Lãnh đạo thành phố thăm hỏi, tặng quà cho các cụ bà đang sống ở Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công TP. Huế nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Không còn đơn chiếc lúc tuổi già

Gần 11 giờ trưa, tiếng gọi quen thuộc của chị cấp dưỡng vang lên từ khu nhà ăn: "Các mệ ơi, đến giờ mình dùng cơm trưa nhé!". Chỉ ít phút sau, mệ Dạng, mệ Cháu, mệ Kiều, mệ Bi… đều đã có mặt vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Trước mặt mỗi người là từng phần cơm trưa được đựng trong chiếc ca mèn ba ngăn gọn gàng và sạch sẽ. Bữa ăn có đủ cơm, rau, thịt, cá, trứng. Mỗi bữa, bộ phận cấp dưỡng, nhà bếp lên thực đơn theo chế độ dinh dưỡng, sở thích và tình trạng sức khỏe của từng cụ.

"Mấy o nhà bếp đổi món thường xuyên nên bữa mô cũng thấy ngon miệng. Mệ chọn ăn hai bữa chính, còn sáng thì tự túc, thích ăn chi mua nấy. Có tiền trợ cấp nên mệ cũng đủ chi tiêu", mệ Hoàng Thị Kiều, ở Trung tâm hơn 22 năm điềm đạm chia sẻ.

Mệ Trần Thị Hàng, 82 tuổi, ở phường Tây Lộc (nay là phường Phú Xuân) được mọi người gọi đùa là "cụ bà bận rộn". Hơn 30 năm gắn bó với Trung tâm, nhưng mỗi ngày mệ vẫn đều đặn ra chợ Tây Lộc hành nghề sửa áo quần, công việc mà mệ đã gắn bó từ thời còn trẻ. "Tuổi cao, nhưng mệ còn minh mẫn, mắt còn sáng, tay còn khéo nên cứ muốn tiếp tục làm việc. Mệ thấy vui vì ra vô chợ vừa có bạn nghề, vừa có bạn ở Trung tâm để trò chuyện. Có mấy lần mệ ốm không ra chợ được là chị em thợ may tìm đến Trung tâm thăm hỏi", ông Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.

Mỗi người đến với Trung tâm đều mang trong mình những câu chuyện đời không giống nhau, nhưng có chung nỗi mất mát và sự đơn chiếc. Câu chuyện của mệ Lê Thị Dạng, gần 90 tuổi, quê ở xã Quảng Thái (nay là xã Đan Điền), khiến người nghe không khỏi nghẹn lòng. Chồng hy sinh, con trai duy nhất mất năm lên 15 tuổi, mệ sống lặng lẽ một mình cho đến khi được Trung tâm đón về.

"Vừa rồi mệ bị té ngã. Nếu còn ở quê một mình, chắc mệ đã đi theo chồng, theo con rồi. Cũng nhờ ở Trung tâm, có người phát hiện kịp, đưa mệ đi viện, chăm sóc tận tình. Bảy tháng mệ nằm một chỗ vì gãy chân, được "cơm bưng nước rót", rứa mà có khi còn chướng khí, la trách mấy cô chú, nghĩ lại mà thương và biết ơn các cô chú ở Trung tâm đã tận tình chăm sóc, không lời ca thán", mệ Dạng xúc động kể.

Mệ Nguyễn Thị Hồng, 91 tuổi, quê xã Điền Hòa (nay là phường Phong Phú) cũng là một gương mặt thân quen tại Trung tâm suốt gần ba thập kỷ. Dù còn tự lo được sinh hoạt cá nhân, nhưng sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém, nên mấy năm nay, mệ Hồng đều đặn uống thuốc quanh năm. Có những đợt trở bệnh nặng, mệ được chuyển viện điều trị, rồi trở về và tiếp tục được Trung tâm chăm sóc, theo dõi, chia toa thuốc uống kỹ lưỡng.

Sau những trận ốm, cụ bà Lê Thị Dạng thêm thấm thía ân tình và sự chu đáo của cán bộ, nhân viên Trung tâm 

Trách nhiệm và tri ân

Sau chiến tranh, những người mẹ, người vợ liệt sĩ, những thương, bệnh binh còn ở lại vẫn mang trong mình nỗi đau khó nguôi. Để tri ân và sẻ chia phần nào những mất mát ấy, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều chính sách đặc biệt, trong đó có việc chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, thân nhân người có công không nơi nương tựa.

Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công TP. Huế được thành lập từ năm 1985. Suốt gần 40 năm qua, nơi đây đã tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm trường hợp là thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học, vợ liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng sống đơn thân, không nơi nương tựa.

Ông Nguyễn Sĩ Quế cho biết, hiện Trung tâm đang chăm sóc 10 cụ bà, họ đều thuộc diện chính sách cũ, trước khi Nghị định 131/2021 ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực. Các cụ hầu hết sống một mình, hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đến đây đều được chăm lo tận tình, chu đáo.

Cơ sở vật chất của Trung tâm khá đầy đủ, khang trang. Khu nhà ở dành riêng cho những cụ có 8 phòng, 24 giường được trang bị điều hòa, quạt máy, chăn màn, đồ dùng cá nhân… và đều được thay mới định kỳ, sửa chữa kịp thời khi bị hỏng hóc. Trung tâm hiện có 36 cán bộ, nhân viên, trong đó bộ phận y tế, hộ lý, cấp dưỡng được bố trí túc trực 24/24h.

Ngoài chăm sóc sức khỏe, Trung tâm còn quan tâm đến đời sống tinh thần cho các cụ. Dịp lễ, tết, ai còn sức khỏe đều được sắp xếp xe đưa về thăm quê. Ai ở lại thì có văn nghệ, có quà tết, có mâm cơm ấm cúng, không khí sum vầy. Dịp 27/7, các cụ được lãnh đạo thành phố, các nhà hảo tâm ghé thăm hỏi, tặng quà. Những ngày thường, các cụ được thăm khám định kỳ, được điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hay được cắt tóc, vệ sinh móng tay, móng chân sạch sẽ.

Các cụ đều nhận trợ cấp hàng tháng vài triệu đồng trở lên. Nhưng nhiều cụ vẫn giữ thói quen tằn tiện, dành dụm phần trợ cấp để "lo hương khói", "lo hậu sự" chu toàn với người đã khuất. Mệ Cháu, một trong những cụ bà sống lâu năm tại Trung tâm chia sẻ: "Mỗi tháng mệ được trợ cấp hơn 5 triệu đồng, sinh hoạt ở đây không tốn đồng mô. Số tiền dành dụm được mệ lo xây lăng đắp mộ cho ông bà, chồng con. Ốm đau đã có mấy cô chú ở Trung tâm lo chu toàn, nên mệ không còn lo lắng chi nữa".

Ở Trung tâm, không ai cảm thấy mình bị bỏ rơi hay đơn độc. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng  cùng tụ về nơi đây, quây quần như một đại gia đình. Với các mệ, đây là nhà, là chốn bình yên cho quãng đời còn lại.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/mai-am-cua-nhung-nguoi-o-lai-156035.html