Ngày xưa, bà thường gánh nước về đổ đầy đôi chum sành lớn dưới gốc cau. Sông bao đời thao thiết, nước trong veo mùa cạn, loang loáng phù sa vào mùa lũ. Tuổi thơ của bà hay sau này là những đứa con, đều theo mẹ ra bến nước, chân trần chạy chơi trên bãi bồi mướt màu cỏ dại, rong ruổi theo đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, dỏng tai nghe nhịp gõ mái chèo khua cá lách cách trên thuyền nan. Thuở ấy, bến sông lúc nào cũng tấp nập, người gánh nước, người giặt giũ, rửa khoai, rửa rau… trẻ con thì tắm mát. Giờ đôi chum sành chỉ để làm cảnh, nước máy đã về tận nhà, thưa vắng dần cả những chuyến đò ngang.
Minh họa. T.Q. |
Ngôi nhà cổ được dựng lên từ thời ông nội của chồng bà. Cánh thợ nức tiếng miền Lục Ngạn ăn ở suốt nửa năm ròng, xây cất đục đẽo. Người làng kể lại, trước đó nhiều năm tháng, nhờ buôn bán ngược xuôi, cụ dành bao công sức, của cải thửa từng thớ gỗ lim quý, từng viên gạch nung thủ công, giương mục kỉnh dõi từng nét chạm khắc. Qua hàng trăm năm, từng vết rêu bám, từng kẽ nứt rạn đều in dấu ấn đời sống gia đình. Càng sâu tuổi, nhiều vật dụng từ hoành phi, cửa gỗ, sập gụ càng nhuận sắc, đượm hương, cứ bóng loáng, thơm như được ướp trầm. Thế mà bây giờ, con cháu đều muốn phá đi để xây một ngôi nhà mới, cao ráo, sáng sủa, tiện nghi hơn.
* * *
Buổi họp gia đình diễn ra ngay giữa sân gạch, dưới gốc bưởi già đang trổ hoa trắng muốt, lác đác rụng rơi. Gió xuân khắc khoải cuốn theo mùi nhang trầm từ ban thờ bay ra. “Nhà cũ rồi, tường ngấm nước, mái chưa mưa đã dột, mẹ tiếc mãi làm gì?" - Minh Phúc, con trai cả của bà Cậy cất giọng kiên quyết. “Mẹ ạ! giờ ai còn ở thế nữa? Nhà mình có điều kiện, xây nhà mới để cháu chắt về quê còn ăn ở cho tiện” - Cương, trai út trong nhà thêm vào.
Mùa hoa, cả miền Lục Ngạn như khoác lên mình tấm áo tinh khôi, ngào ngạt. Bà Cậy khấp khởi nhóm bếp lên, đun thêm nồi nước lá bưởi, hoa chanh cho con dâu gội đầu. Bà khẽ nhủ, tuổi già như chuối chín cây, ấy vậy nhưng chỉ cần nếp nhà xưa còn giữ được, sẽ luôn vang vọng tiếng cười và bước chân người trở về nguồn cội. |
Bà không vội đáp lời, mắt bần thần nhìn dãy cột gỗ lim rồi ngước lên mái ngói có đàn dơi vừa liệng xuống. Vải chưa vào mùa hoa, dơi đã xao xác kéo về như giục giã. Bà khẽ thở dài, giọng mui mủi: “Các con thấy cũ, nhưng với mẹ ấy là cái gốc, là nếp xưa. Bao nhiêu thế hệ, từ thời cố nội các con cho tới khi mẹ về làm dâu, sinh các con, rồi bố mất, mẹ một tay chăm nom nhà cửa. Bây giờ đập đi… khác gì bỏ cả một đời!”. Không khí chùng xuống.
Con cháu ai cũng biết bà Cậy thương mái nhà, rưng rưng ký ức, càng cao tuổi, bà càng nặng lòng. “Nhưng mẹ ơi! dù sao nhà cửa cũng chỉ là vật chất, không thể giữ mãi được”, con trai cả dịu giọng. “Không phải cứ xây lại là giữ được những điều đã qua. Khi cố nội các con dựng nhà, từng viên gạch, từng thanh xà, từng nếp cửa đều tay người xưa dụng công, gửi gắm tình cảm”. Ngoài kia, dòng Thương vẫn trôi. Sân nhà, hoa bưởi ngan ngát lan trong không khí lay phay mưa bụi.
Bất ngờ, một giọng nói nhẹ nhàng mà kiên quyết vang lên xóa tan bầu không khí nặng nề: “Con nghĩ… nếp nhà xưa thì phải giữ, bằng cách nào thì nhà mình cùng tính”. Mọi ánh mắt đổ dồn về Nhung, vợ Cương, nàng dâu út sống ở phố thị. Cương sững lại, ngạc nhiên hỏi vợ: “Em nói gì? Bình thường em có quan tâm mấy chuyện này đâu?” Nhung rót thêm trà, chậm rãi ngỏ lời: “Đúng là trước đây em không để ý. Nhưng giờ này, sau bao cái Tết, rồi giỗ chạp, ăn ở nơi đây, em chợt nhận ra ký ức mang đến cho chúng ta hơi ấm”.
