Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Nhiều nỗi lo

Còn khoảng 3 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (gọi tắt là Kỳ thi). Mặc dù công tác chuẩn bị đã được ngành giáo dục chuẩn bị từ sớm nhưng các em học sinh vẫn còn nhiều lo lắng.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk27/03/2025

Kỳ thi năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đáng chú ý như: rút ngắn thời gian thi so với trước, môn thi và nội dung đề thi có nhiều thay đổi theo sự đổi mới của chương trình học… Trong đó, đề thi theo cấu trúc mới, nội dung mở, mang tính thực tế cao đang là vấn đề lo lắng đối với học sinh lớp 12.

Em Trần Trung Thiện, lớp 12A9, Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) lựa chọn bài thi môn tự chọn là Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Địa lí chia sẻ, em đã chuẩn bị cho kỳ thi từ cuối lớp 11; hiện tại em đã ôn tập được 70% lượng kiến thức nhưng vẫn cảm thấy lo lắng, bỡ ngỡ. Em đã thử luyện đề nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn; phần khó nằm ở các câu hỏi trả lời ngắn, phần trắc nghiệm đúng/sai; đối với môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật thì câu hỏi tình huống rất khó có điểm như mong muốn.

Học sinh huyện Ea Súp tham gia hoạt động hướng nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường THPT Ea Súp.

Ngoài ra, dạng đề mở không sử dụng ngữ liệu trong sách giao khoa ở môn Ngữ văn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy, phân tích và vận dụng kiến thức linh hoạt. Em Trần Ngọc Khánh Linh, lớp 12C2, Trường THPT Ea Rốc (huyện Ea Súp) khá lo lắng với bài thi môn Ngữ văn bởi đề thi sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Việc học kỹ năng làm bài, phân tích tác phẩm cũng cần khá nhiều thời gian; do đó Linh chọn học thêm các lớp online để tích lũy kinh nghiệm; tự luyện thi theo đề giáo viên cung cấp; trao đổi thêm với giáo viên bộ môn tại lớp về các đề thi đã làm để được hướng dẫn sâu hơn…

 

Điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình học tập (học bạ) từ 30% lên 50%; sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50…

Học sinh chọn bài thi các môn khoa học tự nhiên gặp nhiều khó khăn ở các câu hỏi dạng vận dụng kiến thức. Em Bùi Thị Hoài Trâm, lớp 12A2, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) phân tích, kiến thức đề thi tham khảo ở môn Vật lí và Hóa học bao trùm từ lớp 10 đến 12 nên nội dung ôn tập rất nhiều. Dạng câu hỏi về kiến thức thực hành (vận dụng) chứa những từ ngữ mang tính chuyên môn sâu vượt “lực” học nên học sinh phải đi từ việc đọc đề, hiểu đề đến làm bài, rất khó “ăn” điểm…

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2025, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT 4 môn, bao gồm: 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán); 2 môn lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Hồ cho biết, nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 tiếp cận với dạng đề thi mới, nhà trường đã tổ chức khảo sát nhu cầu học tập của học sinh để tổ chức ôn tập theo môn học. Theo đó, lớp học dự kiến được tổ chức vào cuối tháng Ba ở các môn học: Toán, Lịch sử, Vật lí, Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Đối với những môn học không có đủ học sinh để mở lớp, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn tìm kiếm đề tham khảo, tài liệu để học sinh ôn tập và hỗ trợ các em theo nhu cầu nhằm hướng đến mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp năm 2025.

Giáo viên Trường THPT Thực hành Cao Nguyên chia sẻ phương pháp tự học, tự nghiên cứu môn Ngữ văn cho học sinh.

Ở cấp ngành, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung nâng cao chất lượng giờ học chính khóa; chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục đơn vị (nếu cần thiết) theo khung thời gian năm học, bảo đảm học sinh được học tập đúng, đủ các môn học/hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tra cứu tài liệu; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Sở GD-ĐT cũng yêu cầu cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ II đối với học sinh lớp 12 theo đề chung của nhà trường đối với các môn học có tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá khách quan, chính xác kết quả học tập của học sinh và chất lượng dạy học của nhà trường đối với chương trình môn học; tổ chức thi thử ít nhất một lần theo định dạng đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD-ĐT nhằm giúp học sinh làm quen với hình thức tổ chức, thời gian thi và mức độ, nội dung đề thi. Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các cơ sở giáo dục về kỹ năng phân tích đề, thực hành xây dựng đề thi tham khảo để bổ sung dữ liệu cho tỉnh trong ôn tập cho học sinh khối 12 trên toàn tỉnh…

Thanh Hường

Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202503/ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-nhieu-noi-lo-a0e1bff/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm