Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mỹ có thể lặp lại sai lầm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008?

Việt NamViệt Nam17/04/2025


Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đài CNA, một yếu tố đáng lo ngại trong bức tranh hiện tại là việc Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) – cơ quan trực do tỷ phú Elon Musk quản lý – gần đây đã có những động thái nhắm vào Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), vốn được xem là một trụ cột trong hệ thống phòng thủ tài chính của Mỹ.

Động thái này không đơn lẻ. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp mở rộng quyền kiểm soát của Nhà Trắng đối với các cơ quan quản lý độc lập, trong đó có cả FDIC. Việc tập trung quyền lực hành pháp vào các định chế vốn hoạt động độc lập như FDIC cho thấy một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực tái cơ cấu hệ thống quản lý tài chính liên bang.

Khác với hầu hết các cơ quan liên bang, FDIC không chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ nhánh hành pháp, cũng không nhận tài trợ từ ngân sách liên bang. Thay vào đó, FDIC được tài trợ thông qua các khoản phí đánh vào chính các ngân hàng mà cơ quan này giám sát – một cấu trúc được thiết kế nhằm giảm thiểu áp lực chính trị và bảo đảm tính trung lập trong điều hành.

Chiến dịch tái định hình hệ thống quản lý

DOGE đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm cắt giảm năng lực của FDIC, bao gồm việc sa thải 1.000 nhân viên – cả chính thức lẫn tạm thời – như một phần trong chương trình tinh giản bộ máy hành chính liên bang. Đồng thời, có báo cáo cho thấy DOGE đang rà soát toàn diện các hợp đồng và cấu trúc nhân sự của cơ quan này.

Thậm chí, đã có đề xuất trong nội bộ Chính quyền Tổng thống Trump về việc bãi bỏ hoàn toàn FDIC – một ý tưởng từng được đưa ra trong các cuộc họp lựa chọn nhân sự cho các vị trí điều hành lĩnh vực ngân hàng. Song song đó, vào tháng 2, chính quyền cũng tìm cách giải thể Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) – một định chế được thành lập hậu khủng hoảng 2008 nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi tài chính rủi ro. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang đã ngăn chặn hành động này, gọi đó là hành vi “vi phạm pháp luật trắng trợn”.

Các nguồn tin còn cho biết, chức năng giám sát và xử lý ngân hàng của FDIC có thể sẽ được chuyển giao cho Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) – một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính và do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành pháp.

Hệ quả của những cải cách này sẽ không chỉ dừng lại ở rủi ro pháp lý hay chính trị trong nước, mà có thể là chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Tại sao FDIC là “tuyến phòng thủ” không thể thiếu?

Chú thích ảnh
Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang là một cơ quan chính phủ độc lập giám sát ngành ngân hàng. Ảnh: FDIC

FDIC là cơ quan bảo hiểm tiền gửi – một thiết chế nhằm đảm bảo rằng người gửi tiền sẽ không mất trắng khi ngân hàng sụp đổ. Tại Mỹ, giới hạn bảo hiểm danh nghĩa là 250.000 USD. Tuy nhiên, trên thực tế, vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon năm 2023 cho thấy phạm vi bảo hiểm có thể mở rộng để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng.

Bảo hiểm tiền gửi thực hiện hai chức năng thiết yếu: bảo vệ người gửi tiền và ngăn chặn làn sóng rút tiền hàng loạt – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiệu ứng ngân hàng phá sản theo dây chuyền. Ngoài ra, FDIC có thẩm quyền tiến hành giải thể ngân hàng theo cách có trật tự, giúp tránh sử dụng tiền thuế của người dân cho các gói cứu trợ quy mô lớn như trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Đạo luật Dodd-Frank hậu khủng hoảng đã trao cho FDIC nhiều công cụ hơn để xử lý các ngân hàng mang tính hệ thống. Những cải cách này không chỉ là nội bộ Mỹ mà còn là kết quả của các cuộc đàm phán toàn cầu – củng cố sự phối hợp xuyên biên giới trong thời kỳ khủng hoảng.

Dẫu vậy, Dự án 2025 của Heritage Foundation – vốn hỗ trợ DOGE – đã công khai kêu gọi xóa bỏ các cải cách này, đe dọa vai trò chiến lược của FDIC trong cấu trúc phòng thủ tài chính của Mỹ và toàn thế giới.

Rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu

Chú thích ảnh
Khách hàng bên ngoài Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Ảnh: AFP/TTXVN

Thất bại của FDIC trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon năm 2023 bắt nguồn từ hai yếu tố - bao gồm nới lỏng quy định trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, vốn đã tồn tại trước cả các đợt cắt giảm mới đây.

Dẫu vậy, can thiệp sau đó của FDIC đã giúp khoanh vùng thiệt hại và ngăn chặn hiệu ứng lan rộng. Nếu FDIC bị suy yếu về nguồn lực, quyền hạn hoặc tính độc lập, Mỹ sẽ mất đi một công cụ then chốt trong ứng phó với khủng hoảng ngân hàng trong tương lai. Hạn chế khả năng can thiệp của FDIC sẽ đưa Mỹ trở lại thế giới trước năm 2008. Giám sát yếu kém dẫn tới rủi ro đạo đức, các ngân hàng có thể quay trở lại trạng thái “quá lớn để phá sản” với kỳ vọng được cứu trợ.

Không chỉ có Mỹ chịu thiệt hại. Ở cấp độ quốc tế, FDIC hợp tác với các cơ quan quản lý nước ngoài để lập kế hoạch cho khả năng xảy ra khủng hoảng và triển khai các giải pháp nếu khủng hoảng xảy ra.

Các cơ quan giám sát quốc tế, đặc biệt là những cơ quan quản lý các ngân hàng có chi nhánh tại Mỹ, cũng phụ thuộc vào FDIC trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. Vai trò này từng được thể hiện rõ ràng khi FDIC cùng các đối tác quốc tế giải quyết vụ phá sản Credit Suisse năm 2023 một cách có trật tự.

Việc làm suy yếu hoặc chính trị hóa FDIC không chỉ làm mất đi lòng tin quốc tế mà còn khiến hệ thống tài chính toàn cầu trở nên dễ tổn thương hơn trước các cú sốc mang tính hệ thống.

FDIC không chỉ là một cơ quan nội địa mà còn là một phần không thể thiếu trong cấu trúc tài chính toàn cầu hiện đại. Khi Mỹ bắt đầu rút lui khỏi vai trò dẫn dắt và ưu tiên lợi ích chính trị ngắn hạn, thế giới sẽ phải chuẩn bị đối mặt với những bất ổn lớn hơn nhiều so với các biến động trên thị trường chứng khoán.



Nguồn: https://baodaknong.vn/my-co-the-lap-lai-sai-lam-cua-cuoc-khung-hoang-tai-chinh-nam-2008-249686.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm