Trong hành trình thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững, xuất khẩu lao động đang ngày càng trở thành hướng đi thiết thực và hiệu quả đối với người dân tỉnh Tuyên Quang, nhất là những lao động trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để đi lao động nước ngoài được thì bài toán kinh phí ban đầu là một trong những rào cản lớn khiến nhiều gia đình nghèo khó tiếp cận được cơ hội đổi đời này.
Để gỡ nút thắt tài chính, mở lối đi bền vững cho lao động xuất khẩu, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai chương trình tín dụng chính sách dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn… có thể vay tới 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần thế chấp tài sản, thời gian vay linh hoạt theo thời gian hợp đồng lao động. Chính sách này thực sự trở thành “cứu cánh” giúp nhiều lao động mạnh dạn bước ra thế giới.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình tuyên truyền về chương trình cho vay xuất khẩu lao động tới người dân.
Từng loay hoay tìm cách vay tiền cho chồng đi lao động tại Đài Loan, chị Bùi Thị Viền ở thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ: “Chồng tôi đi lao động theo chương trình của Nhà nước triển khai dành cho đồng bào dân tộc miền núi. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình tôi còn thiếu khoảng 60 triệu đồng. Khi biết có chương trình cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đến xã, được cán bộ tư vấn, sau đó, gia đình tôi được hỗ trợ vay 60 triệu đồng từ tháng 3-2024. Nhờ đó, chồng tôi đã có thể đi làm, gửi về đều đặn 25 triệu đồng/tháng. Sau một năm, chúng tôi đã trả được phần lớn khoản vay và có chút vốn để đầu tư làm ăn thêm ở quê, tôi rất mừng”.
Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Chúng tôi xác định chương trình cho vay xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2022 - 2024, chương trình đã có bước phát triển rõ rệt cả về quy mô cho vay và số lượng lao động được tiếp cận vốn.
Doanh số cho vay tăng mạnh qua từng năm: năm 2022 đạt hơn 8,1 tỷ đồng; năm 2023 gần 12 tỷ đồng (tăng 45,28%) và đến năm 2024 lên tới trên 16,4 tỷ đồng (tăng 38,94%). Dư nợ chương trình cũng tăng tương ứng là 9,5 tỷ đồng năm 2022 lên 16,25 tỷ đồng vào năm 2023 và năm 2024 đạt hơn 20,86 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn chi nhánh đã giải ngân được 62 trường hợp đi xuất khẩu lao động với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ chương trình xuất khẩu lao động đạt hơn 21,2 tỷ đồng với 756 hộ còn dư nợ.
Số lượt khách hàng tiếp cận chính sách cũng ngày một nhiều. Năm 2022 chỉ có 98 lượt vay thì đến năm 2023 là 157 lượt (tăng 60,20%) và năm 2024 đạt 216 lượt (tăng 37,58%). Những con số này cho thấy, chương trình đang phát huy hiệu quả và ngày càng lan tỏa rộng rãi tới các tầng lớp lao động.
Tín dụng chính sách đã và đang khẳng định vai trò là đòn bẩy giúp người nghèo, người yếu thế có cơ hội tiếp cận cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi chính sách đến đúng người, đúng thời điểm đã mở ra cánh cửa thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững. Và trên hành trình ấy, Ngân hàng Chính sách xã hội chính là người đồng hành giúp mỗi giấc mơ trở thành hiện thực.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/mo-loi-thoat-ngheo-212122.html
Bình luận (0)