Cơ sở sản xuất giá đổ "nghậm" chất cấm hoạt động từ đầu năm 2025 tại Bắc Giang vừa được cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Tư liệu

Tại hiện trường được phản ánh từ bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, một cơ sở sản xuất với hàng chục thùng chứa giá độc được phanh phui. Hành vi của chủ lò giá là dùng chất kích thích tăng trưởng không được phép sử dụng hòa vào nước để ủ giá. Thay cho 6 ngày, khi sử dụng chất này, thời gian ủ giá rút ngắn chỉ còn 3 ngày và chất lượng giá mơn mởn.

Trước ống kính truyền hình, chủ lò giá lý giải nguyên nhân dùng chất cấm để sản xuất là vì nếu làm thật thì không cạnh tranh nổi. Điều này có thể ngầm hiểu, thị trường giá đỗ đang đầy rẫy chất kích thích và để tồn tại, để có lãi, trong cuộc cạnh tranh thị trường không lành mạnh này, người sản xuất đã bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Vụ án cũng đã được ra quyết định khởi tố hình sự nhưng một câu hỏi nhức nhối lại day dứt: Vì sao một cơ sở sản xuất giá không hề nhỏ, ở vị trí trung tâm, mỗi ngày cung cấp hàng tấn giá độc, vận chuyển tiêu thụ rộng rãi nhưng đã hoạt động đến 6 tháng mới bị phát hiện; để cho 60 tấn giá “ngậm” hóa chất độc hại đã kịp tiêu thụ, đến từng bữa ăn của hàng vạn người dân. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, cơ quan chức năng đã ở đâu, trong khi chúng ta có cả hệ thống giám sát ở cơ sở, từ lực lượng quản lý thị trường, các đoàn thể, công an, tổ dân phố, đến tai mắt của dân


Gần 100 tấn thực phẩm giả được sản xuất và tiêu thụ ngay tại thủ độ Hà Nội từ năm 2015 nhưng đến gần đây mới bị phát hiện đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ

Đó cũng là điều Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra trong cuộc họp chỉ đạo xử lý hàng giả ngay sau khi hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả bị phát hiện ở Hà Nội: “Buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển, thì chỉ có 2 khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm. Phải có ai chịu trách nhiệm”.

Cùng với nhận định thẳng thắn nhìn vào bản chất sự việc ấy, Thủ tướng Chính phủ đồng thời ban hành một mệnh lệnh: Phải thành lập ngay các tổ công tác từ trung ương đến cấp tỉnh, thành phố để rà soát, truy quét hàng cấm, hàng giả.

Sắp tới, cùng với việc thành lập các tổ truy quét hàng giả, hàng cấm, khi các đợt cao điểm ra quân được các tỉnh, thành ráo riết triển khai, không chỉ 60 tấn giá đỗ “ngậm” hóa chất ở Bắc Giang, Nhân dân ước vọng sẽ có nhiều vụ việc khuất tất nữa được đưa ra ánh sáng. Nhưng câu hỏi về trách nhiệm của bộ máy quản lý, bộ máy thi hành công vụ trước hiện tượng mất ý chí chiến đấu, bị mua chuộc vẫn còn đó.

Sau Bắc Giang, hôm nay (ngày 27/5), những thùng giá đỗ ngậm hoá chất độc hại kích thích tăng trưởng vừa được phát hiện tại  tỉnh  Lào Cai . Ảnh: Tư liệu 

Đã có bao nhiêu vụ án tham ô hối lộ được phanh phui, xử lý nhưng mới đây, vụ việc lại cộm lên, khi Công ty Dược Sơn Lâm đã hối lộ 71 tỷ đồng để mua chuộc gần 100 lãnh đạo, cán bộ trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam để được tạo điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc.

Không chỉ là 6 tháng như vụ giá đỗ ở Bắc Giang, vụ án phức tạp này đã kéo dài từ năm 2015 đến nay mới bị phát hiện. Thật là khó tin khi một lỗ hổng tiêu cực lớn như vậy mà tồn tại trong hệ thống đến gần 10 năm mới bị phát hiện.

Bởi vậy, truy quét hàng giả, hàng lậu dù là nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhưng nếu chỉ tập trung ở phần ngọn này là chưa đủ. Còn một công đoạn phải truy xét trách nhiệm đến cùng, chính là lỗ hổng trong cơ chế, quy trình vận hành của bộ máy quản lý. Nếu không có giải pháp quyết liệt đồng bộ từ gốc, nếu cái “lồng cơ chế” chưa chặt, chưa đủ sức để “nhốt quyền lực”,  thì e rằng, những đợt cao điểm ra quân truy quét hàng giả, hàng cấm trên thị trường, tại các cơ sở sản xuất, cũng chỉ có hiệu quả phần ngọn.

Kim Oanh

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/lo-hong-tu-hang-gia-153842.html