CHIẾC XE TĂNG TRONG DINH ĐỘC LẬP
Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập
Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào
Chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập
Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao
Ảnh minh họa. |
Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập
Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay
Đồng đội xưa ai còn, ai mất?
Cho hôm nay tôi lại đến nơi này
Tôi bỗng gặp những đàn em nhỏ
Chạy tung tăng quanh tháp pháo xe tăng
(Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có
Sài Gòn trưa nắng bỗng dùng dằng…)
Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập
Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa
Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép
Thành chứng nhân lịch sử bây giờ.
Nguyễn Ngọc Phú
LỜI BÌNH
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương nghệ thuật. Trong lĩnh vực thơ ca, nhiều tác phẩm đã khắc họa sâu sắc cảm xúc mừng vui chất ngất ấy của toàn dân tộc. Bài thơ "Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập" của Nguyễn Ngọc Phú cũng nằm trong số ấy, là tác phẩm giàu ý tưởng suy ngẫm, lắng đọng những bồi hồi rung động của nhà thơ khi khắc họa hình ảnh chiếc xe tăng - biểu tượng của chiến thắng 30/4/1975 - trong không gian Dinh Độc Lập, nơi ghi dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước. Tác phẩm không chỉ tái hiện một sự kiện lịch sử mà còn gợi lên những suy tư sâu sắc về chiến tranh, hòa bình và sự sống tiếp nối mai sau.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh "Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập", hình tượng này được lặp đi lặp lại xuyên suốt bài thơ như một điệp khúc, khắc sâu vào tâm trí người đọc về sự hiện diện của chứng nhân lịch sử đặc biệt. Có điều, trải qua thời gian, chiếc xe tăng ấy "Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào" như một chi tiết đầy gợi cảm, cho thấy sự hồi sinh của cuộc sống trên dấu vết chiến tranh xưa. Đặc biệt, đến đây nhà thơ hoài niệm về quá khứ, quay lại cận cảnh "Chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập" như một hình ảnh mang tính biểu tượng, tái hiện khoảnh khắc lịch sử trọng đại, khi quân giải phóng tiến vào sào huyệt cuối cùng của giặc. Đẹp nhất, sống động và dễ làm chúng ta xúc động hơn cả chính là câu thơ "Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao" đã thể hiện niềm vui chiến thắng, sự tự hào về một thành phố được giải phóng và mang tên Bác Hồ kính yêu của toàn dân tộc.
Đến khổ thơ thứ hai, tác giả tập trung miêu tả chiếc xe tăng trong hiện tại: "Nòng pháo không còn vương khói thuốc súng bay". Hình ảnh này đối lập với quá khứ chiến tranh khốc liệt, gợi lên sự chuyển mình từ chiến tranh sang hòa bình. Lắng sâu hơn, câu hỏi tu từ "Đồng đội xưa ai còn, ai mất?" đã thể hiện nỗi niềm xúc động, bồi hồi của người lính khi nhớ về những đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử. Câu thơ "Cho hôm nay tôi lại đến nơi này..." là một lời tri ân sâu sắc, qua đó thấy được sự trở lại của tác giả sau một thời gian dài, gợi lên những cảm xúc buồn vui, suy tư lẫn lộn về quá khứ và hiện tại. Chất suy tưởng của bài thơ nhờ đó được nâng lên, lắng đọng nỗi niềm.
Độc đáo và làm cho tứ thơ đẫm màu sắc triết lý khi người đọc bắt gặp ở khổ thơ thứ ba một hình ảnh sáng tươi, tràn đầy hy vọng: "Tôi bỗng gặp những đàn em nhỏ/ Chạy tung tăng quanh tháp pháo xe tăng". Hình ảnh những đứa trẻ nô đùa trên chiếc xe tăng biểu tượng cho một tương lai hòa bình, khi chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ. Hơn thế nữa, câu thơ "(Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề từng có/ Sài Gòn trưa nắng bỗng dùng dằng...)" thể hiện sự ngỡ ngàng, bâng khuâng của tác giả khi chứng kiến sự thay đổi của thành phố mang tên Bác sau chiến tranh. Quả vậy, tư tưởng bài thơ bỗng loé lên vẻ đẹp nhân văn khởi nguồn từ hình ảnh tuổi thơ trong sáng. Tuổi thơ chính là gương mặt tương lai của đất nước, là khát vọng hoà bình và ước mong hồn hậu về một cuộc sống bình yên, điều đó trái ngược hoàn toàn với bạo tàn và chết chóc của chiến tranh trong quá khứ.
Bài thơ lắng lại ở khổ thơ cuối cùng khi tác giả Nguyễn Ngọc Phú khẳng định giá trị và ý nghĩa lịch sử của chiếc xe tăng – một chứng nhân của ngày toàn thắng. Vẫn phép đối lập giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và bình yên, đau thương và cuộc sống thanh bình hiện tại, hình tượng chiếc xe tăng đã trở thành chứng nhân lịch sử đặc biệt, sống động về ngày 30 tháng Tư: ”Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập/ Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa/ Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép/ Thành chứng nhân lịch sử bây giờ”.
Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như phép điệp cấu trúc ở dòng thơ đầu tiên "Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập", câu hỏi tu từ "Đồng đội xưa ai còn, ai mất?", hình ảnh tương phản giữa quá khứ chiến tranh và hiện tại hòa bình để tăng tính biểu cảm và gợi hình cho tác phẩm. Ngôn ngữ thơ giản dị, chân thật nhưng giàu cảm xúc, thể hiện được tâm trạng của tác giả trước sự thay đổi của thời gian và lịch sử. "Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập" quả là một bài thơ xúc động, giàu ý nghĩa lịch sử và nhân văn.
Ngày 30 tháng Tư với chiến thắng vang dội đã đi vào lịch sử tròn nửa thế kỷ. Đất nước giờ đây đã thu về một mối, non sông một dải Lạc Hồng. Đọc lại thi phẩm “Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập” của Nguyễn Ngọc Phú, người đọc không những cảm nhận được một sự kiện lịch sử trọng đại mà còn gợi lên những suy tư sâu sắc về chiến tranh, hòa bình và sự sống ngày mai tiếp nối. Vì vậy, hình tượng chiếc xe tăng, từ một biểu tượng của chiến tranh, đã trở thành một biểu tượng của hòa bình, của niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Lê Thành Văn (chọn và bình)
Nguồn: https://baobacgiang.vn/loi-chung-nhan-cua-ngay-toan-thang-postid416611.bbg
Bình luận (0)