(QBĐT) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung mới tăng quyền thụ hưởng của người lao động (NLĐ), bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Luật được kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản các bất cập từ thực tiễn, thu hút và “giữ chân” NLĐ ở lại hệ thống bảo hiểm. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Giám đốc BHXH tỉnh Trần Anh Tuấn.
- P.V: Xin ông khái quát về những điểm mới của Luật BHXH năm 2024?
- Ông Trần Anh Tuấn: Luật BHXH năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều, trong đó có 14 nội dung mới trọng tâm, gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội (TCHTXH), hình thành hệ thống BHXH đa tầng. TCHTXH được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng TCHTXH xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi); riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi.
Điểm mới thứ hai là bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng TCHTXH. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng TCHTXH (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng của mình. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Điểm mới thứ ba là mở rộng đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; NLĐ làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
|
Một số điểm mới khác, gồm: Bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Ngoài ra, Luật BHXH năm 2024 còn có những điểm mới về quy định cụ thể “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; quản lý thu, đóng BHXH; giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của NLĐ…
- P.V: Luật BHXH năm 2024 có quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Xin ông cho biết điều này sẽ mang lại lợi ích gì đối với người tham gia?
- Ông Trần Anh Tuấn: Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ đưa lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia, trước hết là gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu; tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (những người 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia, tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH) cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm BHYT.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. NLĐ có thời gian đóng BHXH dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.
- P.V: Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Vậy BHXH tỉnh có giải pháp gì để thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thời gian tới, thưa ông?
- Ông Trần Anh Tuấn: Để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung vào một số giải pháp cụ thể, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đơn vị sẽ xây dựng chiến lược truyền thông đa dạng thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông, như: Báo chí, truyền hình, mạng xã hội, tờ rơi, loa phát thanh tại các xã/phường; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, kết hợp tư vấn trực tiếp.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH: Nâng cao năng lực nhân viên thu, mở rộng các điểm thu BHXH thuận tiện cho người dân, việc xây dựng mô hình truyền thông vận động hiệu quả tại địa phương được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Một số mô hình truyền thông hiệu quả cần được nhân rộng, như: “Xã có 100% người dân tham gia BHYT” tại huyện Quảng Ninh, “Hội viên nông dân, phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”…
Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cấp xã rà soát, lập danh sách số người chưa tham gia để có giải pháp vận động, đồng thời tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tham gia…
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, không chỉ giúp mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động phi chính thức.
- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tâm An (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202504/luat-bao-hiem-xa-hoi-nam-2024-va-nhung-diem-moi-2225671/
Bình luận (0)