
Gắn kết người con xa xứ
Xa quê không có nghĩa là rời xa cội nguồn. Bất kỳ ai rời Quảng Nam hay Đà Nẵng để lập nghiệp ở vùng đất mới đều mang theo tình yêu quê hương sâu đậm. Những hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập khắp nơi, từ Nam chí Bắc, thậm chí ở cả nước ngoài, là minh chứng rõ nét cho tinh thần gắn kết của người xứ Quảng.
Mỗi dịp gặp gỡ đồng hương, người con xa quê được dịp ôn lại kỷ niệm xưa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Những cuộc gặp không chỉ giúp giải tỏa nỗi nhớ quê mà còn mở ra cơ hội hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Đặc biệt, lớp người đi trước luôn sẵn sàng dìu dắt, nâng đỡ thế hệ sau trong hành trình lập nghiệp.

Không chỉ là nơi kết nối tình cảm, hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở các tỉnh, thành còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: từ thiện, hỗ trợ đồng bào khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh, giao lưu thể thao, kết nối giao thương giữa doanh nhân, sinh viên, cựu học sinh... Các hoạt động này được duy trì thường xuyên và ngày càng lan tỏa.
Đáng chú ý, một số hội đồng hương còn thành lập các ban liên lạc chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng như sinh viên, doanh nhân trẻ, cán bộ hưu trí... Từ đó, mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tạo sự gắn bó giữa các thế hệ người Quảng. Sự linh hoạt trong tổ chức và điều hành giúp các hội duy trì sự bền vững, ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Gieo mầm trách nhiệm trong lớp trẻ
Hiện nay, phần lớn các hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn do thế hệ trung niên và cao tuổi điều hành. Trong khi đó, lớp trẻ ít tham gia, khiến tính kế thừa chưa cao. Nhiều bạn sinh ra, lớn lên ở đất khách không còn gắn bó nhiều với quê hương, phần vì khoảng cách thế hệ, phần vì thiếu định hướng, kết nối từ sớm.

Hình thức sinh hoạt truyền thống, ít đổi mới cũng là rào cản khiến giới trẻ e ngại. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, các hội đồng hương chưa tận dụng tốt mạng xã hội, nền tảng số để mở rộng kênh kết nối, tương tác liên tục với lớp trẻ.
Do vậy, việc khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người trẻ với công tác đồng hương là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh tự hào về nguồn cội, lớp trẻ cần được khuyến khích trở thành lực lượng kế thừa, sáng tạo và làm mới hoạt động đồng hương theo hướng gần gũi, thiết thực.
Giới trẻ có lợi thế về công nghệ, kỹ năng tổ chức, tư duy mới. Nếu được tạo điều kiện, họ có thể góp phần tổ chức sự kiện, xây dựng fanpage, diễn đàn trực tuyến, kết nối khởi nghiệp, chia sẻ nghề nghiệp, truyền cảm hứng phát triển cộng đồng.

Việc kết hợp giữa kinh nghiệm của người đi trước và sức trẻ sẽ giúp các hội đồng hương duy trì bền vững, vừa giữ được bản sắc truyền thống, vừa thích ứng với nhịp sống hiện đại. Khi được trao quyền, lớp trẻ không chỉ đóng vai trò kết nối mà còn trở thành nguồn lực quan trọng cho các hoạt động hướng về quê hương, từ thiện, đầu tư, phát triển văn hóa.
Để làm được điều đó, các hội cần chủ động đổi mới phương thức sinh hoạt, linh hoạt trong tổ chức, mở lối cho người trẻ tham gia bằng các hình thức phù hợp. Một hội đồng hương sống động trong thời đại mới không chỉ là nơi hội tụ, mà còn là không gian để mọi thế hệ người Quảng cùng gắn bó, sẻ chia và cùng góp sức cho quê hương phát triển.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thap-ngon-lua-dong-huong-trong-the-he-tre-3152740.html
Bình luận (0)