Để phát triển các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng các sở, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển, nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực. Đồng thời, hằng năm, Sở NN&MT cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, các đơn vị chuyên môn của sở đã tổ chức 12 lớp tập huấn về phát triển cây ăn quả cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển, nâng cao chất lượng cây ăn quả chủ lực. Cùng với đó, bà con nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật như: trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chăm sóc cây... nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Hiện, toàn tỉnh có 4.585 ha na tập trung trồng tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, giá trị đạt khoảng 1.400 tỷ đồng/năm; 2.194 ha hồng trồng tập trung tại Cao Lộc, Văn Lãng, giá trị đạt khoảng 212 tỷ đồng/năm; cây có múi trồng tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn với diện tích 3.316 ha, giá trị đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm...
|
Hữu Lũng là một trong những huyện điển hình về phát triển cây ăn quả. Bà Linh Thu Hường, Phó Trưởng Phòng NN&MT huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, để phát triển các loại cây ăn quả chủ lực, từ năm 2016 trở lại đây, phòng đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho các loại quả... Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có trên 1.700 ha na, trong đó, có trên 488 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 12.000 – 13.000 tấn/năm; hơn 445 ha bưởi, sản lượng đạt trên 400 tấn/năm. Bên cạnh đó, đến nay, toàn huyện đã xây dựng 3 sản phẩm na của 3 hợp tác xã đạt OCOP 3 sao, qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Không chỉ Hữu Lũng, việc trồng, phát triển các loại cây ăn quả chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng được các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.600 ha na (tăng trên 600 ha so với năm 2022); trên 500 ha hồng (tăng hơn 170 ha so với năm 2022) và hơn 946 ha cây ăn quả có múi (tăng hơn 350 ha so với năm 2022) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Cùng với việc thay đổi quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, các đơn vị chuyên môn và các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực. Theo đó, các đơn vị liên quan tập trung khảo sát, hướng dẫn bà con nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo các điều kiện cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cơ quan có thẩm quyền đã cấp 5 mã số vùng trồng xuất khẩu na, bưởi tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng; 10 mã số vùng trồng nội tiêu cho hồng, na, cây có múi tại các huyện Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan. Từ đó, góp phần mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Một giải pháp quan trọng trong phát triển cây ăn quả chủ lực phải kể đến là xây dựng thương hiệu, quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm. Cụ thể, từ khi triển khai thực hiện chương trình OCOP (năm 2019) đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12 sản phẩm cây ăn quả chủ lực (na, hồng, quýt) của 12 chủ thể đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Đồng thời, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nông sản chủ lực thông qua các hoạt động cụ thể như: tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng và tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ Na Chi Lăng tại Hà Nội; lễ hội Quýt vàng Bắc Sơn; ngày hội hoa quả tươi huyện Hữu Lũng; hội thi Hồng Vành khuyên huyện Văn Lãng... Nhờ đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Việc phát triển các loại cây ăn quả chủ lực đã hình thành rõ nét vùng cây ăn qua tập trung, có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, rất nhiều hộ có thu nhập 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Hiện, toàn tỉnh có 4.585 ha na tập trung trồng tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, giá trị đạt khoảng 1.400 tỷ đồng/năm; 2.194 ha hồng trồng tập trung tại Cao Lộc, Văn Lãng, giá trị đạt khoảng 212 tỷ đồng/năm; cây có múi trồng tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn với diện tích 3.316 ha, giá trị đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Cường, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Gia đình tôi trồng na từ hơn 30 năm trước nhưng với số lượng ít. Đến năm 2010, tôi đã mở rộng trồng lên 400 cây và cho tới nay, gia đình tôi có 700 cây na. Trong quá trình phát triển diện tích trồng, tôi được chính quyền xã và đơn vị chuyên môn huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, được hỗ trợ hệ thống tưới tự động. Song song với trồng na, gia đình tôi cũng trồng 150 cây bưởi Diễn, đến nay, cây đã cho thu hoạch ổn định. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 10 tấn na và hơn 7.000 quả bưởi, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết: Để phát triển các loại cây ăn quả chủ lực, thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với đơn vị chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn người dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, trong đó lựa chọn xây dựng chuỗi liên kết có quy mô tập trung, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hình thức liên kết chặt chẽ; tập trung đầu tư cho chế biến, chế biến sâu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị.
Việc phát triển cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành và người dân chú trọng triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/bai-so-gop-phat-trien-cay-an-qua-chu-luc-gop-phan-tao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-5044491.html
Bình luận (0)