Đại học Kinh tế TP.HCM lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng đại học châu Á của THE đã xếp ở vị trí 136 - Ảnh: THANH KIỀU
Tổ chức Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2025.
3 đại học Việt Nam lần đầu có tên trong bảng xếp hạng
Năm nay, ba gương mặt mới của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này là Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Mở TP.HCM, cùng sáu đại diện khác của Việt Nam đã được xếp hạng năm ngoái.
Đáng chú ý, dù lần đầu tiên vào bảng xếp hạng này, Đại học Kinh tế TP.HCM đã ở vị trí 136, soán ngôi số 1 Việt Nam của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có đại học được xếp ở thứ hạng cao theo đánh giá của THE.
GS.TS Nguyễn Đông Phong, chủ tịch hội đồng Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng: "Với vị trí 136 trong bảng xếp hạng các đại học châu Á năm 2025 do THE công bố, Đại học Kinh tế TP.HCM đã về đích rất sớm một trong những mục tiêu trọng tâm đề ra của giai đoạn 2025 - 2045 là thuộc top 250 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030 và top 150 vào năm 2045".
Thứ hạng tiếp theo là Trường đại học Tôn Đức Thắng (nhóm 201 - 250, tiếp tục duy trì đà giảm kể từ khi có tên trong bảng xếp hạng này, từ vị trí 73 năm 2022, xuống 86 năm 2023, 193 năm 2024).
Trường đại học Duy Tân năm nay thuộc nhóm 251 - 300. Đây cũng là lần đầu tiên hai trường mất vị trí số 1, số 2 Việt Nam kể từ khi góp mặt trong bảng xếp hạng này.
Trường đại học Y Hà Nội, trong năm đầu góp mặt vào nhóm 401 - 500. Trường đại học Mở TP.HCM cũng có bước nhảy vọt, từ không được xếp hạng, năm nay đã vào nhóm 501 - 600 của THE.
Trong khi đó các trường đại học và đại học khác: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Huế với thứ hạng gần như giữ nguyên, trong nhóm 501 - 600 và 601+.
Vị trí xếp hạng của các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025 của THE
THE xếp hạng đại học theo tiêu chí nào?
Bảng xếp hạng THE châu Á 2025 đã đánh giá hơn 853 trường đại học từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, dựa trên 18 tiêu chí bao gồm:
Chất lượng nghiên cứu (Research quality - 30%): tác động trích dẫn, sức mạnh nghiên cứu, xuất sắc trong nghiên cứu, ảnh hưởng nghiên cứu.
Môi trường nghiên cứu (Research environment - 28%): danh tiếng nghiên cứu, thu nhập từ nghiên cứu, năng suất nghiên cứu.
Giảng dạy (Teaching - 24,5%): danh tiếng giảng dạy, tỉ lệ giảng viên/sinh viên, tỉ lệ tiến sĩ/cử nhân, tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên, thu nhập của tổ chức.
R&D, sở hữu trí tuệ ứng dụng (Industry - 10%): thu nhập từ R&D, sở hữu trí tuệ ứng dụng.
Triển vọng quốc tế (International outlook - 7,5%): tỉ lệ sinh viên quốc tế, tỉ lệ giảng viên quốc tế, hợp tác quốc tế.
Phương pháp xếp hạng này tương tự cách THE đánh giá các đại học trên toàn thế giới, tuy nhiên một số tiêu chí đã được điều chỉnh trọng số để phản ánh yếu tố đặc thù của châu Á.
Trong các đại học ở Việt Nam, Đại học Kinh tế TP.HCM đứng đầu về chất lượng và môi trường nghiên cứu - hai nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất. Đại học Bách khoa Hà Nội có thu nhập từ chuyển giao tri thức và khả năng thu hút tài trợ lớn nhất, trong khi Trường đại học Tôn Đức Thắng có triển vọng quốc tế tốt nhất. Còn Trường đại học Y Hà Nội có chất lượng giảng dạy vượt trội so với 8 trường còn lại.
Theo bảng xếp hạng năm nay, Nhật Bản dẫn đầu về số lượng được xếp hạng với 199 trường, Ấn Độ đứng thứ hai (107 trường), tiếp đến Trung Quốc (94).
Đứng đầu toàn châu Á là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Hai đại học này duy trì năm thứ 6 giữ vị trí nhất, nhì ở bảng xếp hạng đại học châu Á.
Tiếp đến là các trường: Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Hong Kong, với thứ hạng chỉ biến động nhẹ so với năm trước.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lan-dau-9-dai-hoc-viet-nam-vao-bang-xep-hang-chau-a-dai-hoc-kinh-te-tp-hcm-vi-tri-136-2025042418463294.htm
Bình luận (0)