Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa phong trào thể thao quần chúng

(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào thể thao quần chúng (TTQC) ở Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, hoạt động thể thao còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, tạo nên nét đẹp văn hóa lành mạnh, gắn kết.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình23/04/2025

 
Nhu cầu tự thân
 
Sáng nào cũng vậy, khi nhiều người vẫn còn say giấc, sân nhà thi đấu Trường THPT Phan Đình Phùng (TP. Đồng Hới) đã rộn ràng tiếng nhạc aerobic. Ở đó, hơn 20 phụ nữ từ nhiều xã, phường cùng nhau khởi động ngày mới bằng những động tác khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng. Họ không tập để thi đấu hay tranh giải, cũng chẳng cần ai vận động hay tổ chức, đơn giản là họ tập vì thấy cần thiết cho bản thân.
 
Lớp aerobic này duy trì đều đặn hơn 1 năm nay, với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Có người từng mắc bệnh xương khớp, có người từng căng thẳng vì công việc, cuộc sống. Nhưng từ khi đến với thể thao, họ tìm lại được sự dẻo dai, tinh thần tích cực và trên hết là niềm vui mỗi ngày. Bà Trần Thị Loan (SN 1964 ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới), thành viên lớn tuổi nhất của lớp học chia sẻ: “Ngày trước tôi hay mất ngủ, người lúc nào cũng mệt mỏi. Từ khi tập aerobic đều, giấc ngủ ngon hơn, sức khỏe cải thiện rõ. Mỗi sáng gặp nhau, cùng cười, cùng vận động, tinh thần vui hẳn”. Từ một lớp thể dục tự phát, nay họ trở thành một cộng đồng nhỏ gắn bó bằng sự chủ động sống khỏe, sống tích cực.
Ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện thể dục, thể thao.
Ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện thể dục, thể thao.
Nếu như trước đây, TTQC ở Quảng Bình phần lớn gắn với các phong trào thi đua, mang tính ngắn hạn hoặc theo “mùa vụ”, thì nay đã có sự chuyển biến rõ rệt. Việc luyện tập thể dục-thể thao (TDTT) đã và đang trở thành nhu cầu tự thân, thói quen sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận lớn người dân. Thể thao không còn được nhìn nhận đơn thuần là thi đấu hay giải trí, mà còn là phương pháp khoa học để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Đáng chú ý, đối tượng tham gia thể thao ngày càng đa dạng, không chỉ giới trẻ hay người lao động, mà cả người cao tuổi, cán bộ hưu trí, phụ nữ nội trợ cũng chủ động tìm đến thể thao. Tại nhiều địa phương, các câu lạc bộ (CLB) thể thao, như: Dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền hơi, yoga, aerobic… thu hút hàng trăm người tham gia mỗi tuần.
 
Không chỉ dừng ở hình thức, sự chủ động còn thể hiện ở việc tự trang bị kiến thức tập luyện, tổ chức các nhóm nhỏ, tự đóng góp kinh phí mua sắm dụng cụ, thuê huấn luyện viên, tổ chức giao lưu, thi đấu… Điều này cho thấy TTQC ở Quảng Bình đã thật sự “thấm” vào đời sống, trở thành phong trào rộng khắp, hiệu quả. Cùng với sự gia tăng về số lượng người tham gia, cơ sở vật chất thể thao cũng có sự phát triển, nhiều công trình TDTT từ tỉnh đến xã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 70 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 166 bể bơi, hơn 3.290 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời, gần 3.530 công trình thể thao đang sử dụng cho hoạt động TDTT trên địa bàn…
 
Từ sân chơi đến đấu trường
 
Không chỉ đơn thuần là hoạt động rèn luyện sức khỏe cộng đồng, phong trào TTQC mà còn trở thành “vườn ươm” cho thể thao thành tích cao của tỉnh.
 
Hoàng Lê Quỳnh Như là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ vận động viên (VĐV) trẻ trưởng thành từ phong trào TTQC tại Quảng Bình. Dù còn rất trẻ, Quỳnh Như đã ghi dấu ấn rõ nét với loạt thành tích ấn tượng: Hai năm liên tiếp (2023-2024) giành giải nhất nội dung nữ trẻ tại giải việt dã tỉnh, đồng thời lập kỷ lục quốc gia nội dung 600m nữ (nhóm tuổi sinh năm 2010-2011) tại giải điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia năm 2023. Xuất phát từ TX. Ba Đồn, nơi phong trào thể thao học đường phát triển mạnh, Quỳnh Như không chỉ cho thấy tố chất thể thao mà còn là minh chứng sống động cho hiệu quả của việc đầu tư, tổ chức phong trào thể thao cơ sở. Em là niềm hy vọng mới của điền kinh Quảng Bình, đại diện cho sự kết tinh giữa đam mê cá nhân và nền tảng phong trào TTQC được tổ chức bài bản, hiệu quả.
Việc tổ chức các giải đấu không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho người dân mà còn góp phần phát hiện những “hạt nhân” nổi bật cho thể thao thành tích cao.
Việc tổ chức các giải đấu không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho người dân mà còn góp phần phát hiện những “hạt nhân” nổi bật cho thể thao thành tích cao.
Có thể thấy, những năm qua, phong trào TTQC đã được chú trọng và phát triển. Các giải việt dã truyền thống, Hội khỏe Phù Đổng, các giải phong trào do địa phương tổ chức không chỉ tạo sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe cộng đồng, mà còn trở thành nơi “sàng lọc” và phát hiện những “viên ngọc quý” như Quỳnh Như. Thống kê cho thấy, mỗi năm, Quảng Bình tổ chức hàng trăm giải thể thao phong trào với hàng nghìn lượt VĐV không chuyên tham gia.
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.220 CLB thể thao cơ sở và cơ sở kinh doanh, hoạt động thể thao, 1.250 cộng tác viên TDTT, gần 340.000 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, chiếm 36,7%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 29,3%, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tập luyện TDTT đạt 79%...
 Từ chính những sân chơi ấy, ngành Thể thao tỉnh đã phát hiện nhiều gương mặt triển vọng, không chỉ ở điền kinh mà còn ở các bộ môn, như: Bơi lội, võ thuật, cờ vua, khiêu vũ thể thao… Điều đáng mừng là phong trào TTQC ở Quảng Bình không chỉ phát triển về số lượng mà đã thực sự đi vào chiều sâu, có tính kế thừa và lan tỏa. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng lực lượng nòng cốt, đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho huấn luyện viên cơ sở, nền tảng quan trọng để thể thao phong trào trở thành “vườn ươm” hiệu quả cho thể thao thành tích cao.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lê Phú Sơn cho biết: Sở luôn chú trọng đổi mới cách thức tổ chức các giải thể thao phong trào, trong đó chú trọng chuyển đổi hình thức tổ chức bằng xã hội hóa, huy động đối tượng tham gia là các CLB, nhờ vậy phong trào thể thao có những bước chuyển, góp phần quan trọng vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Riêng năm 2024, tỉnh đã tổ chức trên 720 cuộc thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, đạt 111% so với kế hoạch năm; trong đó, 14 giải cấp tỉnh (tự tổ chức 6 giải, phối hợp tổ chức 8 giải), 60 giải cấp huyện và hơn 640 giải cấp xã. Các VĐV TTQC tỉnh tham gia 3 giải thể thao toàn quốc đoạt 13 huy chương các loại, trong đó 1 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 7 huy chương đồng…
 
Không thể phủ nhận, thể thao Quảng Bình đang từng ngày khẳng định sức sống mạnh mẽ từ nền tảng TTQC. Đó không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, mà còn là cái nôi chắt chiu, ươm mầm cho những tài năng vươn tầm, tỏa sáng.
Tâm An

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/the-thao/202504/lan-toa-phong-trao-the-thao-quan-chung-2225802/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm