Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khép lại, sau 2 tháng công chiếu tại các cụm rạp Việt Nam, phim đạt doanh thu ấn tượng với hơn 172 tỷ đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam).
Đây là cột mốc đáng tự hào, đưa Địa đạo trở thành bộ phim chiến tranh, lịch sử ăn khách nhất trong lịch sử rạp Việt. Tuy nhiên, tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III), diễn ra đến hết ngày 5/7, Địa đạo không góp mặt trong danh sách phim tranh giải.
Thay vào đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xuất hiện với vai trò giám khảo hạng mục Phim Việt Nam dự thi. Trong cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên Dân trí, anh đã chia sẻ về lý do vắng mặt của bộ phim, hành trình hòa vốn, và những trăn trở trong việc đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (giữa) tại sự kiện khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, tối 29/6 (Ảnh: Ban tổ chức).
Trong danh sách các phim Việt Nam tham gia tranh giải tại DANAFF III năm nay, “Địa đạo” không góp mặt. Anh có thể chia sẻ lý do?
- Sau khi phát hành tại Việt Nam, phía nhà đầu tư của phim Địa đạo mong muốn gửi phim tới một số liên hoan phim quốc tế.
Tuy nhiên, một số liên hoan phim quốc tế yêu cầu phim phải đáp ứng tiêu chí phải là phim chiếu ra mắt liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên.
Điều kiện này khiến Địa đạo chưa thể tham gia DANAFF III, dù chúng tôi rất muốn.
Chúng tôi hy vọng nếu có cơ hội, phim sẽ được lựa chọn vào năm sau, vì theo quy định, các phim sản xuất từ 1/5/2024 đến 30/4/2025 và đã được cấp phép phổ biến tại Việt Nam vẫn đủ điều kiện tranh giải.
Hiện “Địa đạo” đã được gửi đến những liên hoan phim quốc tế nào, thưa anh?
- Hiện tại, tôi chưa thể tiết lộ cụ thể vì quá trình xét chọn vẫn đang diễn ra. Phim đã được gửi đi, nhưng chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức từ các liên hoan phim.
Sau hơn 2 tháng công chiếu, doanh thu của “Địa đạo” hiện tại là 172 tỷ đồng. Con số này đã giúp phim có thể hòa vốn?
- Con số 172 tỷ đồng là thống kê từ Box Office Vietnam, nhưng thực tế, doanh thu để hòa vốn thấp hơn một chút. Dù vậy, chúng tôi đã thu hồi được vốn đầu tư, và đó là điều quan trọng nhất.
Từ một tác phẩm được đầu tư chỉn chu nhưng đối mặt với nguy cơ lỗ, nay đã hòa vốn. Cảm xúc của anh như thế nào khi đạt được cột mốc này?
- Tôi thực sự rất vui. Với phim Địa đạo, với chúng tôi, thu được 172 tỷ đồng không phải thắng nữa mà rất thắng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ là doanh thu, mà việc khán giả đã đón nhận Địa đạo đúng với tinh thần chúng tôi mong muốn.
Địa đạo không chỉ là sản phẩm thương mại đơn thuần, đó còn là một tác phẩm điện ảnh có dấu ấn rõ ràng của người làm phim, thể hiện được quan điểm, cảm xúc và trách nhiệm của nghệ sĩ với lịch sử dân tộc.
Việc người xem cảm nhận được tình cảm đó là một niềm vui lớn đối với ê-kíp làm phim như chúng tôi.
Anh từng chia sẻ, “Địa đạo” có cách tiếp cận khác biệt so với các phim chiến tranh trước đây. Cụ thể, với anh, sự khác biệt đó là gì?
- Tôi luôn tin rằng, dòng phim cách mạng không hề kém hấp dẫn, vấn đề nằm ở cách kể chuyện.
Với Địa đạo, chúng tôi chọn một hướng đi mới, tập trung vào yếu tố con người, tâm lý và cảm xúc cá nhân giữa bối cảnh lịch sử.
Đây là một thể loại khó tìm nguồn đầu tư, nhưng tôi tin rằng, sau thành công của Địa đạo sẽ khuyến khích các nhà đầu tư sẽ chú ý hơn đến dòng phim chiến tranh, cách mạng.
Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có những tác phẩm chất lượng hơn, vừa đạt doanh thu tốt, vừa được khán giả đón nhận sâu sắc.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong một lần trò chuyện phỏng vấn với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Sau khi ra mắt, “Địa đạo” nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, có ý kiến cho rằng, tác phẩm của anh có thể tranh giải Oscar cho phim nước ngoài. Anh suy nghĩ gì về những nhận xét này?
