- Chuyện sau ngày đất nước thống nhất ở tỉnh Minh Hải
- Báo Minh Hải - Tự hào hành trình 20 năm
Ra đi để trở về, những người anh em Cà Mau - Bạc Liêu lại về chung mái nhà, chung sức dựng xây, cùng tô thắm những gam màu tươi mới cho Cà Mau - mũi đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Hoà quyện sắc thái hai quê
“Anh đến quê em đất biển Cà Mau/Anh thấy xanh tươi đước rừng bát ngát/Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người/Về thăm quê hương Ðất Mũi xa xôi/Trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề”... Nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi viết “Ðất Mũi Cà Mau” hẳn đã thẩm thấu đến tận cùng nét đẹp nguyên sơ của nơi đây. Cà Mau nhìn trên bản đồ đất nước, cứ như một chấm xanh bạt ngàn với những chang đước vươn ra xa khơi, những rừng tràm xanh gió lộng và những nhánh sông mênh mông sóng nước.
Ðâu chỉ là người em út cuốn hút bởi vẻ đẹp tự nhiên trời ban như thế, mà trong tiến trình xây dựng và phát triển, Cà Mau còn tạo dấu ấn bởi nhiều di tích lịch sử - văn hoá ghi dấu những trang sử đấu tranh hào hùng của quân và dân nơi này. Có thể kể đến những: Bến tàu không số Vàm Lũng, Tượng đài khởi nghĩa Hòn Khoai, Công trình cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc, Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc... Nhớ về mũi đất cực Nam Tổ quốc còn thương nét mộc mạc, bình dị mà hào sảng, mến khách của những người Cà Mau dễ thương vô cùng. Hội tụ những “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”, Cà Mau được ví như một bức tranh tổng hoà của thiên nhiên, văn hoá, đất và người.
“Hùn vốn” với Cà Mau là những nét riêng của người anh em chung nhà Bạc Liêu. Những tiềm năng du lịch - văn hoá đã được xứ sở Công tử Bạc Liêu phát huy để hội tụ bè bạn phương xa đến với mình. Là những công trình văn hoá được đầu tư xây dựng và ngày càng khẳng định được nét riêng, tạo nên thương hiệu du lịch trong khu vực và cả nước. Là một trong nhiều công trình tiêu biểu được đầu tư xây dựng nhân dịp Festival Ðờn ca tài tử Quốc gia Bạc Liêu lần thứ nhất năm 2014, Nhà hát Ba nón lá lần lượt được bình chọn nằm trong “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo”, "1 trong 5 nhà hát có kiến trúc độc đáo tại Việt Nam”. Chiếc đờn kìm cách điệu giữa Quảng trường Hùng Vương xây dựng cùng thời điểm cũng được xem là biểu tượng văn hoá của Bạc Liêu, đại diện cho niềm tự hào chung của 21 tỉnh - thành Nam Bộ về một di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ. Cả 2 công trình đều được tổ chức VietKing xác lập kỷ lục lớn nhất cả nước ngay khi mới thành hình.
Nhà hát 3 nón lá - công trình kiến trúc độc đáo và là một trong những biểu tượng văn hoá của đất Bạc Liêu. Ảnh: HỮU THỌ
Ðất Công tử Bạc Liêu, xứ sở ra đời bản Dạ cổ hoài lang còn có Ðền thờ Bác Hồ, Khu Di tích Căn cứ Tỉnh uỷ, Di tích Nọc Nạng, Di tích Giồng Bốm, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Khu lưu niệm nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu... Tất cả đều góp những gam màu mới cho Cà Mau trong chiếc áo mới ngày mai.
Quê chúng ta Cà Mau
Nếu trong bức tranh Cà Mau - Bạc Liêu trước đây, từng bên nỗ lực phát huy những giá trị văn hoá đặc trưng để tạo điểm nhấn riêng mình thì khi về nhà chung, những thế mạnh riêng ấy hoà quyện vào nhau, cộng lực để có một quê chúng ta Cà Mau rạng rỡ trong tương lai gần. Cà Mau - Bạc Liêu trong chiếc áo mới Cà Mau đang trải ra những lối thênh thang đón bước người về.
Tài nguyên du lịch của hai nơi, “quê anh, quê em”, giờ thành “quê chúng ta” với sắc thái chung - riêng ấy hứa hẹn mở ra không gian độc đáo nơi cuối trời Nam đất nước.
Dòng sông Tam Giang, Năm Căn. Ảnh: HUỲNH LÂM
Về Ðất Mũi, dang rộng đôi tay đón gió, check-in nơi cột mốc toạ độ quốc gia để “khoe” với mọi người rằng, mình đã đặt chân đến điểm cuối của Tổ quốc rồi thì nhất định phải có thêm những bức ảnh lung linh cùng hoàng hôn trên cánh đồng điện gió Bạc Liêu, hay đón bình minh thật sớm trên đồng muối trắng xứ này. Ra thăm đảo Hòn Khoai để nhớ về cuộc khởi nghĩa oai hùng của thầy giáo Phan Ngọc Hiển trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp thì phải ghé chân đến Khu Căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu - Khu Di tích quốc gia đặc biệt với những câu chuyện lịch sử gắn liền với ý chí bất khuất, anh dũng của những người lãnh đạo cách mạng năm xưa. Như thế sẽ đầy đủ hơn cho một hành trình về nguồn học sử. Hay dừng chân thắp nén hương ở Ðền thờ Bác (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cũ), nghe kể chuyện quân dân đã đổ máu xương quyết tâm bảo vệ nơi thờ tự Người, thì sau đó nên nối dài hành trình đến Bến tàu không số Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cũ), một trong những địa danh lịch sử quan trọng của Việt Nam, bến tàu thuộc “Ðường Hồ Chí Minh trên biển” - tuyến đường huyền thoại vận chuyển vũ khí, lương thực và các nhu yếu phẩm từ miền Bắc chi viện vào miền Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Các di tích lịch sử - văn hoá của Cà Mau - Bạc Liêu vừa là những công trình kiến trúc độc đáo, vừa là minh chứng sống động cho truyền thống đấu tranh hào hùng, đồng thời cũng là sự hội tụ các giá trị văn hoá riêng có ở bán đảo Cà Mau. Văn hoá, con người và lịch sử của Cà Mau - Bạc Liêu chắc chắn sẽ đem đến những trải nghiệm thú vị cho bè bạn trong và ngoài nước khi chung - riêng hoà lại, nâng tầm cho nhau.
“Mai mốt Cà Mau em lớn, tuy út mà sửa soạn đẹp hơn”... Dường như cũng không là mai mốt nữa, mà Cà Mau thực sự đang lớn và hứa hẹn sẽ còn nhiều khởi sắc ở tương lai thật gần - khi hội tụ bản sắc văn hoá, sự cộng lực về kinh tế và nhất là sự đồng thuận giữa ý Ðảng - lòng Dân của những người anh em vốn từng là “người một nhà” cùng về lại mái ấm: Cà Mau!
Cẩm Thuý
Nguồn: https://baocamau.vn/mai-mot-ca-mau-em-lon--a39940.html
Bình luận (0)