Bà Cậy nhìn con dâu, đôi mắt đục mờ ánh lên tia hy vọng. “Cả nhà mình còn nhớ lần đầu tiên con về ra mắt không? Hôm đó trời lạnh lắm. Trong bếp, mẹ cời lửa, nấu bánh chưng, khói cay xè mắt. Bao nhiêu câu chuyện bố mẹ rồi các anh có thể quên, nhưng những điều liên quan tới ngôi nhà, từ cột kèo đến nét chạm trổ, ai cũng kể vanh vách. Bữa cơm chờ Tết toàn chuyện ngày xưa, thời ông cố nội. Mà ấy đều là truyền miệng thôi, chẳng ai chứng kiến, nhưng sống động, rưng rưng. Thế ra nhà đâu chỉ để ở, mà là nơi lưu giữ, trao truyền ký ức”.
* * *
Ngày Nhung về làm dâu, cả họ nhìn cô gái eo thon, nước da trắng mịn, dáng vẻ có phần e dè, ai nấy đều trộm nghĩ: “Rồi có khi có quen được nếp quê nghèo”. Bà Cậy cũng có lúc khúc mắc với con dâu. Chẳng phải vì ghét bỏ, mà chỉ bởi bà vốn quen với nàng dâu mộc mạc, đảm đang, biết cách nhóm bếp củi, quét sân, dọn vườn như vợ Minh Phúc chứ không phải cô gái chân yếu tay mềm, lóng nga lóng ngóng, không dám rửa mặt bằng nước sông quê. Ngày đầu làm dâu, Nhung bị mẹ chồng nhắc khi rửa bát nhỡ tay đánh vỡ mấy cái bát chiết yêu. Ngay hôm sau, bà nhíu mày khi thấy cô loay hoay nhóm bếp mãi chưa xong.
“Nhà quê không có bếp ga đâu con ạ! Muốn lửa bén, phải xếp củi thế này này”, bà vừa giảng giải, vừa thoăn thoắt nhóm lửa. Nhung cắn môi, lòng dâng lên cảm giác tủi thân. Mỗi lần về quê chồng, cô vẫn thấy mình lạc lõng giữa những người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát. Cô cũng khó quen nếp sống hơi rườm rà, lạ lẫm ấy. Ở phố, mọi thứ nhanh chóng, gọn gàng. Sáng sáng, sau tiếng gà gáy, trong nhà ngoài xóm cứ thúng mủng cập rập nào ra bến sông, đi chợ sớm.
Nhưng rồi, sau mấy năm về quê chồng ăn Tết, có chiều xuân ngồi bên bậu cửa nhìn ánh nắng trải vàng trên mái ngói cũ, cô dần nhận ra cái nếp chậm rãi, thong dong của làng quê chất chứa đầy yêu thương, sâu nặng. Rủ rỉ câu chuyện mẹ chồng kể bên hiên nhà, những buổi quây quần bên bếp lửa, con đường làng quanh co dẫn ra bờ sông, tất cả tạo nên một nhịp sống khác mà thành phố nơi cô sinh ra, lớn lên không có. Ngắm lũ trẻ chân trần chạy nhảy trên sân, cô chợt nhớ về tuổi thơ xa xôi của mình, nhớ những thơ bé cũng từng tung tăng trong sân nhà bà ngoại, nhưng rồi lớn lên, cô chỉ biết đến những con đường nhựa, những tòa nhà cao tầng, cả khoảng trời ký ức ấy dần hun hút, lãng quên.
Năm nào mùa vải chín Nhung cũng đưa các con về. Cả nhà mướt mải mồ hôi ra vườn hái quả. Những năm bà Cậy ốm nặng, chưa kịp nhờ họ hàng thu hoạch giúp, đã thấy con dâu hớt hải về tới đầu ngõ. Bà lặng người đi. Hóa ra con dâu út đã luôn cảm nhận được cái tình mộc mạc chốn quê nhà. Bà thiện cảm nhiều hơn, thấy con dâu tuy vụng về nhưng không ngại việc, vẫn thức khuya dậy sớm phụ làm cỗ bàn giỗ chạp, vẫn chăm chú nghe bà kể chuyện xưa, toàn chuyện không đầu không cuối tới tận nửa đêm. Nhưng có lẽ, bà sẽ không thực sự hiểu hết con dâu nếu không có cuộc tranh luận về việc phá bỏ ngôi nhà. Bà từng nghĩ rằng Nhung đương nhiên đồng tình với việc xây nhà mới. Giờ thì lòng bà chợt ấm bừng lên, như miếng trầu thơm đang đượm hương trong từng hơi thở.