- (Cười) Tôi luôn giữ sự tỉnh táo trước mọi lời khen, không ảo tưởng. Những lời ca ngợi chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta thất bại, còn nếu thành công, điều quan trọng là phải nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan.
Tôi không nghĩ rằng Địa đạo có thể khiến tất cả khán giả quốc tế đồng cảm. Phim được đón nhận tại Việt Nam là một chuyện, nhưng để ra thế giới là một hành trình hoàn toàn khác.
Tức là để phim Việt có thể vươn ra quốc tế, cần nhiều yếu tố hơn và ngoài chất lượng nghệ thuật?
- Đúng vậy, không chỉ cần một bộ phim xuất sắc. Hãy nhìn vào tiệc tối giao lưu ẩm thực Hàn Quốc ở sự kiện đêm điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng sẽ thấy, đó không chỉ là hoạt động của ngành điện ảnh.
Trong đó, có sự góp mặt của Đại sứ Bộ Nông nghiệp, các hiệp hội, các ủy ban điện ảnh, các tổ chức quảng bá quốc gia... Họ cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua điện ảnh.
Có cả đầu bếp đến giới thiệu văn hóa ẩm thực, cho thấy mọi lĩnh vực đều góp phần làm nên hình ảnh Hàn Quốc trong mắt quốc tế.
Điện ảnh là cánh cửa mở đầu, nhưng đằng sau đó là văn hóa, du lịch, ngoại giao, kinh tế - tất cả phải đồng hành để tạo nên sức hút cho một quốc gia.
Sau 2 tháng công chiếu, phim "Địa đạo" có doanh thu 172 tỷ đồng (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Anh muốn nói rằng điện ảnh cần đi cùng thương hiệu quốc gia để thành công trên trường quốc tế?
- Chính xác. Để một bộ phim tiếp cận khán giả quốc tế, quốc gia đó phải có bản sắc văn hóa rõ nét và hấp dẫn. Điện ảnh không thể tự mình gánh vác trách nhiệm quảng bá đất nước.
Nếu khán giả nước ngoài không biết gì về Việt Nam, rất khó để họ quan tâm đến câu chuyện chiến tranh của chúng ta. Giống như khi bạn chứng kiến một vụ xô xát trên đường, nếu là người quen, bạn sẽ lo lắng, nhưng nếu không liên quan, bạn sẽ bỏ qua.
Khán giả quốc tế cũng vậy. Những người từ các quốc gia từng liên đới với Việt Nam, như Mỹ, Pháp hay Hàn Quốc, có thể dễ dàng xúc động khi xem Địa đạo. Nhưng với khán giả từ Tây Ban Nha hay Nam Phi, nếu không hiểu bối cảnh lịch sử, họ khó có thể đồng cảm.
Anh rất trăn trở về việc làm sao để phim Việt tiếp cận khán giả quốc tế một cách hiệu quả?
- Đúng vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần nhận thức rõ ràng: Để kể câu chuyện Việt Nam cho thế giới, trước tiên phải khiến họ quan tâm đến Việt Nam.
Tình yêu đất nước giúp người Việt cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của thế hệ cha ông, nhưng khán giả nước ngoài không có sự gắn bó đó.
Với nhiều người, chiến tranh Việt Nam chỉ là vài dòng trong sách giáo khoa. Nếu không xây dựng thương hiệu quốc gia một cách toàn diện và bền vững, ngay cả những bộ phim xuất sắc nhất cũng khó chạm đến trái tim khán giả quốc tế.
Chúng ta cần hành động nghiêm túc để giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới, không chỉ qua điện ảnh mà còn qua văn hóa, du lịch, kinh tế và ngoại giao.
Anh có lời khuyên nào cho các nhà làm phim trẻ muốn đưa tác phẩm của mình ra quốc tế?
- Đừng ảo tưởng rằng chỉ cần một bộ phim tốt là đủ. Điện ảnh là phương tiện gần gũi, nhưng để khán giả quốc tế đón nhận, họ cần cảm thấy sự gần gũi với đất nước và văn hóa của chúng ta.
Hãy tập trung xây dựng những câu chuyện chân thành, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Chỉ khi Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt thế giới, câu chuyện của chúng ta mới thực sự có sức lan tỏa.
Cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên những chia sẻ!
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/bui-thac-chuyen-dia-dao-thu-172-ty-dong-hoa-von-khong-ao-tuong-oscar-20250701091029732.htm
Bình luận (0)