Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu và đông đảo Nhân dân, du khách tham dự lễ hội.
Dự buổi lễ có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, huyện Lang Chánh, cùng đông đảo Nhân dân và du khách.
Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh phát biểu khai mạc lễ hội.
Lễ hội Chí Linh Sơn là dịp để giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, những đóng góp to lớn của Nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thông qua các hoạt động của lễ hội góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, quảng bá tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - Thác Ma Hao nhằm thu hút du khách, nguồn lực đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát triển du lịch.
Cách đây hơn 600 năm, mùa Xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược tại núi rừng Lam Sơn. Trên con đường đánh đuổi giặc Minh, nghĩa quân đã gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, do lực lượng không tương quan nên nghĩa quân thường phải gánh chịu các trận càn quét của giặc Minh, bị tiêu hao rất lớn về lực lượng. Trước sự vây ráp và lùng sục ráo riết của quân Minh, Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ vùng đất Lam Sơn tiến sâu hơn nữa vào vùng núi Chí Linh. Bị quân giặc bao vây ráo riết hòng bắt chủ tướng Lê Lợi, Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa và hy sinh. Chính nhờ sự hy sinh anh dũng đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trường kỳ chiến đấu chống quân Minh.
Rừng núi Chí Linh với địa thế hiểm trở đã được Lê Lợi và nghĩa quân 3 lần rút quân lên nương náu vào các năm 1418, 1419, 1422. Trong thời gian này, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với rừng núi Chí Linh và đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đùm bọc lẫn nhau, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống quân thù.
Chí Linh - Lang Chánh trở thành hình tượng cao đẹp của tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc. Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, đất nước được giải phóng, dân tộc được độc lập. Trong khí thế oai hùng của ngày chiến thắng, Lê Lợi đã đọc “Bình Ngô đại cáo” tổng kết cuộc chiến tranh, khẳng định chủ quyền dân tộc của một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Trong cuộc chiến tranh ấy, rừng núi, sông suối và con người Lang Chánh đóng góp một phần cực kỳ quan trọng để làm nên chiến thắng vĩ đại.
Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc.
Ngay sau màn đánh trống khai hội, đại biểu và Nhân dân thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng Mẫu thượng ngàn”. Chương trình được kết nối bởi nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn và tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê lợi, Lê Lai và nghĩa quân Lam Sơn, Nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh trong những cuộc chiến bảo vệ non sông, đất nước.
Phần trình diễn trang phục của các thí sinh xuất sắc lọt vòng chung kết “Người đẹp Châu Lang” tại lễ hội.
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng lễ hội năm nay, huyện Lang Chánh đã tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gồm: tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương; thi đấu các môn: bóng chuyền da nam, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, kéo co; Hội thi “Người đẹp Châu Lang”; tổ chức tour dã ngoại đến các điểm tham quan trên địa bàn huyện.
Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/le-hoi-chi-linh-son-nam-2025-linh-thieng-mau-thuong-ngan-244773.htm
Bình luận (0)