Chiều 20/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh) bày tỏ sự đồng tình cao với việc luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14.
Về quy định tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu nhấn mạnh đây không phải là sự “ưu ái” cho ngành ngân hàng, mà là nhằm bảo vệ nguyên tắc "có vay có trả", đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người gửi tiền và lợi ích chung của Nhà nước.
Ông khẳng định: khi người đi vay và bên bảo lãnh sử dụng tài sản để thế chấp, họ phải có nhận thức đầy đủ rằng không trả được nợ thì tổ chức tín dụng có quyền thu hồi tài sản đã bảo đảm. Quy định rõ ràng như vậy giúp ngăn chặn tình trạng chây ì, rút ngắn quy trình tố tụng và thi hành án, từ đó tạo điều kiện để tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro và có cơ hội hạ lãi suất cho vay.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, bởi sau khi nghị quyết này được ban hành, việc xử lý nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực mà không gây ra hậu quả tiêu cực nào. Tuy vậy, ông cũng đề xuất bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro.
Cụ thể, cần quy định rõ rằng tổ chức tín dụng chỉ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi khoản vay không vi phạm các quy định về cấp tín dụng, tránh tình trạng ngân hàng chỉ chú trọng vào tài sản mà bỏ qua các yếu tố tín dụng khác.
Ngoài ra, đại biểu Cường lưu ý đến một số bất cập liên quan đến tài sản bảo đảm đang vướng vào tranh chấp thi hành án. Ông đề nghị bổ sung quy định xử lý những trường hợp phát sinh tranh chấp giả mạo khi ngân hàng tiến hành thu hồi tài sản không thuộc diện kê biên, nhằm ngăn ngừa hành vi trục lợi và đảm bảo công bằng cho các bên liên quan.
Về đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định các khoản vay đặc biệt (lãi suất 0% hoặc không có tài sản bảo đảm) từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều đại biểu cho rằng đây là bước điều chỉnh hợp lý. Việc chuyển giao này sẽ giúp rút ngắn quy trình, tăng tính kịp thời trong việc xử lý các tình huống cấp bách, qua đó duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.
Giải thích thêm, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, các khoản vay đặc biệt thường dành cho tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính và không còn tài sản đảm bảo. Việc hỗ trợ với lãi suất 0% giúp các tổ chức này có thời gian phục hồi và trở lại hoạt động bình thường, qua đó ổn định hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh rằng bên cạnh việc phân quyền, cũng cần tăng cường trách nhiệm cho NHNN, đặc biệt là trong giám sát dòng tiền và ngăn ngừa rủi ro mất vốn nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, biện pháp cho vay đặc biệt không chỉ hỗ trợ riêng tổ chức tín dụng vay vốn, mà còn nhằm bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống và giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, chính sách cho vay đặc biệt lãi suất 0% cần được nhìn nhận trong tầm nhìn dài hạn về kinh tế, xã hội và an ninh tài chính quốc gia.
Nguồn: https://baodaknong.vn/luat-hoa-quyen-thu-giu-tai-san-cham-dut-hieu-lam-ve-uu-ai-ngan-hang-253134.html
Bình luận (0)