Tôi nghĩ, đúng như tên gọi của cuốn tự truyện là “Thích sống”, nó đã gieo vào lòng độc giả nguồn năng lượng tràn đầy của tình yêu cuộc sống.
Tôi biết đến tác giả Nguyễn Bích Lan từ cách đây hơn 10 năm, cũng từ cuốn tự truyện đầu tiên của chị có tựa đề “Không gục ngã”. Ra mắt vào đầu năm 2013, đến nay “Không gục ngã” đã được tái bản 12 lần. Sức hấp dẫn của cuốn sách lớn như thế bởi bản thân tác giả là một tấm gương phi thường về nghị lực sống. Mắc căn bệnh hiếm gặp loạn dưỡng cơ tiến triển (các tế bào cơ trong cơ thể bị thoái hóa dần) từ năm 13 tuổi, dẫn đến hạn chế khả năng vận động và nhiều vấn đề sức khỏe khác, Nguyễn Bích Lan buộc phải nghỉ học khi mới kết thúc lớp 8. Bằng nghị lực sống mãnh liệt, chị đã tự học tiếng Anh, tự học các kiến thức phổ thông và tất cả những kiến thức có thể; để rồi chị đã khai phá ra tiềm năng to lớn của bản thân: dịch sách.
Nếu như cuốn tự truyện đầu tiên kể về hành trình đứng lên, bước tiếp “không gục ngã” thì ở cuốn tự truyện thứ hai Nguyễn Bích Lan nói về sự trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống và nỗ lực “sống cuộc đời mình một cách trọn vẹn và tử tế”.
Dù vẫn phải chung sống với căn bệnh nan y nhưng chị không chấp nhận cuộc sống vô vị mà quyết định chọn “thách thức” là chinh phục “đỉnh Everest”: “Leo lên điểm cao khó chinh phục nhất của nghề dịch văn học - đó là dịch các tác phẩm văn học kinh điển”.
Đó là một hành trình gian nan, vô cùng vất vả, vắt kiệt gần như cả sức lực lẫn chất xám; thậm chí cả những “cú trượt chân vì thiếu cẩn trọng của một nhà leo núi”. Nhưng, bằng nỗ lực phi thường, sự kiên trì, lòng can đảm, người phụ nữ nhỏ bé với cân nặng chưa đầy 30 kg ấy đã lần lượt chinh phục các đỉnh cao: là dịch giả của hơn 60 cuốn sách, trong đó có những cuốn sách “best-seller” được tái bản nhiều lần, trở thành hiện tượng của thị trường sách dịch như: “Cây cam ngọt của tôi”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Cọ hoang”, “Tro tàn của Angela”, “Được học”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”, “Tự truyện của một Geisha”…
Nỗ lực của chị được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm dịch xuất sắc; Giải thưởng Sách quốc gia; Giải thưởng Nhân tài đất Việt; là một trong 8 phụ nữ đương đại được tôn vinh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Song, với Nguyễn Bích Lan, giải thưởng lớn nhất là “được sống với niềm say mê và được thấy sản phẩm mình làm ra được sử dụng rộng rãi”. Niềm hạnh phúc của chị càng được nhân lên khi chính những tác phẩm của mình cũng là nguồn cảm hứng, mang lại những giá trị hữu ích cho người đọc, như “Cây cam ngọt của tôi” khơi dậy tình yêu thương và sự thấu hiểu đối với những đứa trẻ; “Được học”, “Tro tàn của Angela”, “Màu của nước”… đề cao, khích lệ tinh thần tự học, khuyến khích sự kiên trì theo đuổi con đường giáo dục để vươn lên tương lai tươi sáng…
Mỗi ngày được sống với Bích Lan là niềm hạnh phúc, là phần thưởng và chị luôn thấy biết ơn vì điều đó. Chị cảm thấy biết ơn mọi điều trong cuộc sống, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Chị viết: “Vì đã từng trải qua những ngày khó thở kéo dài dẫn đến những cơn mệt khủng khiếp, tôi luôn cảm thấy biết ơn khi cảm nhận từng hơi thở ra vào cơ thể mình một cách dễ dàng, đều đặn”; “Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì dù phải nghỉ học khi mới kết thúc lớp 8 tôi vẫn giữ được tinh thần ham hiểu biết, niềm khao khát học tập để có thể tự học…”; “Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì tôi có thể làm hằng ngày công việc dịch văn học mà tôi thực sự đam mê (…). Tôi biết ơn vì hàng trăm nghìn độc giả đã đọc những cuốn sách tôi dịch, và không ít người trong số đó đã tìm cách kết nối với tôi, trở thành những người bạn, người đọc trung thành của tôi”…
Không chỉ vậy, chị đã biến lòng biết ơn của mình thành những hành động cụ thể, với mong muốn cống hiến cho cộng đồng và truyền cảm hứng cho những người khác cùng tham gia. Chị dành dụm, gom góp những đồng tiền từ việc dịch, viết sách, viết báo, bán sách để giúp đỡ những người khó khăn; tặng sách cho các trường học ở vùng sâu với mong muốn giúp các em nhỏ hình thành thói quen đọc sách; đi đến các nơi nói chuyện về lợi ích của việc đọc sách, tự học cho các em học sinh, phạm nhân…
Đọc cuốn tự truyện “Thích sống”, bên cạnh niềm thán phục nghị lực và năng lượng sống từ tác giả, độc giả còn học được rất nhiều bài học bổ ích để làm cho cuộc sống của mình trở thành “một hành trình thú vị”.
Những bài học ấy được đúc rút từ chính trải nghiệm cuộc đời của tác giả nên rất thiết thực chứ không sáo rỗng, mỗi người nếu muốn đều có thể làm được: chấp nhận bản thân; vượt qua cao trào cảm xúc tiêu cực; chấp nhận thử thách; nuôi dưỡng sức mạnh ý chí; tự học; sử dụng quyền lựa chọn; sống có đam mê; duy trì lòng biết ơn…
Nguyễn Bích Lan tin rằng: “Cuộc đời không bày sẵn mọi thứ cho tất cả mọi người, nhưng nó đảm bảo ai cũng có cơ hội để vươn tới những ngày tốt đẹp hơn”, “Thế gian ngày nào chẳng có hoa nở, chỉ bạn và tôi mải trách cuộc đời buồn bỏ lỡ những mùa hương”…
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/nang-luong-song-tu-thich-song-c55024d/
Bình luận (0)