Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa tình yêu sách qua những chuyến đi

Trong cuộc sống hiện đại, với nhịp sống nhanh và bận rộn, đọc sách không phải là thói quen và sở thích đối với nhiều người. Tuy nhiên, một xu hướng mới đang ngày càng được đón nhận, đó là kết hợp việc đọc sách với những chuyến đi dã ngoại, vừa giúp nâng thêm hứng thú đọc sách, vừa mang đến những trải nghiệm ý nghĩa. “Gia đình đọc sách” tại Hà Nội là mô hình câu lạc bộ hoạt động hiệu quả theo hướng đi này.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân31/03/2025

Những cuốn sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học, thường lấy bối cảnh ở những địa phương, làng quê, thành phố cụ thể. Việc trực tiếp đến những địa điểm này giúp người đọc không chỉ thấy rõ các chi tiết miêu tả trong sách mà còn cảm nhận được không khí, vẻ đẹp tự nhiên và cuộc sống của con người nơi đó. Một chuyến dã ngoại đến những địa danh như vậy, sẽ giúp bạn đọc “sống” trong những câu chuyện từ sách một cách sinh động, chân thực hơn.

Nhận thấy việc đọc sách, giới thiệu sách bó hẹp trong không gian của các phòng họp, hội thảo vốn đã trở nên quá phổ biến, khiến nhiều độc giả không hứng thú, Câu lạc bộ “Gia đình đọc sách” là một trong những đơn vị tiên phong trong việc kết hợp giữa giới thiệu sách, giao lưu với tác giả và các chuyến dã ngoại.

Các điểm đến sẽ liên quan đến tác giả hoặc những chi tiết trong các cuốn sách. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ nhằm khơi gợi sự tò mò và khám phá thế giới từ những cuốn sách qua trải nghiệm thực tế.

Chị Trương Thị Ngọc Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Gia đình đọc sách” chia sẻ: “Chúng tôi gọi mô hình này là “Học qua những chuyến đi”. Chuyến đi đầu, chúng tôi thử nghiệm vào giữa năm 2024, kết hợp cùng tác giả Hoàng Quốc Hải để giới thiệu về hai cuốn tiểu thuyết lịch sử là “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý” của ông. Nhận thấy nhiều độc giả rất hứng thú với cách làm này, chúng tôi đã tổ chức thường xuyên hơn. Mỗi chuyến đi thu hút khoảng 30 đến 40 người, trong đó có những gia đình có cả bố và mẹ đi cùng các con”.

Khi độc giả đến thăm các địa danh có trong sách, các chi tiết tưởng tượng dần trở thành thực tế sống động. Hình dung về cảnh vật, con người và không gian trong sách sẽ được tái tạo lại một cách chân thực. Điều này không chỉ giúp bạn đọc nhớ lâu hơn mà còn phát hiện ra những mối liên kết sâu sắc giữa văn hóa, lịch sử và những câu chuyện đã được đọc.

Bằng cách kết hợp việc tham quan các địa điểm trong sách với những bài học lịch sử, truyền thống văn hóa, sẽ giúp độc giả, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi không còn cảm thấy đọc sách là một hoạt động khô khan, mà là một cuộc phiêu lưu thú vị, gắn liền với thực tế và có ý nghĩa sâu sắc.

Em Đặng Tường Vy (Lớp 5A1, Trường tiểu học Thành Công A, quận Ba Đình, TP Hà Nội ) chia sẻ: “So với việc ở nhà đọc sách thì em thấy đi ra ngoài thực tế và thú vị hơn. Mình sẽ nhớ được lâu hơn những chi tiết, địa điểm, nhân vật được tác giả nhắc tới. Khi trong sách nhắc đến địa điểm này, địa điểm kia thay vì tưởng tượng thì việc đến tận nơi sẽ khiến người đọc rất hào hứng để tìm hiểu, khám phá, từ đó cũng sẽ thích đọc sách hơn”.

Còn theo anh Nguyễn Xuân Thấu (giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự): Trong xã hội hiện đại, bố mẹ không có nhiều thời gian để quan tâm đến việc học, việc đọc của con cái. Trước các chuyến đi như vậy, các con và cả bố mẹ sẽ chủ động và hào hứng đọc sách để biết rõ hơn nơi mình sẽ đến và thảo luận cùng nhau. Điều này sẽ khuyến khích các gia đình thường xuyên cùng nhau đọc sách.

Một trong những cách thú vị để hiểu rõ hơn về các chi tiết trong sách là gặp gỡ tác giả, đặc biệt là khi tác giả có những câu chuyện gắn liền với quê hương, nền văn hóa hoặc những trải nghiệm riêng biệt mà họ đã sống qua. Một buổi gặp mặt với tác giả tại những không gian được nhắc đến trong các cuốn sách, sẽ mang đến cho bạn đọc cái nhìn sâu sắc về nguồn cảm hứng sáng tác của họ, những chi tiết trong sách, lý do họ chọn những địa điểm đó làm bối cảnh.

Chuyến dã ngoại kết hợp với giao lưu cùng tác giả, có thể giúp bạn đọc cảm nhận được sự kết nối giữa câu chuyện trong sách và thực tế. Điều này sẽ giúp bạn đọc thấm nhuần những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình.

Nhận được sự hưởng ứng từ độc giả, mới đây, Câu lạc bộ “Gia đình đọc sách” tiếp tục phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức chuyến đi về làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) với tên gọi “Theo chân Hồng Hà nữ sĩ” với nhà văn Lê Phương Liên. Chuyến đi tìm hiểu về hai cuốn sách của bà là “Đoàn Thị Điểm” và “Nữ sĩ thời gió bụi”. Những người tham gia đã đến viếng thăm mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cùng tác giả tìm hiểu về văn hóa làng, thông qua việc tìm hiểu các di tích lịch sử và thưởng thức ẩm thực.

“Đây là một sáng kiến tốt. Chuyến đi “Theo chân Hồng Hà nữ sĩ” là lần đầu tôi tham gia một buổi giới thiệu sách ngoài trời. Được giao lưu với độc giả tại chính những địa điểm tạo cảm hứng sáng tác cho mình là một điều hạnh phúc. Các độc giả hào hứng với việc đọc sách, còn các tác giả như tôi sẽ thấy tác phẩm của mình thật sự sống trong cuộc sống của bạn đọc. Từ đó giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tác. Tôi nghĩ mô hình này nên được nhân rộng hơn nữa”, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Là người tích cực tham gia các chuyến đi cùng các con, chị Đỗ Thị Điểm (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: Những chuyến dã ngoại cùng sách cũng là cơ hội để các con vận động thể chất, khơi gợi sự yêu thích tìm hiểu văn hóa lịch sử đất nước. Đặc biệt, qua đây sẽ giúp các thành viên trong gia đình gắn kết và hiểu nhau hơn. Đây cũng là cách hiệu quả để tạo ra một cộng đồng những người yêu thích đọc sách.

Nguồn: https://nhandan.vn/lan-toa-tinh-yeu-sach-qua-nhung-chuyen-di-post868890.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm