Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa sản phẩm khởi nghiệp vì môi trường

Những năm gần đây, khái niệm về kinh tế xanh, phát triển bền vững và trách nhiệm môi trường đã trở nên phổ biến. Tại khu vực miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa tác động tích cực tới môi trường. Những sản phẩm này đang từng bước lan tỏa thông điệp phát triển bền vững trong cộng đồng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng02/07/2025

2(1).jpg
Sản phẩm giá thể nông nghiệp hữu cơ từ rác thải sinh học của anh Trương Tử Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sản phẩm “xanh”

Một trong những điển hình cho mô hình khởi nghiệp xanh là Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân do anh Trương Tử Long (phường Thanh Khê) sáng lập và điều hành.

Từ những đống lá cây, cành cây khô tưởng chừng bỏ đi, doanh nghiệp này đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế để sản xuất nguyên liệu sinh khối, một loại nhiên liệu sạch thay thế cho than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác.

“Chúng tôi thu gom rác thải hữu cơ sau tỉa cành từ các công viên, tuyến đường, khu đô thị… rồi sấy khô, xử lý và ép thành viên hoặc dạng bột nén. Trung bình mỗi tháng cung cấp từ 100 - 500 tấn nguyên liệu sinh khối cho các nhà máy công nghiệp.

Đến nay, nhiều thương hiệu lớn như Heineken, Vinamilk, Pepsi… đã trở thành đối tác ổn định của công ty. Ngoài ra công ty còn phát triển giá thể nông nghiệp hữu cơ từ rác thải sinh học, góp phần tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín trong chuỗi tái chế xanh” - anh Long chia sẻ.

1(1).jpg
Các dòng sản phẩm gia dụng được làm từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó, mô hình khởi nghiệp “Mộc Xơ” của chị Võ Thị Ngọc Thư (phường Thanh Khê) cũng đang được cộng đồng ghi nhận như một hình mẫu tiêu biểu cho xu hướng phát triển bền vững. Lấy nguyên liệu từ xơ mướp, một vật liệu tự nhiên quen thuộc ở nông thôn, chị Thư đã ứng dụng kỹ thuật xử lý vi sinh và thiết kế sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm gia dụng như miếng rửa chén, bông tắm, đồ trang trí… thân thiện với môi trường, dễ phân hủy sau sử dụng và an toàn cho sức khỏe người dùng.

“Ban đầu chỉ là những sản phẩm thủ công cho gia đình, nhưng sau khi nhận thấy nhu cầu thị trường và tiềm năng xuất khẩu, tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu “Mộc Xơ” và mở rộng sản xuất. Chúng tôi hiện đã tiếp cận được một số thị trường như Nhật Bản và châu Âu, nơi rất ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường có nguồn gốc tự nhiên” - chị Thư nói.

Ở một hướng tiếp cận khác, chị Huỳnh Thị Tường Vy (phường Hương Trà) với dự án túi lưới yêu môi trường Echobag lại khai thác triệt để khía cạnh tái chế rác thải từ biển.

Bằng việc thu mua và xử lý lại các tấm lưới đánh bắt đã qua sử dụng của ngư dân, chị Vy cho ra đời dòng sản phẩm túi lưới thời trang, túi đi chợ thay thế túi ny lon. Cùng với đó, các dòng màu mỹ thuật từ phế phẩm nông sản như rau củ, trái cây do anh Trần Nhân Kiệt phát triển nhằm cung cấp nguồn màu an toàn cho trẻ em và người làm thủ công mỹ nghệ.

Nâng cao năng lực tác động

Theo bà Trần Mỹ Quyên - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An, trong khoảng 2 năm trở lại đây, khái niệm ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và phát triển bền vững đã được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối khởi nghiệp. Chính điều này tạo ra làn sóng các dự án mới hướng tới kinh tế xanh, đồng thời tạo khác biệt trên thị trường.

Các doanh nghiệp được hướng dẫn thực hành ứng dụng công cụ đo lường tác động tại sự kiện. Ảnh: PHAN VINH
Các doanh nghiệp được hướng dẫn thực hành ứng dụng công cụ đo lường tác động. Ảnh: PHAN VINH

“Nhiều sản phẩm tưởng như đơn giản nhưng lại mang giá trị lan tỏa xã hội rất lớn, ví dụ như túi lưới tái chế, màu mỹ thuật từ rau củ bỏ đi, hay xơ mướp ứng dụng trong đời sống. Thông qua các sự kiện giới thiệu sản phẩm, những mô hình này thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, phần lớn các dự án mới đều thiếu kinh nghiệm trong truyền thông, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Đây là lý do Thịnh Minh An tích cực hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp về kỹ năng truyền thông, kết nối thị trường và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm” - bà Quyên nói.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng cho rằng, việc đo lường tác động do những dự án khởi nghiệp này cũng rất quan trọng, bởi đây là công cụ chứng minh hiệu quả môi trường - xã hội của doanh nghiệp, là cầu nối giúp các dự án tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.

Tại sự kiện Ngày hội đo lường tác động 2025 với chủ đề “Doanh nghiệp tác động xã hội: Đo lường tác động và gọi vốn hiệu quả” diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ xây dựng các chỉ số đánh giá tác động, từ đó nâng cao uy tín và khả năng thuyết phục các quỹ đầu tư. Ngoài ra, việc công khai các chỉ số này góp phần nâng cao năng lực truyền thông, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và xu thế tiêu dùng bền vững trở thành tiêu chí toàn cầu, những mô hình khởi nghiệp tác động tích cực tới môi trường đang góp phần tạo nên một làn gió mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Hành trình này không chỉ cần sự sáng tạo và tâm huyết từ cá nhân sáng lập mà còn cần sự đồng hành của hệ thống hỗ trợ, từ đào tạo, kết nối thị trường đến đo lường tác động. Chính những bước đi vững vàng hôm nay sẽ góp phần kiến tạo một nền kinh tế xanh cho mai sau” - bà Ngọc nói.

Nguồn: https://baodanang.vn/lan-toa-san-pham-khoi-nghiep-vi-moi-truong-3264710.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm