Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn

Trong lịch sử bóng đá VN, rất khó tìm được ai làm cầu thủ hay, làm thầy cũng giỏi như ông Mai Đức Chung, người có sự nghiệp bóng đá viên mãn ít ai sánh bằng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên23/04/2025

CHƠI BÓNG ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ

Ông Mai Đức Chung sinh năm 1949 tại Hà Nội. Khác với nhiều cầu thủ cùng thời, ông Chung bắt đầu sự nghiệp khá muộn. Ông học Trường đại học TDTT Từ Sơn và đáng ra như lẽ thường, khi tốt nghiệp năm 1971 (khi 22 tuổi), ông sẽ đi giảng dạy hoặc huấn luyện bóng đá. Nhưng cậu sinh viên vừa ra trường đã không "đầu quân" cho Sở Giáo dục Hà Nội mà "đưa" cuộc đời mình sang một bước ngoặt vô cùng quan trọng: trở thành cầu thủ. Cũng từ đây, một hành trình vĩ đại mở ra.

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn- Ảnh 1.

Tiền đạo Mai Đức Chung (hàng đứng, thứ sáu từ trái sang) trong màu áo đội Tổng cục Đường sắt vô địch giải toàn quốc năm 1980

ẢNH: TƯ LIỆU

Ông Mai Đức Chung được gọi với biệt danh Chung "xe ca", bởi ông khởi đầu sự nghiệp trong màu áo đội Xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội. Nhưng phải khi chuyển đến Tổng cục Đường sắt, sự nghiệp ông Chung mới lên đến đỉnh cao. "Tổng cục Đường sắt ngày đó có nhiều hảo thủ như Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính… mỗi người một điểm mạnh, xử lý rất quái, nhưng sức mạnh của đội nằm ở tinh thần tập thể", HLV Mai Đức Chung kể lại.

Tại đội Tổng cục Đường sắt, ông Chung ăn lương bao cấp. Ngày đi làm, chiều đi tập, có khi mấy ngày mới được tập 1 buổi (ngày ấy, mỗi tuần tập được 3, 4 buổi đã là nhiều), nhưng các cầu thủ vẫn miệt mài với trái bóng. "Vất vả lắm, nhưng chúng tôi ý thức được trách nhiệm với bản thân. Lao động và chiến đấu để phục vụ Tổ quốc, còn đá bóng để phục vụ bà con", ông Chung nói.

Để lọt vào mắt xanh của đội bóng mạnh như Tổng cục Đường sắt, ông Mai Đức Chung chắc hẳn phải rất đặc biệt. Thời đó, mỗi cầu thủ đều có một hoặc vài "chiêu" để làm nên thương hiệu. Trong khi hầu hết đồng đội đều nhỏ người, chân sút Mai Đức Chung lại có vóc dáng cao to. Cao to nhưng khéo léo vô cùng. Ông chơi bóng đơn giản nhưng hiệu quả, tiết chế động tác thừa. Nhờ những pha xử lý rất cơ bản, gọn ghẽ và sắc bén, ông được HLV Trần Duy Long sử dụng linh hoạt ở nhiều vị trí, trong đó nổi tiếng nhất là vai trò tiền đạo. Tư duy chiến thuật lẫn nhãn quan chơi bóng của chân sút Mai Đức Chung được tích góp sau năm tháng học ở trường lớp, và… học lỏm ở những đồng đội tài danh tại Tổng cục Đường sắt.

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn- Ảnh 2.

Cầu thủ Mai Đức Chung ăn mừng chức vô địch giải A1 toàn quốc năm 1980

ẢNH: TƯ LIỆU

Ông Chung có lúc xâm nhập vòng cấm như một "oanh tạc cơ", tận dụng chiều cao để dũng mãnh đánh đầu, lúc che chắn bóng mở đường cho đồng đội, khi lại lùi về tuyến giữa điều bóng hợp lý, nhẹ nhàng. "Tôi không quên những ngày đá trên mặt sân cứng ngắc, đi giày đinh đá, đôi lúc còn bị đinh chọc ngược lại vào chân chảy máu. Thế nhưng, anh em cả đội ai cũng vì đam mê cháy bỏng mà sẵn sàng vượt qua mọi thử thách. Ngoài tình yêu bóng đá, chúng tôi còn có những ngón nghề rất hay để đối phó với khó khăn", ông Chung nhớ lại. Ông gắn bó với đội Tổng cục Đường sắt suốt 9 năm trong vai trò đầu tàu, từng ghi bàn ở trận giao hữu lịch sử giữa bóng đá hai miền Nam - Bắc, khi cùng Tổng cục Đường sắt đánh bại Cảng Sài Gòn với tỷ số 2-0 vào tháng 11.1976.

HLV Mai Đức Chung NÂNG TẦM BÓNG ĐÁ NỮ VN

Ông Mai Đức Chung treo giày vào năm 1984, khép lại sự nghiệp cầu thủ với đỉnh cao là chức vô địch giải A1 toàn quốc năm 1980. Từ đây, cuộc đời ông Chung, cũng như lịch sử bóng đá VN, bước sang một ngã rẽ mới. Với uy tín gây dựng được ở đội Tổng cục Đường sắt, ông Mai Đức Chung được bổ nhiệm làm HLV trưởng. Trong tay ông Chung lúc bấy giờ là vốn kinh nghiệm quản lý khoa học thu lượm được từ người thầy Trần Duy Long, cùng cách đối nhân xử thế ôn hòa, hiền hậu, mềm dẻo đã trở thành thương hiệu. HLV Mai Đức Chung dẫn dắt đội Tổng cục Đường sắt cho đến ngày đội giải thể vào năm 1999.

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn- Ảnh 3.

Đội tuyển nữ VN thành công rực rỡ nhờ bàn tay dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung (giữa)

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn- Ảnh 4.

HLV Mai Đức Chung và đội trưởng Huỳnh Như vui mừng khi đội tuyển nữ VN giành vé đi World Cup 2023

ẢNH: TƯ LIỆU

Tuy nhiên, trước đó vào năm 1997, khán giả VN từng rất bất ngờ khi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) bổ nhiệm ông Mai Đức Chung kiêm nhiệm dẫn dắt đội tuyển nữ VN. Ông lúc đó chưa làm bóng đá nữ, nhưng được lựa chọn chính bởi sự khéo léo và ân cần. Trong lần đầu cầm sa bàn đội nữ ở tuổi 48, ông Chung đưa học trò giành HCĐ ở SEA Games 19 năm 1997 tại Indonesia. Và rồi, trong 2 thập kỷ sau đó, HLV Mai Đức Chung trở thành người được lịch sử bóng đá VN lựa chọn để đưa bóng đá nữ VN vươn tầm. Đội tuyển nữ VN dưới thời "tướng" Chung đã giành 6 HCV SEA Games, 1 chức vô địch Đông Nam Á năm 2019, cùng tấm vé dự World Cup nữ 2023.

Dưới bàn tay huấn luyện, chăm sóc ân cần của một người thầy mà cũng như một người cha, ông Chung đã xây dựng đội tuyển nữ VN thành tập thể cứng cỏi, khối thống nhất đoàn kết, chẳng còn bất cứ mâu thuẫn giữa nhóm cầu thủ đội này với đội kia. Từng là trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở đội tuyển VN, ông Chung thừa nhận học được rất nhiều từ nhà cầm quân người Áo. HLV Mai Đức Chung kể, một trong những yếu tố ông học được từ ông Riedl là sự nghiêm minh, công bằng, tôn trọng cầu thủ. "Mỗi cầu thủ đều có cá tính riêng, lòng tự trọng riêng, do đó cần biết lúc nào phải gặp cầu thủ để nói, lúc nào nên động viên, lúc nào nên phê bình. Cầu thủ nữ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên HLV trưởng càng phải ứng xử sao cho thật khéo léo, công bằng". Cái tầm và cái tâm của HLV Mai Đức Chung thể hiện ở trái tim dũng cảm, với "bàn tay sắt bọc nhung". Nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Ông được gọi thêm tên mới là ông Chung "gái" bởi cách cư xử nhẹ nhàng ấy.

Mai Đức Chung: Sự nghiệp viên mãn- Ảnh 5.

Nụ cười hồn hậu của HLV Mai Đức Chung

Năm 2017, khi đội tuyển VN khủng hoảng và cần người "chữa cháy", ông Chung chẳng ngại ngần mà lao mình vào lửa, dù rất nhiều người, trong đó có bạn già Lê Thụy Hải khuyên ngăn rằng đừng dại mà mạo hiểm tên tuổi của mình. "Tôi là đảng viên. Khi tổ chức cần, tôi sẽ có mặt. Nếu ai cũng ngại khó thì lấy đâu ra người làm", ông Chung khẳng định. Ở thời điểm đội tuyển chịu đựng dưới muôn vàn áp lực, vẫn có "tướng" Chung ở đầu sóng ngọn gió, cùng học trò chèo chống qua khó khăn. Tấm lòng của HLV Mai Đức Chung đã lay động cầu thủ. Trước trận lượt về với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019 vào tháng 10.2017, thủ quân Văn Quyết của đội tuyển VN từng nói, tất cả sẽ cháy hết mình vì "bố Chung". Trời không phụ lòng người. Ông Chung cùng học trò toàn thắng cả 2 trận tạm quyền, góp công lớn vào tấm vé dự Asian Cup 2019. Vẫn là ông Chung can trường và gan dạ, hệt như bóng hình của chàng tiền đạo của gần 50 năm trước, bật cao đánh đầu xé gió ở trận cầu đặc biệt nhất lịch sử bóng đá VN.

Ở tuổi 76, ông Chung đã có tất cả. Sự nghiệp huấn luyện rực rỡ với hàng loạt chức vô địch, huy chương, bằng khen, cùng danh hiệu "Anh hùng Lao động" đầy tự hào. Ông tận hưởng hạnh phúc ở tổ ấm tại phố Ngọc Hà (Hà Nội) cùng người vợ tảo tần Ngọc Uyển. Tưởng như mối duyên của ông Chung với bóng đá đã hết, đến tháng 5.2024, HLV Mai Đức Chung lại bất ngờ tái xuất, dẫn dắt đội tuyển nữ VN trong lúc đội đang thiếu "thuyền trưởng" đủ tầm. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/mai-duc-chung-su-nghiep-vien-man-185250422213121107.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng
Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm