Hình ảnh Người trên sân khấu hiện đại
Vở kịch Dấu xưa của tác giả Nguyễn Thanh Bình là câu chuyện dung dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân diễn ra trong giai đoạn đất nước sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Vở do Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đầu tư dàn dựng và được đông đảo khán giả yêu thích nhờ nội dung hấp dẫn, lôi cuốn, đan xen những tình tiết của quá khứ với hiện tại. Đặc biệt là màn hóa thân vào hình tượng Bác Hồ của NSƯT Thanh Điền được khán giả đánh giá cao.

NSƯT Thanh Điền chia sẻ: “Khi nhận vai, tôi bị áp lực rất lớn, đầu tiên là việc phải hóa thân vào một nhân vật vĩ đại như Bác. Thứ hai là trước tôi, đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện vai Bác Hồ rất thành công. Tôi đã dành nhiều thời gian để học và luyện tập từ thế hệ nghệ sĩ đi trước về cách thể hiện cốt cách, tinh thần, giọng nói trầm ấm thân tình, tướng đi, hình dáng, cách chỉ tay của Bác...”. Nhờ sự nỗ lực này mà sau khi vở công diễn, nam nghệ sĩ được nhận xét là thể hiện rất giống hình ảnh của Bác, từ tư thế đứng, dáng đi, giọng nói, động tác của đôi tay…, giúp khơi gợi thật nhiều tình cảm, lòng kính yêu Bác Hồ trong tâm tư người xem.
Khác với Dấu xưa, vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung của Nhà hát kịch TPHCM lại xây dựng hình ảnh Bác theo một hình thức khác. Câu chuyện kịch dẫn người xem đến với khu rừng đước già ở Nam bộ, nơi trú ẩn của người dân tản cư và các đội du kích địa phương. Hôm hay tin Bác Hồ mất, với niềm kính yêu, người dân đã bí mật lập đền thờ Bác trong rừng bằng cây đước và lá dừa mộc mạc đơn sơ. Vì không có ảnh chân dung Bác nên mọi người đã phải dùng hình ảnh tượng trưng để tưởng nhớ. Thấy cảnh này, một nhóm trẻ là con em của quân dân trong khu rừng đước đã nảy ra ý tưởng đi tìm bức chân dung của Bác Hồ để khắc thành tượng thờ.
Dù từ đầu đến cuối vở không có nghệ sĩ diễn vai Bác Hồ, nhưng dựa trên công nghệ 3D, trình chiếu màn hình LED và gauze, hình ảnh Bác Hồ hiện ra lung linh, như vì sao sáng soi đường cho những trái tim trẻ thơ đầy nhiệt huyết, chung một khát vọng to lớn của toàn dân tộc: đất nước độc lập, hòa bình.
Tìm chất đời trong những thước phim về Bác
Điện ảnh Việt đã có rất nhiều bộ phim khắc họa hình tượng Bác. Trong số đó, Vầng trăng thơ ấu của đạo diễn Hồ Ngọc Xum có một vị thế đặc biệt khi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về thời thơ ấu của Bác Hồ. Phim lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901, khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lần đầu vào Huế. Dù chọn cách kể chuyện quen thuộc, không có đột phá lớn về mặt nghệ thuật, nhưng bộ phim ghi điểm bởi sự gần gũi, tự nhiên và khá giàu cảm xúc. Phân cảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung chưa đầy 10 tuổi khoác lên mình bộ đồ tang trắng, tay vịn vào quan tài mẹ trong tiếng khóc ngặt nghèo của đứa em thơ, khiến người xem phải nhói lòng.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ, điều khiến ông tâm đắc nhất với dự án lần này là việc khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ - một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với không ít trò nghịch tinh quái như bao đứa trẻ khác. Nhưng, từ chính những tình huống đời thường dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo, lòng trắc ẩn… đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ sau này.
Để có những thước phim đó là cả sự chuẩn bị kỳ công. Kịch bản phim từng đoạt giải ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phim Giải phóng, cho biết, các chi tiết trong phim được xây dựng kỹ lưỡng, cẩn trọng, dù có yếu tố hư cấu nhưng đều dựa trên những giai thoại về cuộc đời Bác. Riêng với các diễn viên được chọn, đạo diễn Hồ Ngọc Xum đặt ra yêu cầu đầu tiên là toàn bộ phải có lý lịch, xuất thân tốt. Vai hai anh em Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Sinh Khiêm được chọn từ hơn 200 diễn viên đến thử vai.
Vầng trăng thơ ấu đã trở thành một tác phẩm đóng góp quan trọng vào dòng phim khắc họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim đã phần nào lý giải quá trình hình thành những đức tính của Người khi thừa hưởng từ một người mẹ nhân hậu, hết mực thương chồng, yêu con và người cha - một nhà nho, sĩ phu yêu nước chính trực.
Trao giải sáng tác, quảng bá tác phẩm về học và làm theo Bác
Tối 19-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, số lượng tác phẩm dự thi ngày càng tăng với thành phần tham gia phong phú, đa dạng là minh chứng rõ nét cho sức lan tỏa, sự thu hút và uy tín của giải thưởng ngày càng được khẳng định và nâng cao. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và biểu dương các cơ quan, đơn vị, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước cũng như các tác giả quốc tế đã bằng ngòi bút và hình tượng nghệ thuật, lan tỏa, tôn vinh những giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền cảm hứng và thôi thúc tinh thần học tập, làm theo Bác trong toàn xã hội...
Ban tổ chức đã trao 12 giải A, 56 giải B, 99 giải C, 102 giải khuyến khích và tặng thưởng cho 46 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
MAI AN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lung-linh-hinh-anh-bac-tren-san-khau-va-dien-anh-post795982.html
Bình luận (0)