
Cuối chiều 19/7, trên địa bàn khu vực thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn (cũ) nay thuộc các xã, phường tỉnh Nghệ An có mưa to, lốc xoáy, gió quật mạnh đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các hộ nhận khoán và hộ công nhân trồng cây cao su trên đất đỏ ba gian Phủ Quỳ.
Từ năm ngoái đến nay, 2ha cây cao su là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Hồ Thị Hường, công nhân đội Sơn Mộng, Nông trường Tây Hiếu II. Tuy nhiên, lốc xoáy cuối ngày 19/7 đã khiến trên 400 cây cao su đang độ thu hoạch của gia đình bị đổ gãy, hàng trăm cây bị bật gốc.

Bà Hồ Thị Hường buồn bã nói: Gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng chi phí chăm sóc vườn cây, năm nay là năm thứ 2 gia đình bước vào cạo mủ, thế nhưng bây giờ coi như mất trắng, gia đình giờ không còn bấu víu vào đâu để sinh sống.
Không chỉ gia đình bà Hồ Thị Hường mà hiện hàng nghìn hộ công nhân, hộ nhận khoán của Công ty cà phê cao su Nghệ An cũng đang điêu đứng sau ảnh hưởng của lốc xoáy. Nông trường Tây Hiếu I, thuộc Công ty TNHH một thành viên cà phê cao su Nghệ An là đơn vị có diện tích cây cao su lớn nhất, với 752ha và cũng là đơn vị chịu nhiều thiệt hại nhất, ước tính có trên 100ha cây cao su bị đổ gãy, bật gốc nghiêng ngả. Điều đáng nói là toàn bộ diện tích cây cao su này đang trong quá trình khai thác mủ.
Ông Lê Đình Linh – Giám đốc nông trường Tây Hiếu I cho biết: Theo ước tính có khoảng 15% diện tích cây cao su bị gãy, không thể phục hồi được nữa, còn các cây bị nghiêng cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng sau này, đối với những lô cao su bị đổ gãy nhiều có khả năng phải thanh lý trồng các loại cây khác.

Công ty TNHH một thành viên cà phê cao su Nghệ An hiện quản lý trên 1.365,3ha cây cao su. Ảnh hưởng của mưa to, lốc xoáy, đã khiến khoảng hơn 200ha diện tích, tương đương khoảng 112.500 cây cao su trong thời kỳ kinh doanh bị đổ gãy. Những cây không bị gãy cũng rơi vào tình trạng long gốc, bật rễ, ước tính thiệt hại kinh tế lên đến khoảng 30 tỷ đồng. Còn tính về thiệt hại lâu dài có thể lên đến 100 tỷ đồng, bởi cây cao su có chu kỳ khai thác lên đến trên 15 năm.
Ông Lê Xuân Bình – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cà phê cao su Nghệ An cho biết: Ngay sau khi xảy ra thiên tai, đơn vị cũng đã đến khảo sát, động viên công nhân, đồng thời huy động lực lượng chỉ đạo các nông trường và các hộ nhận khoán kiểm đếm diện tích bị ảnh hưởng và có biện pháp khắc phục, trước mắt tập trung cắt tỉa cành, dọn vệ sinh vườn cây, đối với những cây bị đổ nghiêng thì tìm cách chống dựng lại. Đồng thời đơn vị cũng sẽ đề nghị các cấp, các ngành có chính sách để hỗ trợ cho công nhân./.
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-hang-tram-ha-cay-cao-su-bi-do-gay-do-loc-xoay-10302712.html
Bình luận (0)