* * *
“Thím ạ, anh hiểu, hoài niệm cũng tốt, nhưng thực tế vẫn phải tính. Nhà mình bây giờ xuống cấp quá rồi!”, anh cả mở lời đầy phân vân. Nhung nhẹ nhàng đáp: “Mái hỏng thì ta thay mái, tường thấm thì khắc phục bằng chất liệu, giờ không thiếu anh ạ! Riêng gỗ mục thì phục chế. Ở phố xá, đầy người còn bỏ bao nhiêu tiền để mua lại nhà cổ, giữ gìn hồn cốt cũ xưa”. Bà Cậy nhìn các con, nở nụ cười pha lẫn niềm vui và sự nhẹ nhõm: “Đúng lắm! Giữ lại không chỉ vì ký ức, mà chính là giá trị của hiện tại nữa đấy các con”. Minh Phúc gãi đầu, nhìn vợ chồng em trai rồi quay sang mẹ: “Vậy… sửa lại thôi mẹ nhé?”, Cương cũng gật đầu: “Sửa lại cũng được, nhưng phải chắc chắn, bền vững hơn”.
* * *
Trưa tháng Ba, nắng dìu dặt trải xuống khoảng sân. Cu Tũn con trai Cương, Nhung chạy lon ton, tay cầm chiếc chổi lông gà đuổi theo đàn bướm vàng. Bên kia sân, bé Sẻ, bé Sâu nhà Minh Phúc chơi trò ô ăn quan. Từng vốc sỏi nhặt ở bờ sông được xếp ngay ngắn trong các ô vuông vẽ bằng phấn trắng. Bàn tay nhỏ xíu bốc một nắm sỏi, vừa thả xuống từng ô vừa đếm: “Một… hai… ba… bốn… Hết rồi! Đến lượt em”. Những đứa trẻ chớp chớp mắt, rồi lại cắm cúi nhặt sỏi, má ửng hồng trong nắng, tiếng cười khúc khích vang lên. Cu Tũn chán đuổi bướm, liền chạy đến bên gốc cau, hai cái chum đã được kì cọ tinh tươm, ăm ắp nước. Nó hí hửng múc một gáo nước trong vắt hất lên không trung rồi cười khoái chí.
Nhìn lũ cháu chạy nhảy, lòng bà Cậy dâng lên nỗi xúc động mơ hồ. Bọn trẻ hồn nhiên như các con bà thuở trước. Ngày ấy, anh em Minh Phúc, Cương cũng chạy trên sân gạch, nhảy lò cò, bắn bi, rồi lăn ra ngủ khì dưới vòm vải đang mùa hoa, rù rì bầy ong tìm mật. Ký ức như lớp rêu xanh phủ trên mái ngói, như hương phù sa ngai ngái sau mỗi mùa mưa lũ tặng lại cho bờ bãi, ruộng đồng.
Hôm nay, ngày sửa nhà, con cháu bà về đông đủ. Cảnh nhà vẫn như xưa, đã có thợ nhưng vẫn người cầm búa, người đưa nhát chổi, trẻ con lăng xăng, rôm rả như có hội. Cu Tũn đôi má hây hây đỏ, tay bê xô vữa chốc chốc lại dừng, lấy chân dũi dũi vụn gạch vỡ, cười vang. Bé Sẻ, bé Sâu thấy nhà có việc vui đòi mặc áo đỏ, tóc tết sam, cố kéo cái ghế mây cũ của bà nội ra góc sân, vừa kéo vừa mời chào: “Bà nội ngồi đây mà xem bọn con dựng nhà mới”. Bà Cậy mủm mỉm cười hiền hậu, ánh mắt bà vời vợi như chạm vào tận thuở ngày xưa.
Ở góc sân, dâu cả, dâu út đang cặm cụi lau từng bức hoành phi cũ. Cũng tay áo, tóc búi gọn gàng, khuôn mặt đổ mồ hôi mà tươi giòn, nền nã. Nhung lặng lẽ chạm tay vào từng nét chữ sơn son thếp vàng đã mờ, mắt rưng rưng xúc động. “Mẹ ơi! ngày xưa, mỗi khi nhà có việc, ông cố, ông nội rồi bố, hay ngồi đâu nhất hả mẹ?”, cô cất giọng hỏi, nhẹ nhàng tựa gió. Bà Cậy quay sang, ân cần: “Ở bậc thềm kia. Mỗi chiều, đàn ông trong nhà đều nhìn ra vườn vải, ngóng phía bến sông”.
Trời về chiều, nắng loang dần mặt sân, nhuộm một màu mật ong dịu ngọt. Tán vải rung rinh những chùm hoa nở sớm, mơ màng rắc đầy mặt đất. Mùa hoa, cả miền Lục Ngạn như khoác lên mình tấm áo tinh khôi, ngào ngạt. Hương hoa len lỏi vào từng ngóc ngách của mỗi ngôi nhà, ngõ xóm. Bà Cậy lại khấp khởi nhóm bếp lên, đun thêm nồi nước lá bưởi, hoa chanh cho con dâu gội đầu. Bà khẽ nhủ, tuổi già như chuối chín cây, ấy vậy nhưng chỉ cần nếp nhà xưa còn giữ được, sẽ luôn vang vọng tiếng cười và bước chân người trở về nguồn cội.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/nep-xua-postid416548.bbg
Bình luận (0)