Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lần theo dấu vết ngành in ấn Việt Nam

Tác giả Trịnh Hùng Cường là kỹ sư điện nhưng lại có niềm đam mê sưu tầm tư liệu lịch sử văn hóa nước nhà. Niềm đam mê này đã giúp anh hoàn thành tác phẩm khảo cứu “Lần theo dấu chữ - Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)”.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam13/04/2025

c08efb19-6789-45c2-9586-12c271fef8d4.jpeg
Sách do Nhã Nam và NXB Thông Tấn xuất bản.

Trăm năm theo dấu

Trong tác phẩm Lần theo dấu chữ, tác giả Trịnh Hùng Cường cho rằng, lịch sử sơ khai của in ấn Việt Nam có từ khi Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa ở nước ta.

Theo dòng lịch sử, năm 1862, nước Đại Nam lúc đó vẫn còn sự cai trị của nhà Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức. Sau loạt chiến thắng quân sự, thực dân Pháp đánh chiếm được nhiều tỉnh Nam Kỳ, buộc triều đình nhà Nguyễn phải hòa hoãn.

Trên tàu chiến Duperré của Pháp đậu ở bến Sài Gòn, chánh sứ Phan Thanh Giản ký hòa ước với đại diện của Pháp và Tây Ban Nha. Về sau, hòa ước này được lịch sử gọi là Hòa ước Nhâm Tuất.

Tác giả Trịnh Hùng Cường đưa ra thông tin, rằng, cuối năm 1861, Pháp thành lập nhà máy in đầu tiên ở ta: Imprimerie Impériale (nhà in Hoàng Gia), cho in Nam Kỳ viễn chinh công báo tức Bulletin Officiel de l’Expédition de Cochinchine, tờ báo Pháp ngữ đầu tiên ở Nam Kỳ.

Trịnh Hùng Cường nhận định: “Lịch sử ngành in ấn Việt Nam gắn liền với tham vọng bành trướng thuộc địa của Pháp ở Đông Dương”.

Thật vậy, trong quá khứ, bộ máy tuyên truyền không bao giờ tách rời khỏi in ấn. Các sách báo tiếng Pháp sơ khởi này trở thành một trong những công cụ đắc lực của chính quyền thực dân.

Cùng với đó, chữ Quốc ngữ theo lối ký tự Latinh cũng được phổ biến, khi việc sử dụng chữ Quốc ngữ được chú trọng hơn. Ít năm sau khi nhà in đầu tiên được xây dựng ở Nam Kỳ, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên - Gia Định báo được xuất bản.

Năm 1868 ở Sài Gòn, nhà in tư nhân đầu tiên ra đời, do một thương nhân người Bồ Đào Nha sáng lập. Các chính sách mới của chính quyền Pháp đã khuyến khích sự ra đời hàng loạt nhà in tư nhân.

Cùng với sự phát triển của báo chí là sự ra đời của các hiệu sách lớn, chủ yếu tập trung ở đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi, ở trung tâm Quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Hiện tại, đây vẫn là con đường nhộn nhịp và có giá thuê đắt đỏ bậc nhất thành phố. Việc các cơ sở in ấn và phát hành tập trung ở con đường này vào thời Pháp thuộc cũng cho thấy sự phát triển và khả năng kinh doanh phát đạt của các nhà in ở Sài Gòn.

Điều này cũng chứng tỏ, thoát khỏi mục đích ban đầu là phục vụ như một công cụ của chế độ thực dân, ngành in ở Việt Nam đã dần chuyển sang mục đích thương mại vì các thương gia thấy được khả năng sinh lợi ở ngành còn khá mới mẻ này.

Một thời dĩ vãng

Điều đáng ghi nhận ở Lần theo dấu chữ, chính là những hình ảnh tư liệu sách báo quý giá, những nhà in nổi bật, có vai trò quan trọng trong lịch sử in ấn.

Một lịch sử in ấn mà dù tác giả Trịnh Hùng Cường đã mô tả gói gọn trong khoảng nửa thế kỷ, nhưng còn quá nhiều điều để tìm hiểu. Chính tác giả cũng nhìn nhận cuốn sách như một phác thảo, một nguồn tham khảo cho những nhà nghiên cứu khác có những công trình sâu hơn, đồ sộ hơn.

Việc chọn mốc thời gian 1862-1920 cũng được tác giả lý giải cụ thể. Theo tác giả, nếu chọn quãng khảo cứu đến năm 1945, khối lượng công việc, tài liệu nghiên cứu, công bố sẽ không nhỏ. Dù mốc thời gian chỉ tới năm 1920, Lần theo dấu chữ đã có dung lượng hơn 400 trang khổ lớn.

Chọn kết thúc ở năm 1920 vì tác giả cho rằng “đó là thời điểm đế chế in ấn và xuất bản của F. H. Schneider - người cuối cùng của lớp tư bản cũ - ngừng kinh doanh tại Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho ngành in ấn và xuất bản Việt Nam trong giai đoạn sau này (1920-1945)”.

Dù vậy, tác giả đã kịp nêu được tổng quan về lịch sử in ấn ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ và in ấn của Công giáo. Nếu ở Nam Kỳ, thời gian khởi điểm của in ấn là năm 1862, thì ở Bắc Kỳ là năm 1885 và in ấn Công giáo là năm 1867. Bên cạnh vai trò của người Pháp, cuốn sách còn nêu lên những đóng góp của người Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử in ấn.

Những đóng góp ở các phụ lục của Trịnh Hùng Cường đã giúp độc giả nắm bắt được danh mục các nhà in và hiệu sách ở Việt Nam trong giai đoạn 1862-1920, các thuật ngữ in ấn, cũng như sơ đồ mối liên hệ giữa các nhà in ở Việt Nam trong giai đoạn này.

Tin rằng, sau khi đọc Lần theo dấu chữ, khi đi dọc các kệ trưng bày trong nhà sách, hay lướt ngón tay trên gáy những quyển sách trong thư viện gia đình, hẳn độc giả sẽ có một cảm xúc khác.

Thời gian trôi qua, những kỹ thuật in, các công đoạn, thuật ngữ in ấn có thể đã đổi khác rất nhiều. Nhưng những nền móng đầu tiên của buổi sơ khai, đặt biệt vai trò của in ấn trong việc phát triển chữ Quốc ngữ cũng như đóng góp to lớn vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/lan-theo-dau-vet-nganh-in-an-viet-nam-3152667.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm