Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ vọng vào xung lực từ internet vệ tinh

Thí điểm có kiểm soát dịch vụ internet vệ tinh Starlink có thể giúp kết nối internet tới các vùng sâu, vùng xa hoặc trong tình huống thiên tai khẩn cấp

Người Lao ĐộngNgười Lao Động02/04/2025

Chính sách thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Nghị định 193/2025 của Quốc hội đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 659/2025 của Thủ tướng. Theo đó, cho phép Tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỉ phú Mỹ Elon Musk triển khai đầu tư và cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Xóa "vùng trắng" internet

Việc thí điểm kinh doanh dịch vụ internet vệ tinh của SpaceX sẽ được thực hiện trong 5 năm tính từ ngày doanh nghiệp (DN) do SpaceX thành lập tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và phải kết thúc trước ngày 1-1-2031.

Hai loại hình internet vệ tinh sẽ được triển khai thí điểm trên toàn quốc là dịch vụ cố định vệ tinh (dịch vụ truy nhập internet; kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động) và dịch vụ di động vệ tinh (dịch vụ truy nhập internet trên biển, máy bay). Số lượng thuê bao tối đa được triển khai thí điểm là 600.000.

Theo Cục Tần số - Bộ Khoa học và Công nghệ, băng tần Ku (12-18 GHz) và Ka (26-40 GHz) thường dùng trong dịch vụ vệ tinh internet băng rộng như Starlink, OneWeb, Telesat. Trong đó, băng tần Ka cho phép tốc độ truyền dữ liệu cao hơn và Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng băng tần này cho truyền internet vệ tinh tầm thấp.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, đánh giá quyết định của Thủ tướng cho phép SpaceX triển khai đầu tư, cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam là bước đi không chỉ nhằm phát triển quan hệ hợp tác Việt - Mỹ mà còn chứng tỏ sự đổi mới, hội nhập với thế giới của Việt Nam. Động thái này góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài; là khâu "trắc nghiệm" để xem xét hình thành cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ với mô hình DN viễn thông không giới hạn tỉ lệ vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Liên, giá các gói cước internet cáp quang tại Việt Nam hiện khá rẻ, chỉ 200.000-500.000 đồng/tháng. Trong khi đó, chưa rõ mô hình kinh doanh internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam ra sao nhưng ở các thị trường khác, dịch vụ này có giá khoảng 99 USD/tháng (tương đương 2,4 triệu đồng/tháng), chưa kể chi phí thiết bị. "Thông thường, giá của dịch vụ internet vệ tinh bao giờ cũng cao hơn các loại khác. Nhưng, việc sử dụng internet vệ tinh sẽ thích hợp với những nơi hạ tầng viễn thông cáp quang chưa kết nối được - như vùng sâu, vùng xa, trên tàu biển, máy bay - và trong những tình huống thiên tai, dịch bệnh cấp bách" - ông Liên nhìn nhận.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Internet Việt Nam, internet vệ tinh không thể thay thế hoàn toàn cáp quang mà chỉ bổ sung không gian kết nối với một dung lượng nhất định và dành cho đối tượng sẵn sàng trả phí. Bởi vậy, việc thí điểm triển khai dịch vụ internet vệ tinh sẽ không cạnh tranh, không gây ảnh hưởng tới các DN cung cấp dịch vụ internet của Việt Nam.

Nêu góc nhìn khác, một số chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của internet Starlink có thể là áp lực lớn với các nhà mạng truyền thống, đòi hỏi các công ty viễn thông phải đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, phủ sóng 5G.

Một vệ tinh Starlink do Tập đoàn SpaceX của tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk phát triểnẢnh: Bloomberg

Một vệ tinh Starlink do Tập đoàn SpaceX của tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk phát triểnẢnh: Bloomberg

Nhiều lợi ích kinh tế

TS Hồ Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Mạng Giáo dục (Edunet), giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP HCM - cho rằng việc cấp phép thí điểm triển khai internet vệ tinh Starlink đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phủ sóng internet tốc độ cao đến những vùng địa lý khó tiếp cận, nơi mà mạng 3G, 4G chưa thể vươn tới.

Cụ thể, theo TS Điệp, internet vệ tinh giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận được môi trường số thông qua học trực tuyến, tiếp cận các tài liệu trên mạng, nhờ đó kiến thức liên tục được cập nhật, không bị tụt lại trong thời đại số. Trong lĩnh vực y tế, dịch vụ internet này hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa hiệu quả hơn nhờ không giới hạn phạm vi kết nối, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp cần. Còn với lĩnh vực nông nghiệp, internet vệ tinh sẽ thúc đẩy nuôi trồng, sản xuất công nghệ cao không bị giới hạn địa lý, thực hiện được ở những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nhất, thay vì trước đây phải lựa chọn khu vực sản xuất hạ tầng mạng 3G, 4G và 5G. Đồng thời, thí điểm internet vệ tinh Starlink cũng là cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển. "Những lợi ích này thực tế đã được chứng minh tại các thị trường khác, như Mỹ" - TS Điệp nói.

Tuy nhiên, ông Điệp chỉ rõ còn nhiều thách thức khi triển khai loại hình internet vệ tinh ở Việt Nam. Trong đó, rào cản lớn nằm ở giá dịch vụ, khi cao gấp khoảng 20 lần so với mạng 4G, 5G và vượt xa khả năng chi trả của nhiều người dân. "Việt Nam có nhiều khu vực có địa hình rừng núi phức tạp, có thể gây ra tình trạng gián đoạn kết nối. Ngoài ra, vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng là mối quan tâm" - ông Điệp nêu.

TS Hồ Điệp đề xuất đưa thêm các đơn vị, cá nhân người Việt tham gia cùng triển khai dịch vụ internet vệ tinh và xây dựng khung pháp lý về an toàn dữ liệu khi triển khai mạng này. "Internet vệ tinh mang lại nhiều lợi ích kinh tế nên các nước Nga, Trung Quốc đã triển khai hệ thống riêng, lần lượt là Sphere và SpaceSail. Chi phí đầu tư rất lớn, khoảng 10 tỉ USD, nên Việt Nam cũng cần cân nhắc thêm về hiệu quả" - ông Điệp góp ý. 

Phục vụ nhiều mục đích

Internet vệ tinh được các nước sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm cung cấp kết nối internet ở những khu vực xa xôi, không có hạ tầng cáp quang, hỗ trợ cứu hộ trong thiên tai, liên lạc trong quân đội; phục vụ DN và giáo dục.

Ở các nước phát triển, người dân thường sử dụng cho nhu cầu cá nhân như lướt web, học tập từ xa, xem video, còn đa phần các nước đang phát triển sử dụng dịch vụ này để phục vụ các cơ quan nhà nước hoặc quân đội. Chẳng hạn, tại Anh, Starlink có sẵn từ năm 2021, chủ yếu phục vụ người dùng cá nhân ở vùng hẻo lánh. Tại Úc, vệ tinh Sky Muster phục vụ người dân và DN trong khi tại Mỹ, nó còn được sử dụng cho mục đích quân sự.

X.Mai


Nguồn: https://nld.com.vn/ky-vong-vao-xung-luc-tu-internet-ve-tinh-196250401202445411.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm