Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chính thức có hiệu lực:

Thực trạng xâm hại di sản liên tiếp xảy ra thời gian qua không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn cho thấy những lỗ hổng đáng lo ngại trong công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa.

Hà Nội MớiHà Nội Mới06/07/2025

Trong bối cảnh đó, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, được kỳ vọng sẽ tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

di-san.jpg
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, được kỳ vọng sẽ tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Ảnh: Lê Việt Khánh

Yêu cầu cấp thiết

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc xâm hại nghiêm trọng di sản văn hóa đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong công tác bảo tồn, bảo vệ di sản.

Tháng 10-2024, vụ cháy lớn tại chùa Phổ Quang (Phú Thọ) - di tích quốc gia có niên đại hơn 800 năm - đã thiêu rụi toàn bộ phần gỗ, mái ngói, hệ thống điện cùng 27 pho tượng Phật trong ngôi Tam Bảo. Đáng tiếc hơn, bệ đá hoa sen thời Trần - Bảo vật quốc gia quý hiếm còn lưu giữ tại đây - cũng bị tổn hại nghiêm trọng và khó có khả năng phục hồi như nguyên trạng. Sau vụ việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu địa phương khẩn trương thẩm định, triển khai dự án tu bổ di tích.

Khi vụ cháy chùa Phổ Quang còn chưa kịp lắng xuống, dư luận tiếp tục bàng hoàng trước hai vụ xâm hại di sản khác chỉ trong vòng một tháng. Đầu tháng 5-2025, lăng mộ vua Lê Túc Tông - di tích lịch sử cấp quốc gia tại Thanh Hóa - bị đào bới, phá vỡ bia đá. Ngày 24-5, tại Di tích Cố đô Huế, một du khách đã ngang nhiên vượt rào, leo lên ngai vàng triều Nguyễn và bẻ gãy phần tựa tay bên phải, dù lực lượng bảo vệ có mặt tại hiện trường.

Chuỗi sự việc liên tiếp đã đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực quản lý, hiệu quả bảo vệ di sản cũng như năng lực chuyên môn, phản ứng của đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo vệ di tích hiện nay.

Những vụ xâm hại di sản văn hóa không phải là hiện tượng mới, mà từ nhiều năm nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn là vấn đề “nóng”, được các chuyên gia liên tục cảnh báo. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, di sản văn hóa đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại dưới nhiều hình thức: Trùng tu sai nguyên gốc, tôn tạo gây biến dạng, hiện vật bị mất cắp, tượng thờ bị phá hoại, bia đá bị bôi bẩn, khuôn viên di tích bị lấn chiếm...

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nhận định, mức độ xâm hại di sản ngày càng nghiêm trọng, một phần do sự buông lỏng quản lý ở địa phương, phần khác do những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành. “Đây là hồi chuông cảnh báo, nhất là đối với việc bảo vệ Bảo vật quốc gia - những hiện vật có giá trị đặc biệt - đòi hỏi cần có biện pháp bảo vệ cụ thể, lâu dài, thay vì để xảy ra hậu quả rồi mới khắc phục” - PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Về thực thi pháp luật, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, sau gần 15 năm áp dụng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2009, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hệ thống pháp luật cũng bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. “Một số quy định còn chung chung, thiếu cơ chế cụ thể để triển khai; một số khác đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay” - bà Hiền chia sẻ.

di-san1.jpg
di-san2.jpg
Vụ cháy tại chùa Phổ Quang, Phú Thọ đã thiêu rụi tòa Tam Bảo, 27 pho tượng Phật và bảo vật quốc gia là bệ đá hoa sen bị vỡ cánh hoa. Ảnh: ĐPCC

Tháo gỡ điểm nghẽn, khắc phục "lỗ hổng” trong quản lý

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào ngày 23-11-2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Luật mới gồm 9 chương, 95 điều - tăng thêm 2 chương và 22 điều so với Luật hiện hành năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đánh giá, Luật sửa đổi lần này đã bám sát các mục tiêu, quan điểm và chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết: “Với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa rõ ràng, chi tiết hơn, tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, là cơ sở để công tác bảo vệ, gìn giữ di sản ngày càng hiệu quả, bài bản và chuyên nghiệp hơn”.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định quan trọng, góp phần tăng cường hiệu lực pháp lý trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Một trong những điểm mới cơ bản là việc quy định rõ ràng hơn về xác lập quyền sở hữu di sản theo từng loại hình: Sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng, phù hợp với Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật liên quan. Luật cũng quy định chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên trách.

Về quản lý di tích, Luật đã cụ thể hóa nguyên tắc và thẩm quyền điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, II của di tích, di sản thế giới và vùng đệm; đồng thời quy định rõ việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở trong và ngoài khu vực bảo vệ nhằm bảo đảm tính khả thi và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Một nội dung quan trọng khác là việc hoàn thiện danh mục các hành vi bị nghiêm cấm, làm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong xử lý vi phạm và hướng dẫn thực hiện. Luật cũng bổ sung các quy định mới liên quan đến quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy trình tiếp nhận, xử lý hiện vật được phát hiện hoặc giao nộp; quy định việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.

di-san3.jpg
Hố sâu khoảng 1,6m do nhóm người Trung Quốc xâm hại tại lăng mộ vua Lê Túc Tông. Nguồn: ĐPCC

Ngoài ra, Luật mới bổ sung nhiều chính sách mang tính hỗ trợ phát triển, như thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; hỗ trợ hệ thống bảo tàng; bổ sung cơ quan thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực di sản - nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý và phòng ngừa các hành vi xâm hại di sản.

Đánh giá tính ưu việt của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật sửa đổi lần này thể hiện rõ tính ưu việt, lấp được những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, giải quyết được những điểm nghẽn bất hợp lý. Luật tập trung giải quyết những bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, đồng thời sửa đổi những quy định chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.

Còn theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; các nguyên tắc, hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng di tích... “Luật nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản, chuyển đổi số, xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản... Điều này mở ra cơ chế cụ thể để các địa phương hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản cho công nghiệp văn hóa” - TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, sau khi Luật đi vào cuộc sống sẽ kiến tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ để việc bảo tồn, phát huy di sản hiệu quả và thiết thực. Các địa phương sẽ nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác để di sản tỏa sáng, phát huy giá trị trong đời sống đương đại và phục vụ tốt hơn cho đời sống của nhân dân.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/luat-di-san-van-hoa-sua-doi-chinh-thuc-co-hieu-luc-kien-tao-hanh-lang-phap-ly-manh-me-708204.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm