ.
Phong trào của Hòa Xá khá nổi bật, được nhiều nơi đến học tập và ký giao ước thi đua. Nhiều nhà văn, thơ cũng lấy bối cảnh ở Hòa Xá để sáng tác thơ văn cổ động phong trào. Nổi bật trong số văn nghệ sĩ đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông về thực tế tại địa phương khoảng 1 tuần và ở trong gian nhà cũ của trụ sở ủy ban xã. Cảnh những buổi tối các thanh niên hăng say luyện tập đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát đi vào chiến trường, trở thành ca khúc nằm lòng của thế hệ thanh niên kháng chiến chống Mỹ và là niềm tự hào của người dân xã Hòa Xá nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung...
Cũng liên quan đến chiếc gậy Trường Sơn, câu chuyện về 3 người con của quê hương là các ông: Đỗ Tít, Lưu Long và Phùng Quán trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam đã gửi lại 3 cây gậy cho người đồng hương mang về quê nhà để thông báo cho người thân là mình đã vào đến chiến trường mạnh khỏe, an toàn... Câu chuyện cảm động này càng lan tỏa thêm sức sống của chiếc gậy Trường Sơn trên phạm vi cả nước...
Bên cạnh sáng kiến rèn quân, Hòa Xá còn làm một số lá cờ nhỏ thêu ngôi sao với dòng chữ “Hòa Xá tặng, ra đi là chiến thắng” để tặng những thanh niên đi bộ đội. “Những người lên đường nhập ngũ cử ra một người đại diện viết vào sổ truyền thống và mọi người cùng ký tên mình vào một lá cờ to trước khi lên đường. Ngày tôi nhập ngũ cũng được địa phương tặng lá cờ nhỏ ấy. Lúc đó, chúng tôi còn trẻ, không nhận thức hết được ý nghĩa của những việc làm này. Nhưng về sau càng hiểu, càng thấm, càng thấy giá trị thiêng liêng. Đó là nguồn sức mạnh to lớn giúp địa phương luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng cả nước cùng ra trận” - ông Phùng Văn Mạnh hồi tưởng.
Sức bật mới cho quê hương
Mang trong mình niềm tự hào của thế hệ cha anh, Phó Bí thư Đoàn xã Thái Hòa Lưu Mạnh Hùng chia sẻ thêm: Hòa Xá không chỉ nổi tiếng với phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” mà còn son sắt với phong trào tặng “chiếc nhẫn thủy chung” hay hưởng ứng mạnh mẽ nhiệm vụ sản xuất 8 triệu mét màn cho tiền tuyến... Những sáng kiến độc đáo riêng có ấy đã giúp Hòa Xá luôn đi đầu trong rất nhiều phong trào; nhiều năm là “lá cờ đầu” của huyện, của tỉnh, của quân khu, có giai đoạn 15-20 năm xã liên tục là đơn vị quyết thắng...
Trong cuốn sách “Ứng Hòa 70 năm phát triển và khát vọng vươn lên (1954-2024) đã thống kê: Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hòa Xá là một trong những xã đi đầu về phong trào tòng quân đánh giặc và xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Hòa Xá có 680 thanh niên lên đường đi chiến đấu, trong đó 91 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Toàn xã có 6 gia đình có 4 người con theo kháng chiến; 11 gia đình có 3 người con ra mặt trận; 61 gia đình có 2 người con lên đường nhập ngũ. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1973, nhân dân Hòa Xá vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Nói về sức bật mới cho địa phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Hòa Đỗ Văn Tuyên nhấn mạnh, quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” hôm nay đã mang sức mạnh mới, quy mô mới bởi có sự hợp nhất của 3 xã Vạn Thái, Hòa Xá và Hòa Nam. Số lượng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng. Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Maxcore, Công ty TNHH 2-9 Hà Nội thu hút số lượng lớn công nhân làm việc. Làng nghề dệt truyền thống Hòa Xá được duy trì với 35 hộ dệt màn và 60 máy dệt, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian đã lùi xa, nhưng nhiệt huyết của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” vẫn góp phần xây dựng mối đoàn kết toàn dân. Trong mọi công việc chung, người dân luôn hợp sức, hợp lòng, góp công, góp của, làm đường giao thông, hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới... Một số doanh nghiệp, doanh nhân là người con của quê hương có rất nhiều đóng góp cho địa phương, nhưng họ luôn khiêm nhường đồng hành với sự phát triển của vùng đất này...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn khẳng định: Truyền thống cách mạng của quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân gìn giữ, trao truyền, là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để Thái Hòa ngày càng phát triển, vững vàng đi lên.
(Còn nữa)
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-bai-5-phong-trao-chiec-gay-truong-son-niem-tu-hao-cua-lop-lop-the-he-699880.html
Bình luận (0)