Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nợ xấu nhiều ngân hàng tiếp tục tăng nhanh

Việt NamViệt Nam23/04/2025

Nhiều ngân hàng niêm yết đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý 1-2025. Lợi nhuận nhiều nơi tiếp tục gia tăng nhưng chất lượng nợ ở một số nhà bằng lại chưa được cải thiện.

Dư nợ cho vay khách hàng của VPBank đã tăng gần 5,4% trong quý 1 năm nay - Ảnh: VPB

Nợ xấu có khả năng mất vốn của VPBank ở mức 8.383 tỉ đồng

VPBank (VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 hợp nhất với thu nhập lãi thuần đạt 13.355 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 5.014 tỉ đồng, tăng gần 20%.

Đáng chú ý quý đầu năm này, VPBank tăng 16% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lên 6.677 tỉ đồng trong bối cảnh nợ xấu chưa “hạ nhiệt”.

Tính đến cuối tháng 3-2025, nợ xấu của VPBank đạt 34.610 tỉ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, cả ba nhóm nợ (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) của nhà băng này đều tăng lên. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng từ 6.119 tỉ đồng hồi đầu năm lên 8.383 tỉ đồng.

Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của VPBank theo đó đã tăng từ 4,2% lên 4,74% sau 3 tháng. Tính đến cuối quý 1-2025, dư nợ cho vay khách hàng của VPBank đã tăng gần 5,4%, đạt mức 729.969 tỉ đồng.

Dư nợ này bao gồm cả 12.876 tỉ đồng cho vay giao dịch ký quỹ và ứng trước khách hàng khi hợp nhất báo cáo của chứng khoán VPBanks.

Dữ liệu: BCTC hợp nhất
Dữ liệu: BCTC hợp nhất

Một ngân hàng khác cùng nằm trong nhóm báo cáo tài chính quý 1 khá sớm, đó là Techcombank (TCB). Ngân hàng này báo lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay đạt 7.236 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân một phần đến từ chỉ tiêu thu nhập lãi thuần giảm 2%, còn 8.305 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối của TCB cũng đi xuống.

Về hoạt động cho vay khách hàng, dư nợ tính đến cuối quý 1 của TCB đạt 663.692 tỉ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Nếu không tính các khoản cho vay giao dịch ký quỹ và ứng trước cho khách hàng của TCBS, dư nợ cho vay của TCB ở mức 633.221 tỉ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nợ xấu của TCB tăng thêm 9% so với đầu năm, đạt 7.783 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu theo đó tăng nhẹ lên mức 1,23%.

Vẫn có nhà băng giảm nợ xấu

PGBank là ngân hàng tiếp theo sau TCB báo lãi tăng trưởng âm ngay trong quý 1. Báo cáo cho thấy lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 96 tỉ đồng, giảm 17% so với quý 1-2024.

Kỳ này, PGBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ 42 tỉ đồng lên 146 tỉ đồng. Nợ xấu của PGBank đã tăng 16% so với đầu năm, từ mốc 1.059 tỉ đồng lên 1.227 tỉ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của PGBank đạt 45.348 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 3-2025, tăng 10%. Có thể thấy, tốc độ gia tăng nợ xấu của nhà băng này nhanh hơn nợ xấu.

Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo đó của PGBank đã tăng từ 2,56% lên 2,7% sau 3 tháng đầu năm nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 618 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng.

Còn báo cáo tài chính quý 1-2025 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) mới công bố cũng cho thấy, chất lượng nợ vẫn chưa cải thiện.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của LPBank cuối quý 1-2025 đạt 352.194 tỉ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng ở mức 6.087 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm.

Do vậy, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng từ 1,56% hồi cuối năm 2024 lên 1,73% khi hết quý 1. Về kết quả kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 3.175 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tại SeABank (SSB), lợi nhuận trước thuế quý 1 năm nay đạt 4.350 tỉ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử của nhà băng này.

Về chất lượng dư nợ, SeABank ghi nhận nợ xấu ở mức 3.913 tỉ đồng cuối tháng 3-2025, giảm nhẹ so với cuối 2024. Trong đó, nợ nghi ngờ giảm mạnh còn 384 tỉ đồng, song nợ có khả năng mất vốn và nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng lên, lần lượt ở mức 3.223 tỉ đồng và 306 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính quý 1-2025 của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Lãnh đạo VietABank cho biết tín dụng quý đầu năm tăng trưởng tốt, do vậy thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ.

Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ được cải thiện, đóng góp tích cực vào việc tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Thêm nữa, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 1 đã giảm so với cùng kỳ do công tác xử lý, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ liên tục, hiệu quả.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, VietABank ghi nhận tổng nợ xấu 536 tỷ đồng, giảm 50% so với đầu năm.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm